(HNM) - Tuần qua, khi biên tập trang thiếu nhi cho số báo ra vào dịp Tết Trung thu, ở loạt ý kiến gửi về chuyên mục "Mỗi tuần một câu hỏi", phóng viên Báo Hànộimới không thể không chú ý đến cách đặt vấn đề của nhiều em học sinh và phụ huynh về ý nghĩa của Tết Trung thu đối với trẻ nhỏ trong giai đoạn hiện tại.
Về cơ bản, gói gọn loạt ý kiến nói trên, có thể nêu lại ở đây hai điều quan trọng: Thứ nhất, các em cho rằng, hiện nay, Tết Trung thu không còn là của riêng trẻ em nữa, dấu ấn của người lớn ngày một lớn hơn. Thứ hai, nhiều em nói rằng mình không còn cảm giác hứng thú đặc biệt với Trung thu nữa, những chiếc đèn ông sao, bánh Trung thu, cơ hội ngắm trăng phá cỗ không đủ sức hút bằng trò chơi điện tử. Hơn nữa, một số trẻ còn phàn nàn rằng bố mẹ ngại cho chúng đi chơi vì đường phố quá lộn xộn trong những ngày này…
Ý kiến của một nhóm trẻ, lại là trẻ đang sống ở khu vực thành thị vốn có điều kiện sống tương đối tốt, không đại diện đầy đủ cho quan điểm về Tết Trung thu của trẻ em Việt Nam. Tuy thế, chúng ta sẽ phải nghĩ về những gì các em đã nói, bởi trong ý tứ mà chúng nêu ra có một phần gần với sự thật. Đúng là ở thành thị, chỉ những chiếc bánh nướng, bánh dẻo và đèn kéo quân không thôi thì không làm nên một đêm Trung thu diệu kỳ được. Trẻ cần có không gian, cần một bầu không khí tràn ngập sắc màu lễ hội văn hóa đặc trưng - điều mà hiện nay, ngay cả trẻ em ở các thành phố lớn cũng chưa có được đầy đủ, nói gì đến trẻ ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Hơn nữa, trẻ em hiện không chỉ thiếu chỗ chơi, mà còn không có đủ cơ hội tiếp cận với những khu vui chơi được tổ chức tốt, những nơi có thể đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của trẻ một cách thiết thực, bổ ích. Như vậy, yêu cầu đặt ra là phải giải quyết cùng lúc hai vấn đề: Thứ nhất là tăng cường xây dựng và hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở, quy hoạch hệ thống sân bãi dành cho trẻ sinh hoạt tại các khu dân cư, đặc biệt là tại các khu đô thị. Thứ hai, là nâng cao năng lực tổ chức hoạt động văn hóa, giải trí đa dạng, thiết thực đối với trẻ; đầu tư, nâng cao chất lượng hoạt động giải trí dành cho thiếu nhi tại một số bảo tàng, các công viên văn hóa, trung tâm văn hóa cấp quận, huyện, thị xã.
Với những yêu cầu nói trên, nhà quản lý văn hóa và chính quyền địa phương có thể nghiên cứu mô hình hoạt động của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Trung tâm Văn hóa nghệ thuật Việt Nam… - không phải để dập khuôn cách thức tổ chức các kỳ cuộc phục vụ trẻ ở những nơi này, mà là tham khảo cách tiếp cận nhu cầu của trẻ một cách nghiêm túc, từ đó xây dựng kế hoạch tổ chức hoạt động thiết thực. Tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, chỉ tính từ đầu năm đến nay đã có 3 chương trình lớn dành riêng cho trẻ hoặc có một phần hoạt động phục vụ trẻ em: Chương trình vui Xuân Giáp Ngọ 2014, chương trình nhân Ngày Quốc tế thiếu nhi 1-6 với hai chủ đề "Biển đảo quê hương em" và "Dân ca với thiếu nhi", đến Trung thu này là chương trình "Trung thu 2014 - Em yêu biển đảo". Tại các hoạt động nói trên, trẻ em không chỉ được vui chơi, tìm hiểu trò chơi và đồ chơi dân gian mang ý nghĩa giáo dục cao, mà còn có cơ hội khám phá nét đẹp văn hóa văn nghệ truyền thống, sắc thái văn hóa của các vùng miền…
Tết Trung thu của trẻ em, người lớn có thể chăm lo cho ngày vui của trẻ hấp dẫn hơn, bổ ích hơn bằng nhiều cách, nhưng cách nào thì cũng phải dựa trên nhu cầu chính đáng của trẻ, cả về vật chất và tinh thần. Vấn đề quan trọng là có phương pháp tổ chức hoạt động khoa học, bài bản, hấp dẫn nhằm thu hút trẻ, giúp chúng cảm nhận ý nghĩa trong ngày vui của mình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.