(HNM) - Trái ngược với tốc độ cải thiện chậm chạp của kinh tế toàn cầu, giá dầu đã có một tuần giao dịch hứng khởi. Bất ngờ vọt lên mức cao nhất trong 25 tháng qua vào ngày cuối tuần, các hợp đồng dầu thô tại New York được ấn định ở ngưỡng 89,19 USD/thùng, mức cao nhất kể từ ngày 7-10-2008.
Sự lạc quan khác thường trên thị trường năng lượng xem ra đang tách biệt khỏi không gian kinh tế nhiều biến động của thế giới. Cơn bão nợ châu Âu vẫn là ẩn họa tiềm tàng trong khi kinh tế Mỹ chưa thoát khỏi đáy khủng hoảng. Thông tin mới nhất khẳng định trong tháng 11, chỉ có 39.000 lao động Mỹ được tuyển dụng, thấp một cách đáng kinh ngạc so với dự báo của các chuyên gia, đã đẩy tỷ lệ thất nghiệp Mỹ lên mức kỷ lục 9,8%, cao nhất kể từ tháng 4-2010. Đồng USD ngay lập tức trượt dốc thêm so với đồng euro, bất chấp chứng khoán châu Âu "rực lửa" do dòng tiền tháo chạy khỏi thị trường được đánh giá là rủi nhiều may ít tại Lục địa già vào thời điểm rối ren hiện nay. Tuy nhiên, chính sự mất giá của đồng tiền mạnh nhất thế giới đã tạo cú hích cho thị trường dầu mỏ. Tính cả tuần, dầu thô đã cộng thêm 6,48% giá trị, đánh dấu tuần tăng giá thứ hai liên tiếp; đồng thời cũng là tuần tốt nhất về giá kể từ mức tăng 6,66% đạt được trong tuần kết thúc vào ngày 5-11.
Giá dầu tăng sẽ gây áp lực lên nhiều mặt hàng, ảnh hưởng đến thị trường tiêu dùng. |
Cho dù không được hỗ trợ bởi những số liệu kinh tế khiến giới đầu tư có thể vui mừng, nhưng nhiệt độ liên tục xuống thấp mang theo những cơn mưa tuyết dày đặc phủ khắp châu Âu và Đông - Bắc Mỹ trong một mùa đông băng giá đang ủng hộ cho đà tăng tiêu thụ năng lượng trong những ngày tới. Không khí nhộn nhịp trên các sàn giao dịch nhiên liệu khắp thế giới với dự báo nhu cầu dầu chắc chắn tăng cao khi mùa đông về sớm đã nhanh chóng xóa bỏ áp lực chốt lời làm giá dầu biến động nhẹ theo hướng đi xuống ở vài phiên trong tuần.
Thế nhưng, khi diễn biến của giá dầu đang hút được dòng tiền của các nhà đầu tư với hứa hẹn sinh lời khá tốt vào thời điểm này thì sự tăng giá của nhiên liệu chẳng thể là tin vui với người tiêu dùng. Đặc biệt trong bối cảnh cân bằng chi tiêu đang là bài toán khó bởi những hậu quả từ nền kinh tế trì trệ. Có lý do để tin rằng khi giá năng lượng còn tăng sẽ khiến giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu khác khó mà đứng vững. Thông báo của Tổ chức Lương nông Thế giới (FAO) cho biết, giá 55 loại thực phẩm trên thế giới tháng
11-2010 đã tăng tháng thứ 5 liên tiếp và lên mức cao nhất trong vòng hơn 2 năm qua đã đưa mối lo đến gần hơn. Áp lực lạm phát đang đè nặng lên nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là những nước đang phát triển; vì thế đây sẽ là gánh nặng tiếp tục thử thách hàng triệu hộ gia đình; đồng thời là mối đe dọa khủng khiếp với sự ổn định kinh tế vĩ mô.
Nguy cơ lạm phát cũng là một trong những tác nhân đẩy giá vàng đột ngột tăng 35 USD/ounce so với đầu phiên giao dịch trong ngày cuối cùng của tuần đề lên mức cao nhất 3 tuần lễ trở lại đây, 1.415 USD/ounce. Các chiến dịch kích thích kinh tế từ nhiều nước, đặc biệt là Mỹ với hàng nghìn tỷ USD thanh khoản được bơm vào nền kinh tế nhưng chưa giải quyết được cơn bệnh "khủng hoảng". Thay vào đó, luồng tiền nóng chảy sang các nền kinh tế mới nổi và làm đà lạm phát càng khó hãm. Tác động mạnh do sự suy yếu của đồng USD đã kích động giá vàng khi được nhìn nhận như "miền đất hứa" để giữ giá trị tài sản. Không chỉ các nhà đầu tư nhỏ lẻ, nhiều quốc gia dường như cũng đang đi theo xu hướng này. Hội đồng Vàng thế giới cho biết, trong 10 tháng đầu năm 2010, lượng nhập khẩu vàng của Trung Quốc đã tăng 5 lần, lên đến 209 tấn. Một khách hàng tiềm năng khác là Ấn Độ cũng đã phá kỷ lục nhập khẩu 500 tấn vàng đạt năm 2009 chỉ trong 9 tháng đầu năm nay.
Trong khi các nền kinh tế phát triển đang tìm mọi cách để nâng đỡ tăng trưởng thì nhiều quốc gia đang phát triển lại đau đầu đối phó với cơn bão lạm phát. Sau một thời gian chung lưng để chống lại cơn suy thoái lịch sử, các nền kinh tế đang bắt đầu cần những đơn thuốc không giống nhau. Tuy nhiên, vòng xoáy của bão giá với tâm điểm là giá dầu đang có cơ leo thang hẳn không phải là điều mà bất kỳ quốc gia nào cũng mong đợi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.