Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thái Lan lao đao vì “thủy triều đen”

Tuấn Minh| 03/08/2013 07:14

(HNM) - Gần một tuần đã trôi qua nhưng sự cố tràn dầu trên vịnh Thái Lan vẫn là câu chuyện thời sự không chỉ với Chính phủ của Thủ tướng Yingluck Shinawatra mà còn trở thành mối quan tâm chung...

Sự cố xảy ra khi khoảng 50.000 lít dầu thô rò rỉ từ một đường ống của Nhà máy lọc dầu PTT Global Chemical Plc (PTTGC) - công ty con của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Thái Lan PTT - ở ngoài khơi cách thành phố Rayong khoảng 20km - đã tràn vào bờ biển Ao Phrao của đảo du lịch nổi tiếng Ko Samet.


Chưa đầy 24 tiếng sau sự cố đáng tiếc, các cơ quan chức năng của Thái Lan đã huy động 10 tàu cứu hộ phối hợp với các lực lượng hải quân, Cục Hàng hải… để khống chế không cho vệt dầu tràn dài 2,5km, rộng khoảng 800m, tiếp tục lan rộng. Tuy nhiên, do gió không đổi chiều nên vệt dầu tràn đã trôi dạt về hướng đất liền và tràn vào các khu nghỉ mát tại bờ biển thuộc Rayong. Bất chấp những cam kết của Công ty PTTGC rằng không để du khách hay ngư dân ở các vùng biển lân cận bị ảnh hưởng, đồng thời chịu trách nhiệm khắc phục để sự cố không ảnh hưởng đến môi trường, nhưng hàng nghìn du khách vẫn trả phòng khách sạn, rời bỏ hòn đảo du lịch nổi tiếng Ko Samet để trở về thủ đô Bangkok.

Mặc dù đến nay nguyên nhân của vụ tràn dầu cũng như những thiệt hại đối với môi trường chưa được làm rõ nhưng tranh cãi đang nổ ra khi đại diện Tập đoàn PTT cho rằng đã làm sạch 80% bãi biển Ao Phrao. Bác bỏ lời khẳng định trên, Tổ chức Hòa bình xanh thế giới (Greenpeace) tuyên bố nhiều mảng dầu vẫn còn trên vịnh Thái Lan. Greenpeace lấy làm tiếc khi một tập đoàn tầm cỡ quốc tế như PTT lại không có một kế hoạch ứng phó kịp thời để xảy ra sự cố tràn dầu trên. Theo thống kê của Greenpeace, trong 30 năm qua đã có hơn 200 vụ tràn dầu trên vịnh Thái Lan, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống của khu vực này. Chuyên gia Srisuwan Janya, Chủ tịch tổ chức môi trường mang tên Hiệp hội Chấm dứt hiện tượng trái đất ấm dần lên, cho biết các rạn san hô và nguồn cá ở vịnh Thái Lan là những "nạn nhân" trực tiếp chịu tác động nghiêm trọng nhất.

Ghi nhận của báo chí Thái Lan những ngày qua cho thấy, công nhân phải sử dụng nhiều biện pháp để khắc phục hậu quả sự cố này như đặt đường phao quây dài 200m không cho dầu tiếp tục loang rộng thêm, dùng bơm hút dầu tràn trên mặt biển, sử dụng bốn tàu phun khoảng 35.000 lít hóa chất phân tán dầu… Tuy nhiên ở một góc độ khác, các chuyên gia bảo vệ môi trường lại tỏ ra quan ngại về hậu quả của việc sử dụng hóa chất để làm tan dầu gây ra đối với khu vực dồi dào nguồn cá mà ngư dân thường đến đánh bắt. Vì thế, Greenpeace đã lên tiếng kêu gọi Chính phủ Thái Lan chấm dứt hoạt động khoan dầu trên vịnh Thái Lan nhằm tránh xảy ra sự cố đáng tiếc tương tự.

Trước tình hình cấp thiết đó, Thủ tướng Yingluck Shinawatra mới đây đã chỉ thị cho nội các Thái Lan lập tức thành lập Nhóm ứng phó sự cố tràn dầu gồm đại diện của các Bộ Nội vụ, Lao động, Tài nguyên và Môi trường nhằm nhanh chóng giải quyết vụ việc. Ngoài những tác hại khủng khiếp đến môi trường, nạn thủy triều đen cũng đang đe dọa đến du lịch, một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của Thái Lan. Mỗi năm ngành du lịch đóng góp khoảng 10% vào tổng GDP của nền kinh tế lớn hàng đầu trong khu vực ASEAN này. Nếu tình trạng ô nhiễm môi trường do sự cố tràn dầu gây ra không sớm được khắc phục sẽ tác động trực tiếp đến ngành công nghiệp không khói mang lại nhiều lợi nhuận và sự nổi tiếng cho xứ Chùa vàng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thái Lan lao đao vì “thủy triều đen”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.