(HNM) - Bất chấp những nỗ lực trong thời gian qua của Chính phủ Thái Lan, trong đó đáng chú ý là gói giải pháp 9 điểm vừa được Thủ tướng Abhisit Vejjajiva công bố (9-1) nhằm đẩy mạnh an sinh xã hội, cùng ngày, khoảng 30.000 người phe "áo đỏ" do Mặt trận thống nhất dân chủ chống độc tài (UDD) cầm đầu lại lục tục xuống đường biểu tình tại Thủ đô Bangkok.
Mặc dù ghi nhận của báo chí Thái Lan trong 24 giờ qua cho thấy tình hình đã tạm lắng, song đây vẫn là thách thức lớn với chính phủ của Thủ tướng Abhisit Vejjajiva trong những ngày đầu năm mới.
Lực lượng “áo đỏ” biểu tình gây ách tắc giao thông trầm trọng tại Bangkok ngày 9-1. Ảnh: Reuters |
Nằm trong khuôn khổ chương trình "Vì nhân dân năm 2011", các giải pháp "nóng" trị giá hơn 60 triệu USD vừa được chính phủ tung ra ngay lập tức đã thu hút sự quan tâm của dư luận Thái Lan, đặc biệt là những nông dân nghèo. Kế hoạch này được kỳ vọng sẽ đem lại lợi ích trực tiếp cho hơn 10 triệu dân trong tổng số hơn 60 triệu dân Thái Lan, với lợi ích kinh tế có thể lên tới hơn 600 triệu USD khi nó trở thành hiện thực. Điều quan trọng hơn là gói giải pháp có thể giúp thu hẹp bất đồng cũng như khoảng cách giàu - nghèo đang gia tăng tại Thái Lan. Song gói giải pháp của chính phủ vừa công bố dường như chưa đủ sức "chế ngự" làn sóng "áo đỏ"- chủ yếu là nông dân nghèo đến từ nhiều vùng quê của Thái Lan với lý do đòi trả tự do cho các thủ lĩnh của họ đang bị giam giữ.
Luật tình trạng khẩn cấp được dỡ bỏ tại Thủ đô Bangkok và một loạt tỉnh, thành của Thái Lan đến nay mới được gần một tháng. Song những gì đang diễn ra cho thấy, kỳ vọng của các nhà lãnh đạo Thái Lan về một hủ đô Bangkok yên bình xem ra vẫn còn khá xa vời. Cuộc tập hợp lực lượng lớn nhất kể từ khi lệnh tình trạng khẩn cấp được dỡ bỏ của những người "áo đỏ" đã cho thấy điều đó.
Giữa lúc phải gồng mình trước những "áo vàng", "áo đỏ", trong đó có kiến nghị giải thể đảng Dân chủ cầm quyền, chính phủ của Thủ tướng Abhisit Vejjajiva lại đang như "ngồi trên đống lửa" khi đảng Vì nước Thái (Puea Thai) đối lập vừa tuyên bố sẽ trình kiến nghị bất tín nhiệm chính phủ ngay khi Quốc hội nước này họp trở lại vào ngày 21-1 tới. Không dừng lại ở đó, Puea Thai còn khẳng định sẽ sớm công khai kết quả điều tra chính phủ tham nhũng trong nhiều dự án. Với hơn 180 nghị sỹ trong Hạ viện, Puea Thai có đủ số ghế cần thiết để tự đứng ra trình kiến nghị bất tín nhiệm chính phủ. Nếu điều này xảy ra, rất có thể chính phủ đương nhiệm sẽ bị giải tán để thành lập chính phủ mới.
Năm 2011 được dự báo là năm khó khăn với nền kinh tế xứ "chùa Vàng". Bất chấp những tín hiệu lạc quan, các số liệu phân tích mới nhất của Viện quốc gia về quản lý phát triển (NIDA) tại Bangkok dự báo, tăng trưởng GDP của Thái Lan năm nay chỉ cán đích bằng 50% so với năm 2010, tương đương mức 4% so với 7-8% năm ngoái. Khi sự phục hồi của nền kinh tế thế giới vẫn còn mong manh, việc phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu - đóng góp tới 71,9% cho GDP - là nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự sụt giảm tăng trưởng của nền kinh tế Thái Lan. Cùng với những tác động do sự trì trệ của nền kinh tế toàn cầu, một lý do không kém phần quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng GDP của Thái Lan năm nay lại có thể là nguy cơ bất ổn định chính trị tái diễn.
Trong bối cảnh làn sóng biểu tình đường phố của người "áo đỏ" cùng sự khuấy động trở lại ngày một lớn của phe "áo vàng" do Liên minh Nhân dân vì dân chủ (PAD) hậu thuẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt, một tương lai bất ổn trên chính trường Thái Lan là điều được nhiều chuyên gia dự báo. Nếu kịch bản tồi tệ này tiếp tục xảy ra, không chỉ các giải pháp của chính phủ vừa đưa ra có cơ bị phá sản, mà còn khiến lòng tin của giới đầu tư cũng như du khách quốc tế vào đất nước này bị sói mòn. Bất ổn định chính trị đang làm nền kinh tế bị đình đốn do du lịch, đầu tư và thị trường… cùng sụt giảm mạnh trên đất nước "chùa Vàng".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.