(HNMO) – Trong thời gian qua, huyện Thạch Thất nổi lên là một điểm gây ô nhiễm môi trường. Nguyên do là từ những năm 2008-2009, huyện chưa có đơn vị thu gom, xử lý rác thải thường xuyên nên đến nay trên địa bàn các xã, thị trấn còn tồn đọng tới 6.000 tấn rác thải.
(HNMO) – Trong thời gian qua, huyện Thạch Thất nổi lên là một điểm gây ô nhiễm môi trường. Nguyên do là từ những năm 2008-2009, huyện chưa có đơn vị thu gom, xử lý rác thải thường xuyên nên đến nay trên địa bàn các xã, thị trấn còn tồn đọng tới 6.000 tấn rác thải.
Đó là một trong những bất cập, gây bức xúc dân sinh được nêu ra trong buổi làm việc với huyện Thạch Thất của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi và các sở, ngành trong sáng 16/7. Buổi làm việc tập trung vào các vấn đề chỉnh trang đô thị, vệ sinh môi trường, triển khai các dự án giao thông trên địa bàn Thạch Thất.
Thạch Thất “khát” nhà máy xử lý rác
Theo ông Trần Đức Nguyên – Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất, với dân số 174.864 người, 43.752 hộ, lượng rác thải của Thạch Thất xả ra hàng ngày rất lớn, lên tới 100 tấn/ngày với những điểm thải rác lớn như Hữu Bằng 15 tấn/ngày, Phùng Xá 10 tấn/ngày, Canh Nậu 8 tấn/ngày, Chàng Sơn 8 tấn/ngày.
Năm 2010, UBND huyện đã ký hợp đồng đặt hàng công tác duy trì các hạng mục vệ sinh môi trường với HTX Thành Công để xúc, vận chuyển rác thải đi xử lý. Theo đó, trong 9 tháng đầu năm đã tổ chức xúc, vận chuyển được 14.500 tấn rác thải đi xử lý với tổng kinh phí 5,1 tỷ đồng. Hiện nay lượng rác thải phát sinh hàng ngày đã cơ bản được xử lý. Tuy nhiên với lượng rác thải tồn đọng lâu năm ở Hữu Bằng, Chàng Sơn, Hương Ngải, Dị Nậu vẫn chưa di chuyển được.
Tại cuộc họp, các đại biểu đều đồng thuận ý kiến, để giải quyết triệt để được vấn đề rác thải trên địa bàn huyện Thạch Thất cần có một nhà máy xử lý rác thải. Sau nhiều thời gian ách tắc, đến nay huyện đã quy hoạch được địa điểm xây dựng nhà máy xử lý rác với quy mô 10ha tại xã Lại Thượng. Đáng tiếc là qua buổi làm việc với Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Khôi, đơn vị dự định làm nhà máy chế biến rác (HTX Thành Công) lại bày tỏ sự lúng túng trong công tác triển khai, chưa chứng minh được năng lực tài chính, chưa được các cơ quan kiểm định về công nghê, phê duyệt dự án…
Vướng cơ chế, nhiều dự án giao thông bị tắc
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Doãn Hoàn, Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất cho biết một số dự án giao thông phục vụ dân sinh vừa qua vướng cơ chế, thủ tục ách tắc không thế triển khai được. Đó là với 3 tuyến đường: Suối Ngọc – Vua Bà, khu gia binh lục quân xã Tiến Xuân, đường 446 Yên Bình – Láng Hòa Lạc kéo dài dân bay Hòa Lạc, đường 446 UBND xã Tiến Xuân thuộc địa phận Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình trước đây, hiện nay chưa có quy hoạch mạng lưới giao thông, chưa xác định được chỉ giới đường đỏ nên không thể triển khai được. UBND huyện đề nghị UBND TP cho ý kiến chỉ đạo không cần xác định chỉ giới đường đỏ, để sớm triển khai dự án nhằm giải quyết nhu cầu dân sinh bức xúc tại 3 xã miền núi.
