(HNM) - Ngày 31-10 năm nay đang được chờ đón như một ngày đặc biệt đối với cả thế giới khi công dân thứ 7 tỷ sẽ cất tiếng khóc chào đời.
Nhân loại đã phải đi chặng đường dài tới 200.000 năm để đạt được con số 1 tỷ người vào năm 1804. Tuy nhiên, tốc độ này đã gia tăng chóng mặt khi dân số toàn cầu gấp đôi vào năm 1927, lên 3 tỷ người vào năm 1959, 4 tỷ người năm 1974, 5 tỷ người năm 1987 và 6 tỷ người năm 1999. Đúng 12 năm sau ngày sinh nhật của công dân thứ 6 tỷ tại Sarajevo, Bosnia Herzegovina, thế giới đã có thêm 1 tỷ người.
Bùng nổ dân số dẫn đến sự gia tăng nguy cơ đói nghèo khắp thế giới. |
Những tiến bộ vượt bậc về chăm sóc y tế, khoa học kỹ thuật và văn minh văn hóa... đã được nhìn nhận như các yếu tố quan trọng giúp kéo dài tuổi thọ của con người. Đặc biệt, quá trình này đã diễn ra với tốc độ cực kỳ cao ở những nước đang phát triển khi nhiều thành tựu của các quốc gia phương Tây về y tế đã giúp làm giảm đáng kể tỷ lệ tử vong.
Tại các nước Âu - Mỹ, tuổi thọ trung bình đã tăng từ 35 tuổi hồi đầu thế kỷ XIX lên 77 tuổi như hiện nay. Cũng chỉ trong vòng 50 năm qua, tuổi thọ trung bình của người Ấn Độ đã nhảy vọt từ 38 lên 64 tuổi và từ 41 lên 73 tuổi tại Trung Quốc...
Theo các chuyên gia, mặc dù tình trạng giảm sinh tại nhiều quốc gia phát triển do sự nâng cao về văn hóa và nhận thức của phụ nữ cũng như các cặp vợ chồng hay những chương trình kế hoạch hóa gia đình được áp dụng ngặt nghèo tại nhiều quốc gia, song sự bùng nổ dân số sẽ vẫn tiếp diễn để Trái đất đón công dân thứ 8 tỷ trong 13 năm tới và khoảng 9 tỷ người vào năm 2050. Có thể nói, đây là một nguồn lực khổng lồ mà nhân loại chưa từng có trong suốt quá trình phát triển của mình và hứa hẹn mang đến những cơ hội để con người đạt được những đỉnh cao về mọi phương diện trong đời sống.
Thế nhưng, điều này cũng đang tạo ra những thách thức và nguy cơ với chính cuộc sống của loài người. Với tốc độ gia tăng dân số như hiện nay, mỗi năm sẽ có thêm 78 triệu người trở thành thành viên của hành tinh xanh, chủ yếu tại các nước đang phát triển hoặc nước nghèo. Các cơ quan dân số khắp thế giới đã khuyến cáo về sự nới rộng khoảng cách giàu nghèo, bất bình đẳng giới, mất an ninh lương thực, biến đổi khí hậu gây thiên tai... khi Trái đất ngày càng phải chịu thêm những áp lực về nhân khẩu. Về lý thuyết, các nhà khoa học đồng tình với nhận định những tiến bộ trong sản xuất nông nghiệp sẽ giúp cung cấp đủ lương thực cho con người đến năm 2050, thời điểm được cho là dân số thế giới đạt ngưỡng bão hòa và sẽ bắt đầu gia tăng chậm chạp. Song, tình trạng giá lương thực leo thang đột biến những năm qua do hạn hán, lụt lội và cả nạn đầu cơ của các thương lái... khiến xuất hiện ngày càng nhiều những cảnh báo rằng việc tìm kiếm đủ lương thực, thực phẩm để nuôi sống con người là không hề đơn giản. Thậm chí, mục tiêu này không thể thực hiện bằng những nỗ lực đơn lẻ mà cần có sự phối hợp, chia sẻ, hỗ trợ... của tất cả các quốc gia trên thế giới, nhằm tạo ra và duy trì nguồn sống có ý nghĩa quyết định với sự tồn vong của loài người.
Cứ mỗi giây trên thế giới có 4 em bé ra đời và 2 người qua đời, con số dương 200.000 người mỗi ngày thực sự là một gánh nặng ghê gớm với môi trường thiên nhiên. Đều đặn mỗi ngày con người tạo ra 2.700 tỷ lít nước thải và kể từ đầu thế kỷ XIX đến nay, bùng nổ dân số đã dẫn đến sự gia tăng 40% đến 60% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Thiên nhiên bị tàn phá vì nhu cầu mưu sinh của loài người tất yếu làm trầm trọng thêm nguy cơ biến đổi khí hậu dẫn tới nước biển dâng và thiên tai khắp nơi. Hậu quả sẽ là sự bất ổn về cả bình diện xã hội, an ninh của từng quốc gia, khu vực và toàn cầu giữa lúc các nguồn năng lượng và tài nguyên thiên nhiên không thể đáp ứng sức tiêu thụ của loài người.
Nhân loại mất hơn 200 năm để tăng từ 1 tỷ lên 7 tỷ người nhưng cũng sẽ phải mất từng ấy thời gian chỉ để đếm từ 1 đến 7 tỷ. Sự so sánh nhỏ đó để thấy rằng, việc nhìn nhận đúng những nguy cơ của vấn đề tăng dân số đối với con người sẽ giúp chúng ta biết cách đối diện và ứng phó với những hệ lụy sẽ nảy sinh. Sống thân thiện hơn với môi trường và dựa vào nhau để chung sống như lời kêu gọi của Liên hợp quốc sẽ là một cách tiếp cận khoa học và nhân bản vì tương lai của con người trên hành tinh xanh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.