(HNM) - Giữa lúc nhiều quốc gia Châu Á đang hân hoan trong không khí chào đón năm mới Quý Tỵ 2013, CHDCND Triều Tiên đã gây
Trong 24 giờ qua, kể từ khi Triều Tiên tuyên bố thực hiện thành công vụ thử hạt nhân lần thứ 3 được cho là lớn hơn nhiều so với hai vụ thử hạt nhân các năm 2006 và 2009, cộng đồng khu vực và quốc tế bị "đốt nóng" từng giờ bởi những cuộc họp khẩn, những cú điện đàm cùng những lời lên án quyết liệt… nhằm vào Bình Nhưỡng.
Dư luận quốc tế phản ứng mạnh mẽ trước vụ thử hạt nhân lần thứ 3 của Triều Tiên. |
Một trong những cuộc họp khẩn cấp nhất là cuộc tham vấn của 15 nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) tối 12-2 theo đề xuất của Hàn Quốc - nước đang giữ cương vị Chủ tịch luân phiên HĐBA trong tháng này. Không chỉ lên án mạnh mẽ vụ thử hạt nhân lần thứ 3 của Bình Nhưỡng vi phạm nghiêm trọng các nghị quyết trừng phạt của LHQ trước đó mang số 1718 (năm 2006), 1874 (năm 2009) và 2087 (năm 2013), bản tuyên bố vừa được 15 nước HĐBA thông qua một lần nữa khẳng định, vụ thử hạt nhân mới của Triều Tiên là mối đe dọa rõ ràng với hòa bình và an ninh quốc tế. Trên tinh thần đó, các nước thành viên cơ quan quyền lực nhất hành tinh tái khẳng định sự nhất trí đối với những nội dung được nêu trong Nghị quyết 2087, trong đó nhấn mạnh HĐBA sẽ có hành động thích đáng nếu Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân tiếp theo. Căn cứ vào Nghị quyết 2087 và mức độ vi phạm của Triều Tiên, các nước thành viên HĐBA sẽ thảo luận các biện pháp trừng phạt thích hợp và dự kiến sẽ được đưa vào nghị quyết tiếp theo của HĐBA trong vài ngày tới.
Cùng những phản ứng gay gắt của một loạt quốc gia trên thế giới, suốt 24 giờ qua, dư luận khu vực luôn đặt câu hỏi vì sao Bình Nhưỡng lại quyết thực hiện bằng được vụ thử hạt nhân mới bất chấp những hậu quả khôn lường. Câu trả lời được phỏng đoán rằng vì Bình Nhưỡng muốn Washington thay đổi lập trường và Triều Tiên không ngần ngại "chọc giận" người bạn lớn Trung Quốc. Vì thế, ngay sau khi thông tin về vụ thử hạt nhân lần thứ 3 của Triều Tiên được xác nhận, một trong những nước có phản ứng mạnh mẽ nhất là Trung Quốc. Đây là điều hiếm khi xảy ra bởi Trung Quốc vốn là đồng minh, nhà tài trợ lớn nhất cho Triều Tiên trong nhiều năm qua. Việc Bình Nhưỡng phớt lờ cảnh báo của Bắc Kinh và gây bất ngờ bằng vụ thử hạt nhân cho thấy vị thế của Trung Quốc đã đổi thay với cái nhìn từ Bình Nhưỡng. Sau những ủng hộ to lớn về cả vật chất lẫn tinh thần cho Triều Tiên, sự "đền đáp" tương xứng từ Bình Nhưỡng đã trở thành một câu hỏi bí ẩn và quan trọng hơn nó cho thấy sức ảnh hưởng với Bình Nhưỡng từ Bắc Kinh không như tưởng tượng của nhiều người.
Với tuyên bố chỉ là "đòn đầu tiên" mang tính tự vệ nhằm vào chính sách thù địch của Mỹ, vụ thử hạt nhân thứ 3 của Triều Tiên được các chuyên gia phân tích nhận định là không nằm ngoài mục đích buộc Mỹ ngồi vào bàn đàm phán. Với Bình Nhưỡng, chỉ khi nào có trong tay vũ khí lớn hơn, đáng sợ hơn cùng những hành động răn đe đủ mạnh mới có thể buộc Washington ngồi vào bàn đàm phán để thảo luận về thứ mà họ thực sự muốn. Nhận định này càng có cơ sở, bởi không phải ngẫu nhiên vụ thử hạt nhân mạnh nhất của Triều Tiên lại diễn ra ngay trước thềm sự kiện Tổng thống Mỹ Barack Obama đọc thông điệp liên bang quan trọng đề cập đến những chính sách đối nội và đối ngoại. Do đó, hành động của Bình Nhưỡng không chỉ thu hút sự chú ý dư luận mà còn là một nhắc nhở với thế giới rằng, Triều Tiên nghèo nhưng ẩn chứa sức mạnh có thể làm đảo lộn an ninh và sự ổn định trong khu vực. Hơn nữa, với vụ thử, Bình Nhưỡng được cho là muốn phát đi thông điệp rằng, Washington hãy nhìn nhận quốc gia này như một cường quốc hạt nhân, tôn trọng chủ quyền và sức mạnh quân sự của một phần bán đảo Triều Tiên ngoài tầm ảnh hưởng của Mỹ. Nếu vậy, đây quả là lá bài quan trọng trước khi Triều Tiên ngồi vào bàn đàm phán với cường quốc hạt nhân Mỹ.
Tuyên bố về vụ thử hạt nhân mới của Triều Tiên dù ở bất kỳ cấp độ nào cũng đang gây mối quan ngại với cộng đồng khu vực quốc tế đang hướng tới một thế giới phi hạt nhân. Hơn nữa, vụ thử còn cho thấy một quốc gia đang tiến thêm một bước gần hơn tới đích phát triển được một đầu đạn hạt nhân gắn lên tên lửa đạn đạo. Vì thế, một lệnh trừng phạt mới từ Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… hướng tới "điểm nổ" vừa được dự báo sẽ châm ngòi cho những căng thẳng mới trên bán đảo Triều Tiên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.