Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tết xong là... thiếu!

Vũ Duy Thông| 14/02/2011 06:42

(HNM) - Năm nay nghỉ Tết liên tục 8 ngày, chưa kể ngày đầu ngày cuối chủ yếu là gặp mặt, chúc tụng, tính đơn giản cũng mất khoảng 300 triệu công lao động. Với nhu cầu lao động đầu năm, con số này không nhỏ.


Vấn đề cần bàn là ý thức của người lao động trước và sau Tết. Trên đồng ruộng, trong nhịp sống thường nhật khó nhận ra, nhưng với các cơ quan, doanh nghiệp, điều này ai cũng thấy. Nhiều doanh nghiệp kêu trời vì cả trước Tết và sau Tết hàng tuần, năng suất lao động của cán bộ, công nhân giảm hẳn. Nhiều cơ sở phải hoạt động trong những ngày Tết, năng suất và giờ lao động còn giảm nữa, dù phục vụ ăn uống, nghỉ ngơi, lương thưởng đều cao hơn so với ngày thường. Nhưng điều đó cũng chưa gian nan bằng năm nào cũng vậy, ra Tết là các doanh nghiệp thiếu lao động. Thành phố Hồ Chí Minh thiếu 1 triệu, thành phố Hà Nội thiếu 60 vạn, các thành phố khác như Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng… cũng thiếu hàng vạn. Tình trạng này thường kéo dài đến gần cuối quý I. Lao động thiếu bao gồm cả công nhân tại các công trường, xí nghiệp và lao động tự do, trong đó giá trị sản xuất từ lao động tự do (buôn bán nhỏ, dịch vụ đường phố, giúp việc gia đình…) thường chiếm khoảng 30% GDP của các thành phố. Lao động tự do thiếu tạm thời gây xáo trộn đời sống đô thị. Lao động có tay nghề kỹ thuật trong các doanh nghiệp thiếu sẽ ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện các hợp đồng giao hàng, nhất là các hợp đồng với nước ngoài. Có doanh nghiệp, những tháng ra Tết, thiếu tới 40% lao động, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất.

Nguyên nhân của tình trạng thiếu lao động một mặt là do thói quen nghỉ Tết kéo dài, đi lễ hội, đi du lịch và cân nhắc, lựa chọn thay đổi nơi làm việc. Mặt khác còn do lao động có tay nghề cao ngày càng hiếm, nhiều doanh nghiệp và hệ thống môi giới thường tranh thủ những ngày nghỉ Tết để mời chào, chèo kéo lao động của các doanh nghiệp khác với mức lương, thưởng, dịch vụ, điều kiện ăn ở, đi lại thuận lợi hơn. Chính vì thế mà tình trạng khủng hoảng thiếu lao động sau Tết diễn ra từ nhiều năm nay như một quy luật nhưng việc khắc phục chưa có hiệu quả, khiến xã hội thiệt hại thêm hàng nghìn tỷ đồng.

Nghỉ ngơi, vui chơi trong dịp Tết là chính đáng, nhưng bắt tay ngay vào lao động ổn định, có năng suất cao sau nghỉ Tết cũng là một đòi hỏi của xã hội cần được tôn trọng. Điều cần tôn trọng nữa là chữ tín về cam kết giữa người lao động và người sử dụng lao động để ngày càng ít doanh nghiệp lao đao vì thiếu lao động sau mỗi dịp nghỉ dài, nghỉ Tết.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tết xong là... thiếu!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.