Lo ngại tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm cộng với tình hình thu nhập giảm so với mọi năm đã khiến nhiều bà nội trợ và kể cả dân công sở năm nay chuẩn bị đón Tết với nhiều món “nhà làm”.
Tự làm, giảm mua sắm
Thông thường, cứ đến dịp cuối năm, không khí mua sắm Tết trên các đường phố Hà Nội đã rất nhộn nhịp. Người đi mua sắm, tặng quà Tết tấp nập thường làm nhiều đường phố ùn tắc kể cả vào giờ “thấp điểm”. Tuy nhiên năm nay, với tình hình khó khăn của các doanh nghiệp, xu hướng mua sắm trầm lắng hơn rất nhiều. Nhiều bà nội trợ cho biết, năm nay thay vì mua sắm bên ngoài, họ tự chuẩn bị các món đồ đón Tết cho gia đình để vừa đảm bảo vệ sinh vừa tiết kiệm chi phí.
Bữa cơm gia đình ngày Tết |
Tại các khu dân cư, nhiều gia đình tập trung rủ nhau cùng gói bánh chưng, cùng đặt mua “lợn sạch” nguyên con ở quê để ăn Tết. Mỗi nhà đảm nhận một công việc, nhà nhận rửa lá, nhà vo đỗ, người nào khéo tay sẽ dành một buổi gói bánh. Các ông bố sẽ đảm nhận việc canh nồi bánh chưng.
Chị Lan, ở Hoàng Mai cho biết, thay vì mọi năm cứ chạy đôn đáo tìm chỗ đặt bánh chưng ngon, vừa đắt mà vẫn lo không biết có bị luộc bằng pin, chì hay không, năm nay nhà chị cùng vài nhà hàng xóm rủ nhau cùng gói bánh chưng, thấy yên tâm hơn hẳn.
Trên các diễn đàn, có nhiều chị em phụ nữ tham gia, phong trào chỉ dẫn cho nhau cách làm cách món ăn đón Tết, như nem chua, giò, các loại mứt, bánh đặc sản.... "không khí" cũng nhộn nhịp ngay từ đầu tháng chạp. Kho thông tin đồ sộ trên Internet đã khiến nhiều chị em hào hứng và tự tin hơn nhiều trong việc bếp núc.
Không những thế, nhiều đặc sản địa phương các vùng miền cũng được các chị em chia sẻ, mua bán nhộn nhịp trên các diễn đàn. Hình thức “mua tận gốc, bán tận ngọn” không mất chi phí kinh doanh này khiến giá các hàng hoá rẻ đi rất nhiều và thu hút được khách hàng.
Dân công sở "lăn vào bếp"
Tại nhiều công sở, các chị em văn phòng vốn tưởng chỉ biết đến bàn giấy nay cũng rủ nhau cùng làm món ăn đón Tết. Các món ăn đơn giản mà đặc trưng của ngày Tết như mứt gừng, mứt bí, dưa hành, giò xào, nem chua... nay được các chị tự tay làm và chia sẻ kinh nghiệm cho nhau để món ăn ngon hơn.
Chị Dung, một nhân viên công ty quảng cáo cho biết, năm nay hợp đồng không có, việc ít, chị cùng các chị em trong công ty tranh thủ thời gian tự chuẩn bị các món ăn Tết. Mỗi người một quê, nên quê ai có đặc sản gì là đặt mua hộ cho cả phòng, giá thành rẻ hơn rất nhiều mà lại đảm bảo. Các món thịt trâu gác bếp, gạo nếp Điện Biên, hạt bí bản Mèo, lạp sường Cao Bằng,... đã thay thế các món ăn ngoại nhập như Tết năm trước.
Chị Hương, giám đốc một doanh nghiệp cũng cho biết, mọi năm gần Tết công việc bận rộn, thêm vào đó lại đi biếu xén, quà Tết khắp nơi nên chị thường đặt mua hàng Tết ngoại nhập, hàng xách tay để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, lại “sang”, lạ miệng. Năm nay, công việc không chạy như năm ngoái nên cũng rỗi rãi hơn, chị lại lựa chọn những món hàng Tết có xuất xứ “quê” và cho biết sẽ tự tay vào bếp để làm những món ăn truyền thống. Nhiều gia đình bạn chị cũng làm và gửi tặng nhau những món đồ nhà làm như giò xào, bánh chưng, mứt dừa... Những gia đình có trang trại, đất ở quê thì đã chuẩn bị sẵn rau, hoa quả, gà, lợn nhà nuôi, vừa để dùng vừa để biếu tặng người thân và bạn bè.
Chị Hoa, một chủ cửa hàng chuyên đồ thực phẩm nhập khẩu cho biết, năm nay các món ăn nhập khẩu đắt tiền như cá hồi, trứng cá, thịt bò Úc, đùi gà Tây, thịt hun khói, quả sấy khô, pa tê gan ngỗng, chocolate, hướng dương Nga.... không còn cháy hàng như năm ngoái. Mọi năm hàng về đến đâu là hết đến đấy, nhiều người đặt trước cũng không có hàng, nhưng năm nay hàng nhập ít hơn mà người mua cũng không nhiều.
Tết vẫn vui
“Tết này tuy chi tiêu phải dè sẻn hơn nhưng tôi cũng thấy vui khi cùng mọi người trong xóm chuẩn bị gói bánh chưng đón Tết. Tình cảm láng giềng gắn bó hơn, và nhất là bọn trẻ được có cảm giác ngồi canh nồi bánh chưng của Tết ngày xưa”, chị Lan (Hoàng Mai) nói.
Chị Dung thì cho biết “Mấy hôm nay, cứ về nhà là bận rộn lúi húi lo gọt quả, sao mứt, làm nem. Bận nhưng thấy vui vì chồng và các con rất thích những món ăn mình làm, rồi cả nhà cùng tham gia giúp mẹ rất vui vẻ”. Chị dự định năm nay sẽ tự làm mứt biếu người thân thay vì mua quà Tết như mọi năm.
“Cũng theo tình hình chung, năm nay nhà tôi chuẩn bị Tết giản dị hơn, mua sắm ít hơn mọi năm. Thế nhưng thấy vợ vào bếp, làm món này món kia mình thấy ngon hơn hẳn những món ăn cầu kỳ, đắt tiền ở nhà hàng. Không khí đầm ấm, vui vẻ của ngày Tết là thứ mà có thật nhiều tiền cũng không mua được”, anh Hải, chồng chị Hương nói.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.