Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tết thị, tình quê

Nguyễn Lê| 22/02/2015 06:48

(HNM) - Mấy ngày Tết, phố thị Sài thành có một nét gì đó rất lạ. Cái lạ ở đây không phải ở sự trang hoàng lộng lẫy, mà ở sự bình yên vốn có của thành phố này.


Những ngày đầu tiên của năm mới Ất Mùi, chúng tôi có dịp đến thăm những gia đình công nhân khó khăn, không có điều kiện về quê đón Tết cùng gia đình. Tại đây, cái Tết không chỉ gói gọn ở chốn thị thành mà lan tỏa đến tận quê nhà. Gia đình anh Cảnh và chị Tươi (quê Quảng Bình) làm việc tại Khu Công nghiệp Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) mà chúng tôi có dịp xông đất dù đón Tết tại TP Hồ Chí Minh nhưng không khí đầm ấm nơi quê nhà đều được cập nhật từng giây, từng phút. "Mỗi ngày vợ chồng tôi gọi điện thoại về quê cả chục lần để vơi đi nỗi nhớ nhà, đặc biệt là để nghe tiếng líu lo của hai đứa con nhỏ. Năm nay là cái Tết thứ hai xa con nên nhớ lắm!", chị Tươi cho biết. Khu lưu trú công nhân của Khu Công nghiệp Hiệp Phước có hàng trăm trường hợp ăn Tết xa nhà và hàng chục gia đình như thế. Tuy đón cái Tết tại phố thị nhưng tình cảm của họ luôn gửi về quê hương.

Hàng trăm công nhân vui đón Tết xa nhà trong tình đoàn kết, yêu thương.


Khu lưu trú công nhân Khu Chế xuất Tân Thuận (quận 7) những ngày này khá đìu hiu, vắng vẻ. Tại đây có khoảng 100 công nhân ở lại đón Tết, trong số này có nhiều gia đình trẻ. Chị Hòa, quê Quảng Trị cho biết, không về quê gia đình sẽ tiết kiệm được một khoản tiền khá lớn so với thu nhập của công nhân. "Trước Tết khoảng một tháng, tôi đắn đo nhiều lắm. Nhiều đêm vợ chồng nhẩm tính, tiền xe hai bận đi về mất hơn hai triệu, cộng chi phí khác sẽ không dưới 5 triệu. Số tiền này dành dụm gửi về quê để con cái có tấm áo mới, có chút quà bánh như bao đứa trẻ. Xa con, cách nhau cả nghìn cây số nhưng khuôn mặt, tiếng cười nói của chúng nó như văng vẳng đâu đây. Đó là niềm vui, cũng là động lực để vợ chồng tôi chuẩn bị quay lại công việc với khí thế mới", giọng chị Hòa trầm ngâm.

Điều làm chúng tôi chạnh lòng đó là dù trong những ngày Tết nhưng không ít công nhân chỉ ăn Tết với bữa cơm khá đạm bạc. Tại một khu lưu trú công nhân của Khu Chế xuất Linh Trung (quận Thủ Đức), chị Hạnh ngượng ngùng với mớ rau trên tay khi thấy người lạ. Sau một hồi trò chuyện, chị Hạnh cho biết chỉ làm mâm cơm có phần "thịnh soạn" vào sáng 30 Tết, những ngày còn lại thì chẳng khác ngày thường. Tất cả là bởi thu nhập thấp và để tiết kiệm, lo cho con cái thì không còn cách nào khác là phải sinh hoạt thật tằn tiện.

2. Trong không khí những ngày đầu năm, các khu lưu trú, dãy nhà trọ dù không khí có phần vắng lặng hơn ngày thường nhưng tất cả những người chúng tôi có dịp tiếp xúc đều gắn kết với nhau như một gia đình lớn và niềm tin năm mới sung túc, đủ đầy. Tại Khu lưu trú công nhân phường 10, quận 6, nhiều gia đình công nhân đã góp tiền lại với nhau để đón Tết trong một mái nhà chung. Anh Lân (công nhân Công ty Biti's) cho biết, tuy xa nhà nhưng anh vẫn cảm thấy ấm lòng. "Xa nhà càng khiến mọi người gần nhau hơn. Chưa lúc nào xa quê mà chúng tôi cảm thấy ấm áp như lúc này. Ở đây có sự đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau. Đặc biệt là luôn nhận được sự động viên từ công ty và các cấp chính quyền", anh Lân cho biết. Được biết, tại Khu lưu trú phường 10, quận 6 có hơn 30 gia đình công nhân ở lại TP Hồ Chí Minh đón Tết.

Tại khu vực ngoại thành, đến Khu Công nghiệp Sóng Thần (huyện Dĩ An, Bình Dương), chúng tôi cảm nhận sâu sắc sự gắn kết, yêu thương nhau của những người có chung hoàn cảnh đón Tết xa nhà. Nếu như ngày thường, vì tất bật với công việc, không có điều kiện để gặp gỡ thì Tết đến, xuân về tuy xa nhà nhưng lại là cơ hội hiếm có để họ tìm đến, sẻ chia cùng nhau những buồn vui trong cuộc sống. Chị Liên (quê Vĩnh Phúc) cho biết, chị đón Tết trong một đại gia đình mấy trăm chị em công nhân. "Chưa bao giờ đón cái Tết xa nhà mà đông vui như thế. Ở đây có người cùng tỉnh, khác tỉnh, nhưng lúc này hai chữ "đồng hương" không còn ý nghĩa nữa bởi chúng tôi như anh em một nhà", chị Liên nói.

Hòa cùng cuộc sống của công nhân xa nhà mới cảm nhận sâu sắc niềm vui mộc mạc cũng như sự gắn kết yêu thương của tình người khi xa xứ. Niềm tin yêu dành cho quê nhà cùng sự đùm bọc sẻ chia nơi phương xa giúp họ có thêm động lực để bước vào một năm mới với nhiều kỳ vọng lớn lao.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tết thị, tình quê

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.