Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thách thức lớn với Eurozone

Đình Hiệp| 13/04/2013 07:29

(HNM) - Mặc dù đã được cứu trợ khẩn 40 tỷ euro vào tháng 12 năm ngoái từ cơ chế ổn định Châu Âu - để cứu hệ thống ngân hàng bên bờ vực phá sản - cơn bão nợ công tại Tây Ban Nha vẫn chưa ngớt hoành hành khi những hệ lụy khôn lường có thể tiếp tục ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế cũng như hệ thống tài chính vẫn đang trong trạng thái

Tìm được một việc làm trong thời buổi khó khăn này không phải dễ với nhiều người dân Tây Ban Nha.



Không chỉ dừng lại ở những "tên tuổi" trên "bản đồ nợ công" Liên minh Châu Âu (EU) như Ireland, Italia, Hy Lạp hay Bồ Đào Nha… Slovenia giờ đây cũng bị Ủy ban Châu Âu (EC) liệt vào "danh sách đen" cùng Tây Ban Nha - là hai trong số 13 quốc gia thành viên EU "cần được kiểm soát chặt chẽ" về tài chính.

Từng nằm chung số phận với nhiều quốc gia trong EU khi cực chẳng đã phải cầu viện giải cứu từ các nhà tài trợ quốc tế, thế nhưng hơn bốn tháng trôi qua mà gói cứu trợ khổng lồ 40 tỷ euro vẫn chưa thực sự phát huy tác dụng như trông đợi của các nhà lãnh đạo xứ sở Bò tót. Trái lại, dự đoán mới đây của EC cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp ở nền kinh tế lớn thứ 4 Châu Âu có thể lên tới mức 27% trong năm nay, khiến tình trạng sụt giảm kinh tế sẽ kéo dài đến năm 2014. Điều đáng lo ngại hơn là tâm lý bất ổn ngày càng bao trùm trong xã hội - tỷ lệ thuận với các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" mà chính phủ đang áp dụng triệt để - khiến nỗ lực đưa nền kinh tế hơn 46 triệu dân sớm thoát khỏi cảnh nợ nần của Thủ tướng Mariano Rajoy trở nên khó khăn hơn. Cùng với những tác động khó tránh do suy thoái kinh tế khu vực cũng như toàn cầu, việc thực hiện chưa hiệu quả các biện pháp cải cách tài chính công, tạo công ăn việc làm cũng như gia tăng khả năng cạnh tranh như từng cam kết khi nhận giải cứu là những nguyên nhân đẩy Tây Ban Nha đến tình cảnh khó khăn hiện nay.

Dù chưa phải nhận cứu trợ từ các ông chủ Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone), nhưng các báo cáo mới nhất từ EC cũng như Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cho thấy, Slovenia đang đối mặt với khủng hoảng ngân hàng nghiêm trọng do hệ thống quản trị yếu kém, trong khi công cụ giám sát chưa phát huy hiệu quả. Không mấy ai ngờ rằng quốc gia nhỏ bé từng được coi là "mô hình thành viên mới trong EU và Eurozone", với tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 5%, giờ lại lâm vào cảnh nợ nần chồng chất. Theo đánh giá mới đây của OECD, nợ xấu của các ngân hàng Slovenia đã lên tới 7 tỷ euro mà phần lớn là các ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước. Cùng với mức tăng trưởng kinh tế được dự báo sẽ suy giảm năm thứ hai liên tiếp xuống 2,1% năm nay, OECD hết sức quan ngại khi nợ công của quốc gia thời hậu Nam Tư (cũ) này đã tăng gấp đôi lên 47% GDP từ năm 2008 đến nay và có thể lên 100% vào năm 2025, nếu không có những cải cách mới. Với mức lãi suất trái phiếu chính phủ lên tới hơn 7% - mức được cho là vượt khả năng chịu đựng của một nền kinh tế phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu lại đang lâm vào suy thoái - khiến các chuyên gia lo ngại Slovenia có thể sẽ nối gót Cộng hòa Síp để trở thành nạn nhân thứ sáu liên tiếp phải nhận cứu trợ của Eurozone.

Tuy không nằm trong danh sách cảnh báo mới nhất của EC - với mức phạt có thể lên tới 0,1% GDP nếu không quyết liệt thực hiện các biện pháp cải cách kinh tế trước tháng tư - nhưng 11 nền kinh tế thành viên khác của EU cũng ở trong tình cảnh không sáng sủa hơn mấy. Đây được coi là thách thức lớn với Eurozone khi những biện pháp "thắt lưng buộc bụng" của các chính phủ không được lòng dân khiến căng thẳng xã hội gia tăng ở mức đáng lo ngại.

Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nợ công đã bước sang năm thứ ba liên tiếp và nền kinh tế Lục địa già vẫn hết sức khó khăn, ngày càng nhiều ý kiến cho rằng, các nước EU thay vì áp dụng các biện pháp kinh tế khắc khổ cần đầu tư cho tăng trưởng và tạo việc làm để giảm căng thẳng xã hội. Cho rằng tỷ lệ thất nghiệp của Eurozone ở mức 12% là "thảm họa với Châu Âu", Cao ủy EU phụ trách việc làm và các vấn đề xã hội Laszlo Andor khuyến nghị rằng, để các chính sách kinh tế khắc khổ không được lòng dân và những cuộc cải cách kinh tế đau đớn nhằm ổn định tài chính công có thể thực hiện thành công, chính phủ các nước cần tiến hành đối thoại với người lao động. Song, trên thực tế điều đó không dễ, bởi các "con nợ" giờ đây là một số chính phủ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải tăng thuế và cắt giảm mạnh chi tiêu để cố giảm bớt gánh nặng nợ nần.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thách thức lớn với Eurozone

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.