(HNM) - Với 297 phiếu ủng hộ trên tổng số 492 phiếu, Thủ tướng Yingluck Shinawatra dễ dàng vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Hạ viện Thái Lan sáng 28-11 sau ba ngày tranh luận căng thẳng.
Cáo buộc của đảng Dân chủ đối lập (DP) về việc Chính phủ đã chi khoảng 108 triệu USD vào chương trình quản lý nước và những sai lầm trong chính sách trợ giá gạo chưa thể loại bỏ bà Yingluck khỏi vị trí lãnh đạo đất nước Chùa Vàng. Thắng lợi bước đầu này không chỉ giúp nữ Thủ tướng Yingluck khẳng định uy tín sau hơn hai năm cầm quyền, mà còn góp phần loại bỏ nguy cơ về một "cuộc đảo chính hợp pháp" nhằm vào Chính phủ của bà.
An ninh đã được tăng cường ở thủ đô Bangkok do lo ngại làn sóng biểu tình lan rộng. |
Thế nhưng, thắng lợi trên nghị trường chưa thể giúp Thủ tướng Yingluck giải được bài toán bất ổn nhiều ngày qua khi làn sóng biểu tình của hàng chục nghìn người tại thủ đô Bangkok đang có dấu hiệu lan rộng. Bất chấp việc Tòa án Hình sự Thái Lan chấp thuận lệnh bắt giữ và Luật An ninh nội địa đã được áp dụng trên địa bàn thủ đô Bangkok cũng như một số khu vực lân cận, thủ lĩnh biểu tình chống chính phủ Suthep Thuagsuban vẫn xuất hiện trước đám đông cổ động cho những người chống Chính phủ. Không chỉ bác bỏ thiện chí đối thoại hòa bình nhằm giải quyết tình trạng bất ổn hiện nay, cựu nghị sỹ DP đối lập Suthep còn tuyên bố tất cả các luật lệ và trật tự do Chính phủ áp đặt đều không còn giá trị. Lý do được đưa ra là nhà cầm quyền không thể vừa áp dụng luật pháp vừa bác bỏ quyền lực của Tòa án Hiến pháp - ám chỉ việc đảng Puea Thai cầm quyền có thể khởi kiện Tòa án Hiến pháp vì đã bác bỏ dự luật sửa đổi Hiến pháp do đảng này đề xuất.
Năm ngày qua, những người biểu tình đã chiếm một loạt trụ sở của Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã, Bộ Thể thao và Du lịch, Bộ Giao thông… đồng thời kêu gọi các viên chức, công chức nghỉ việc để làm tê liệt hoàn toàn bộ máy chính quyền. Việc thành lập một chính phủ mới đã được phe đối lập xem là mục tiêu không giấu giếm.
Làn sóng biểu tình chống Chính phủ diễn ra tại Bangkok khiến dư luận liên tưởng đến cảnh tượng tương tự xảy ra cách đây 3 năm do lực lượng biểu tình "áo đỏ" phát động khiến 90 người thiệt mạng. Dòng người biểu tình khi đó cũng xông vào chiếm giữ nhiều trụ sở cơ quan nhà nước, cắt điện nước, đồng thời kêu gọi các viên chức, công chức nghỉ việc để làm tê liệt bộ máy chính quyền. Mặc dù cuộc biểu tình lần này tại Bangkok vẫn diễn ra trong hòa bình, nhưng không ai dám chắc không thể biến thành bạo lực đường phố. Trên thực tế, quốc gia Đông Nam Á này đã từng chứng kiến các cuộc khủng hoảng chính trị kể từ khi cựu Thủ tướng Thaksin bị lật đổ trong cuộc đảo chính năm 2006.
Với tình hình căng thẳng hiện nay, điều đáng lo ngại nhất là nguy cơ người biểu tình có thể làm mọi việc để kích động một cuộc can thiệp quân sự vào các vấn đề của Chính phủ, mà cuối cùng có khả năng dẫn đến một cuộc đảo chính. Tất nhiên, với việc vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm không mấy khó khăn, mối đe dọa này không phải là thử thách trước mắt. Song, nếu không nhanh chóng có một giải pháp mà cả hai bên chấp nhận được, Thái Lan sẽ chìm sâu vào vòng xoáy bất ổn mới. Trước nguy cơ làn sóng biểu tình ngày càng lan rộng, trong một phát biểu mới nhất từ trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Mỹ), Tổng Thư ký Ban Ki-moon đã bày tỏ quan ngại về tình hình căng thẳng tại Thái Lan và kêu gọi các bên kiềm chế, không sử dụng bạo lực và tôn trọng luật pháp và quyền con người.
Châm ngòi từ sự kiện đảng Puea Thai cầm quyền đệ trình Thượng viện thông qua dự luật ân xá - một dự luật mà DP cho là nỗ lực của nữ Thủ tướng Yingluck nhằm "dọn đường" cho sự trở về của cựu Thủ tướng Thaksin, cũng là anh trai của bà, bất ổn trên chính trường Thái Lan sẽ đi tới đâu và diễn tiến như thế nào là điều không dễ đoán định. Đặc biệt khi cựu thủ lĩnh đối lập Suthep tuyên bố sẽ kháng cự lệnh bắt giữ của cảnh sát và đưa các cuộc biểu tình tới hồi kết trước ngày 5-12 - ngày sinh của Nhà vua Thái Lan. Đây sẽ là thách thức lớn với nữ Thủ tướng Yingluck để có thể trụ vững trên chiếc "ghế nóng" quyền lực.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.