Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thái Lan bỏ phiếu trưng cầu hiến pháp

H.Vân| 07/08/2016 08:16

(HNMO) - Hôm nay, 7/8, người dân Thái Lan tham gia cuộc trưng cầu dân ý về một bản hiến pháp mới được chính quyền hậu thuẫn, mở đường cho một cuộc tổng tuyển cử vào năm 2017.


Theo trang tin Channel NewsAsia, cuộc trưng cầu dân ý này là thử nghiệm công chúng lớn đầu tiên với chính quyền của Thủ tướng Prayuth Chan-ocha trong vòng 2 năm qua, kể từ khi ông lên nắm quyền sau cuộc đảo chính năm 2014.

Các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy, một bộ phận nhỏ cử tri chấp nhận hiến pháp mới, nhưng hầu hết cử tri chưa quyết định. Có 50 triệu cử tri đủ điều kiện bỏ phiếu và Ủy ban bầu cử hi vọng, tỷ lệ bỏ phiếu đạt 80%. Kết quả sơ bộ dự kiến sẽ có vào lúc 8h tối nay.

Ông Prayuth đã tuyên bố, nếu người dân bác hiến pháp mới, ông sẽ không từ chức và một cuộc tổng tuyển cử sẽ được tổ chức vào năm tới, không phụ thuộc và kết quả của cuộc trưng cầu dân ý.

Cảnh sát xem các hòm phiếu trước khi Ủy ban bầu cử kiểm tra hòm phiếu



Trong hơn một thập kỷ hỗn loạn chính trị ở Thái Lan, quân đội đã hai lần lật đổ chính phủ do gia đình Shinawatra điều hành. Những người chỉ trích cho rằng, hiến pháp mới là một nỗ lực của quân đội để khắc phục những thất bại trong việc trục xuất cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra và phong trào dân túy của ông ra khỏi chính trường Thái Lan sau cuộc đảo chính hồi năm 2006 khiến ông phải ra đi.

Mặc dù đang sống lưu vong, ông Thaksin vẫn duy trì ảnh hưởng mạnh mẽ ở trong nước, đặc biệt là với khu vực nông thôn miền bắc. Hôm 4/8, ông đã gọi hiến pháp mới là "điên rồ", bởi nó sẽ duy trì quyền lực của chính quyền quân sự và không thể quản lý Thái Lan. Theo dự thảo hiến pháp, Thượng viện do quân đội chỉ định với các ghế dành cho các chỉ huy quân sự sẽ kiểm tra quyền hạn của các nhà lập pháp được bầu.

Dù cách thức bỏ phiếu được tiến hành như thế nào, Liên hợp quốc vẫn muốn thúc đẩy nhiều hơn nữa đối thoại giữa quân đội và các đối thủ chính trị ở Thái Lan. Các đảng chính trị lớn nhất nước này, trong đó có đảng trung thành với ông Thaksin, không ủng hộ hiến pháp, nhưng chính phủ đã cấm tất cả các đảng vận động cho trưng cầu dân ý. Chính phủ cũng đã triển khai hàng nghìn học viên quân đội mang thông điệp tới 50 triệu cử tri đủ tư cách của Thái Lan, khuyến khích họ tham gia cuộc trưng cầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thái Lan bỏ phiếu trưng cầu hiến pháp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.