Bên cạnh đó, UBND huyện cũng đề nghị thành phố giúp đỡ huyện hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư, phê duyệt dự án để thực hiện đầu tư và hỗ trợ nguồn vốn cho các tuyến: tuyến số 28 (Hương Ngải – Canh Nậu – Hiệp Thuận), tuyến số 19 (Phùng Xá – Hữu Bằng – Dị Nậu), tuyến cải tạo đường 420 (đoạn qua trung tâm huyện Thạch Thất)…
Đáng chú ý là dự án đường 419 (Liên Quan) – Hương Ngải hiện đã có quyết định phê duyệt nhà thầu thi công và theo quyết định phê duyệt dự án nguồn vốn lấy từ đất đấu giá 2 ven đường để thực hiện; nhưng đến nay UBND huyện chưa thực hiện được phương án này do trước đây vướng quy hoạch dự án trục đường phát triển kinh tế xã hội Bắc Nam, hiện giá bồi thường hỗ trợ GPMB đã tăng làm tổng mức đầu tư dự án tăng. UBND huyện đề nghị thành phố hỗ trợ giải phóng mặt bằng để huyện tiếp tục triển khai dự án.
Gỡ ngay những chỗ vướng
Tại buổi làm việc, sau khi nghe ý kiến các sở, ngành, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Khôi đã cóchỉ đạo quyết liệt để tháo gỡ nhanh những vướng mắc, bất cập cho huyện Thạch Thất. Một là về vấn đề quy hoạch, trong khi quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội chưa duyệt, quy hoạch chuyên ngành chưa có, nhưng với những dự án bức xúc dân sinh về giao thông, vệ sinh môi trường, thành phố vẫn đồng thuận cho huyện Thạch Thất được triển khai dự án.
Hai là về giao thông, với 3 tuyến đường ở các xã miền núi, Phó Chủ tịch chỉ đạo Sở Quy hoạch Kiến trúc chấp thuận chỉ giới đường đỏ trên mặt bằng hiện có. Với những dự án này trên cơ sở phân cấp, huyện duyệt dự án, trình thành phố hỗ trợ vốn ngân sách đầu tư; phấn đấu đến trước Tết nguyên đán năm nay có thể khởi công được cả 3 dự án này.
Ba là về vấn đề môi trường, Phó Chủ tịch đánh gia cao mô hình phân loại, xử lý rác tại nguồn ở xã Đại Đồng huyện đã thí điểm thành công, tới đây cần phổ biến đại trà ra toàn bộ huyện. Bên cạnh đó, với 23 điểm được chôn lấp rác tại chỗ huyện đã đề xuất, Phó Chủ tịch chỉ đạo trong tháng 9 này, các ngành chấp thuận cho huyện trên cơ sở phải đảm bảo vệ sinh môi trường. Riêng với 6.000 tấn rác tồn đọng lâu ngày, Sở Xây dựng phải có trách nhiệm thu dọn ngay trong tháng 9 để nhân dân có được một môi trường sạch sẽ đón Đại lễ. Ngoài ra với dự án nhà máy chế biến rác, Phó Chủ tịch giao các sở chức năng xem xét lại năng lực chủ đầu tư, nếu trong tháng 9 này không trình được các cấp có thẩm quyền phê duyệt được năng lực, vốn, công nghệ… sẽ thay chủ đầu tư khác.
Bốn là về vấn đề chiếu sáng, Phó Chủ tịch giao huyện Thạch Thất trình Sở Xây dựng, Quy hoạch Kiến trúc dự án chiếu sáng trên các trục đường chính trên địa bàn huyện để bố trí vốn, triển khai đầu tư trước Tết Nguyên đán phục vụ nhân dân. Mặt khác về vấn đề cấp nước sạch trên địa bàn huyện còn thiếu, Phó Chủ tịch lưu ý có thể khai thác được từ nguồn nước Sơn Tây và Sông Đà. Trong tháng 10, Sở Xây dựng nghiên cứu việc cho phép lập tiểu dự án cấp nước cho huyện Thạch Thất từ các nguồn nước trên.
Hy vọng với những quyết sách kịp thời từ thành phố, những bất cập, lúng túng lâu nay của Thạch Thất sẽ nhanh chóng được tháo gỡ; phát triển giao thông nông thôn, đảm bảo nước sạch, vệ sinh môi trường, đời sống nhân dân nơi đây sẽ được cải thiện một bước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.