(HNM) - Cộng đồng người Hà Nội tại TP Hồ Chí Minh tuy không đông về số lượng so với người Thành Nam hay xứ Nghệ, xứ Thanh… nhưng vẫn giữ được nhiều nét truyền thống của mảnh đất nghìn năm văn vật. Mâm cỗ, thú chơi ngày Tết chính là bản sắc, cầu nối gợi nhớ miền ký ức thăm thẳm đó.
Luôn hướng về đất Hà thành, bà Thái ở Cư xá Vĩnh Hội mừng lắm khi có khách ở Hà Nội tới thăm. Năm nay đã ngoài 70 tuổi, xa Hà Nội hơn năm mươi năm có lẻ, nhưng bà Thái vẫn nói giọng Hà Nội không pha trộn. Nhắc chuyện Tết, bà nói: "Người trong này không "ăn tết" như ngoài mình, nhiều gia đình kể cả chiều ba mươi hay sáng mùng một cũng ra quán nhậu một bữa, vậy là xong. Nhưng từ ngày vào đây, bao giờ nhà tôi cũng phải có đủ bánh chưng, giò thủ, món canh măng, canh bóng, xôi gấc, chè kho... Cái nếp ấy quen rồi, con cháu sinh ra nói giọng Nam nhưng lối sinh hoạt, sự căn cơ vẫn đậm chất Hà Nội".
Những hàng hoa đào, mai được bày bán ở các khu chợ tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Văn Đông |
Không chỉ là nếp riêng của gia đình bà Thái mà không ít gia đình người Hà Nội sống ở Sài Gòn cũng vậy. Vì thế, cũng chẳng rõ từ bao giờ, giữa lòng thành phố Sài Gòn lại có những tiệm bán thực phẩm "rặt" chất Hà Nội, như cửa hàng Tiến Thịnh (84 Trần Quốc Toản, quận 3), Thành Phát (86 Trần Quốc Toản, quận 3), Tiến Huệ (1/1 Điện Biên Phủ, quận 1)… Dăm năm lại đây còn có thêm Siêu thị Hà Nội tại 189 Cống Quỳnh (quận 1). Đây chính là hình ảnh "Hà Nội thu nhỏ", mùa nào thức nấy. Cận Tết, những địa chỉ này rất đông khách đến mua. Không khí mua sắm Tết tất bật, nhiều nơi mở cửa tới khuya để phục vụ nhu cầu của những người Hà Nội xa xứ.
Chị Thanh, chủ cửa hàng kinh doanh thực phẩm Hà Nội trên đường Nguyễn Đình Chiểu (quận 3) cho biết, những mặt hàng phục vụ cho mâm cỗ ngày Tết như bánh chưng, giò chả, măng, miến, mộc nhĩ, nấm hương, hành muối, nếp cái hoa vàng, rau củ quả, bóng bì... những ngày này rất hút khách. Những quả phật thủ (300.000 đồng/kg), bưởi Diễn (70.000 đồng/quả), gấc đỏ (50.000 đồng/quả), cam Canh (90.000 đồng/kg) cũng có mặt trên kệ hàng. So với năm ngoái, giá bán sản phẩm các mặt hàng năm nay đều đắt hơn khoảng 20%.
Ông Đỗ Trọng Lực (phường Phú Thuận, quận 7) hồ hởi cho biết: "Tôi người làng Tân Mai xưa, vào đây lập nghiệp đã hơn 30 năm. Vài năm mới có điều kiện ra Hà Nội ăn Tết. Năm nào không ra được thì vẫn phải sắm đủ bánh chưng, dưa hành, giò, nem, bóng bì… Ngoài phần cúng vọng tổ tiên thì việc dọn mâm cơm ngày Tết đúng với hương vị cổ truyền của Hà Nội cũng là cách giúp các thế hệ sau thêm hiểu về mảnh đất kinh kỳ".
Ông Lực cho biết thêm, năm nào cả gia đình cũng quây quần gói bánh chưng, không chỉ để dùng mà còn làm quà biếu tặng. "Cảm giác ngồi canh nồi bánh chưng bên bếp lửa mới cảm nhận hết được không khí Tết. Để chuẩn bị cho nồi bánh, vợ chồng tôi sang tận khu dân cư K300 (phường 12, quận Tân Bình - nơi được xem là khu vực ngụ cư đông nhất của người Hà Nội tại Sài Gòn) để mua lá dong, lạt giang và đỗ xanh" - ông Lực nói.
Không chỉ có những món ẩm thực Tết đậm chất Hà Nội, mà giữa lòng Sài Gòn hoa lệ nhiều thế hệ người Thủ đô cũng khó quên được những nếp sinh hoạt có phần "cảnh giả" của người Kẻ Chợ xưa. Đó là nồi nước tắm có thêm nắm lá mùi già để tