Hiện Chính phủ Thái Lan đang đẩy nhanh việc bơm thoát nước ra biển qua các trạm bơm vận hành 24/24 giờ, nên tình trạng lụt lội ở Bangkok sẽ giảm trong mấy ngày nữa.
Ngày 31/10 Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra cho biết, tình hình lũ lụt ở thủ đô Bangkok sẽ không tệ hại hơn được nữa và mực nước sẽ giảm dần trong một vài ngày tới.
Tuy nhiên, Thị trưởng Bangkok Sukhumbhand Paribatra đã nói tới nguy cơ mới là dịch bệnh có thể phát sinh do điều kiện vệ sinh không đảm bảo. Thị trưởng Paribatra đã chỉ thị cho các khu vực đang bị ngập lụt sử dụng thuyền để thu gom rác tại chỗ.
Cục Phòng chống và Giảm nhẹ thiên tai Thái Lan cho biết hiện vẫn còn 26 tỉnh, thành phố nước này bị tác động của lũ lụt.
Trong khi lũ lụt chưa rút hẳn, các chuyên gia đã có đánh giá bước đầu về trận lụt lớn nhất hơn 50 năm qua Thái Lan.
Các chuyên gia Thái Lan trong khi tìm phương án đối phó với trận lũ đã nhìn nhận rằng 2 yếu tố chính khiến cơn lũ trở thành bất trị. Thứ nhất là không tiên liệu được lượng nước mưa bất thường trong năm nay với khoảng 8 tỷ m3 đổ xuống các con sông lượng nước tăng gấp nhiều lần so với các năm. Thứ hai là Thái Lan chưa tính được việc xả nước một cách thích hợp từ các đập thủy điện đầu nguồn nên nước đã tràn xuống vùng trũng mạnh hơn.
Thái Lan có hơn 300 đập nước được xây dựng nhằm chứa nước trong mùa mưa và tưới tiêu cho các cánh đồng lúa vào mùa hè để chống hạn hán. Các hồ chứa lại trở thành con dao hai lưỡi gây tác hại nghiêm trọng khi nước trong các hồ chứa này quá tải do mưa kéo dài nhiều ngày. Lượng nước này cộng với hệ thống xả nước của hai đập Bhumibol và Sirikit khiến cho nước vượt ngoài vòng kiểm soát và tràn xuống vùng đồng bằng sông Chao Phraya.
Do vị trí địa hình trũng với độ cao trung bình chỉ 2m so với mực nước biển nên hầu hết đồng bằng Chao Phraya với diện tích hơn 170.000km2 dễ bị ngập khi lượng nước từ miền Bắc tràn về vượt tầm kiểm soát như thời gian vừa qua.
Bài học từ trận lụt của Thái Lan có thể giúp các nước thêm kinh nghiệm trong công tác quy hoạch các dự án chống triều cường kết hợp với lũ, bao gồm khoanh vùng đất trũng, chú ý các thao tác đóng hay xả nước tại các công trình thủy điện lớn đầu nguồn nhằm điều tiết dòng nước.
Đối với trận lụt tại Bangkok, Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế WWF cho biết vùng Chao Phraya đang lún với tốc độ từ 5-15cm mỗi năm do mực nước ngầm giảm.
Thành phố Bangkok đang phải đối mặt với nguy cơ ngập lụt do mực nước biển dâng và những cơn mưa lớn vào mùa mưa - hai hậu quả của hiện tượng biến đổi khí hậu. Điểm đặc biệt là Thành phố Hồ Chí Minh của Việt Nam cũng chịu tác động như Bangkok đang chịu.
Giới chuyên gia cho rằng trận lụt nặng nề của Thái Lan có thể giúp Việt Nam có thêm kinh nghiệm quý giá trong nỗ lực chống lũ của mình, vì hai nước có nhiều điểm giống nhau trong cấu tạo địa hình và thổ nhưỡng cũng như cùng chia sẻ những nguy cơ từ biến đổi khí hậu, môi trường và lượng nước mưa hàng năm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.