Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tết sớm ở Trường Sa

Theo CAND| 08/01/2017 13:38

Khi những con tàu từ đất liền rẽ sóng khơi xa, mang theo những hương vị Tết cổ truyền từ đất liền ra với biển đảo xa xôi, Tết ấm áp đã sớm về với những người lính đảo.


Hàng năm, cứ đầu tháng Chạp là thời khắc Tết Dương lịch gõ cửa từng nhà, báo hiệu năm mới với nhiều ước vọng. Những chuyến tàu của Hải quân vùng 4 băng băng rẽ sóng vươn khơi, hướng tới những hòn đảo nhỏ trên quần đảo Trường Sa, mang hương vị Tết đất liền đến với những người chiến sỹ Hải quân đang làm nhiệm vụ thiêng liêng bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Trên hải trình đến với Trường Sa dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu năm nay, chúng tôi đã đặt chân đến một số hòn đảo thuộc tuyến giữa của quần đảo Trường Sa như Đá Lớn, Cô Lin, Len Đao, Sinh Tồn Đông, Tiên Nữ, Núi Le, Tốc Tan và Phan Vinh, đón Tết sớm cùng cán bộ, chiến sỹ Hải quân đang làm nhiệm vụ canh giữ biển trời nơi hải đảo xa xôi. Mỗi đảo nhỏ là một viên ngọc quý của Tổ quốc nơi đầu sóng.

Tết của người lính đảo đã để lại cho chúng tôi những lưu luyến, ấn tượng khó quên trong những ngày đầu xuân, năm mới. Trên đảo nổi Sinh Tồn Đông, hòn đảo nằm ở phía Đông của Tổ quốc, sau khi tìm hiểu về đời sống của cán bộ, chiến sỹ đang công tác nơi đây, chúng tôi được Trung tá Lê Ngọc Dũng, Chính trị viên của đảo giới thiệu về “đặc sản” cây bàng vuông, những dải cát được hình thành từ san hô chỉ có ở Trường Sa.

Chúng tôi đã cùng với các chiến sỹ hái lá bàng vuông, kết hợp cùng với lá dong được gửi ra từ đất liền, để gói bánh chưng chào đón Tết sớm. Trước đó, đơn vị cũng đã tổ chức mổ lợn, trang trí bàn thờ gia tiên và tối cùng ngày, đã tổ chức đêm hội hái hoa dân chủ, giao lưu văn nghệ, hát mừng Đảng, mừng Xuân, mừng đất nước đổi mới. Ấn tượng hơn cả đối với chúng tôi, có lẽ là đêm giao thừa được tổ chức ấm cúng và thấm đẫm tình quân dân trên đảo Núi Le đúng vào đêm 31-12-2016.

Từ sau khi rời đảo Tiên Nữ, chúng tôi trải qua hai ngày ăn sóng, nằm gió theo đúng nghĩa vì biển động dữ dội do ảnh hưởng của cơn bão Nock-ten. Chúng tôi phải “cố thủ” trên tàu HQ 936. Đến sáng ngày cuối cùng của năm cũ, ánh nắng rạng rỡ hiện lên từ đằng đông, báo hiệu một ngày bình yên. Để bảo đảm an toàn trong khi di chuyển từ tàu lên đảo, chúng tôi được đón bằng chiếc ca nô quân sự số hiệu CQ 1217.

Nấu bánh chưng đón giao thừa trên đảo ở Trường Sa.


Chẳng ai bảo ai, suốt từ chiều đến tối, chúng tôi cùng xắn tay vào chẻ lạt, rửa lá dong, vò nếp thơm để gói bánh chưng. Một chiếc xoong cỡ lớn và một bếp lửa cỡ bự cũng đã được chuẩn bị sẵn. 20 giờ cùng ngày, chương trình giao lưu văn nghệ, hái hoa dân chủ giữa đoàn công tác và cán bộ, chiến sỹ đảo Núi Le bắt đầu diễn ra trước sảnh nhà văn hóa đa năng của đơn vị.

Chiều cuối cùng của năm cũ, trong khi tuổi trẻ đơn vị tổ chức hái hoa dân chủ, hát mừng chờ đón thời khắc của năm mới thì nồi bánh chưng cũng đã sôi ùng ục, những chiến sỹ, khuôn mặt ửng hồng, ánh lên niềm vui kỳ lạ bên bếp lửa hồng. Giữa thời khắc thiêng liêng ấy, người chiến sỹ Hải quân vẫn không quên nhiệm vụ canh gác biển trời, các anh vẫn liên tục thay ca, làm nhiệm vụ giữ gìn, bảo vệ chủ quyền của đất nước.

Đêm cuối cùng của năm cũ giữa muôn trùng sóng gió, cùng với những người lính Hải quân, chúng tôi chung niềm xốn xang, phấn chấn lạ thường khi vinh dự lần đầu tiên được chứng kiến thời khắc giao thoa giữa năm cũ và năm mới ở nơi đảo xa của Tổ quốc.

Khi thời khắc giao thoa giữa năm cũ và năm mới tới, những cán bộ, chiến sỹ có mặt trên đảo đồng loạt cầm tay nhau, hướng mắt ra biển khơi gió lộng. Giữa mênh mông sóng nước, 3 tiếng còi tàu hú dài trong đêm tĩnh mịch, tiễn năm cũ, đón chào năm mới. Những cái bắt tay, những lời chúc mừng năm mới được trao nhau, ấm áp tình quân dân giữa nơi đầu sóng ngọn gió.

Lại nhớ lời của Thượng úy Phạm Viết Sao, Chính trị viên đảo Tiên Nữ, Tết của người lính Hải quân làm nhiệm vụ trên quần đảo Trường Sa trong những năm trở lại đây cũng đủ đầy như ở đất liền, chỉ thiếu tình cảm đoàn viên từ đất liền. Mỗi điểm đảo có một đặc thù riêng, những con người khác nhau, đến từ nhiều vùng quê trên khắp cả nước, song điểm chung là anh em chiến sỹ một lòng đoàn kết, sẵn sàng sẻ chia, cùng nhau chắc tay súng để canh giữ biển trời quê hương ở nơi xa của Tổ quốc.

Tiếng còi tiễn biệt đưa chúng tôi về với đất liền trong nỗi nhớ và sự chia tay bịn rịn, lưu luyến sau chặng hải trình ý nghĩa và nhiều kỷ niệm. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tết sớm ở Trường Sa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.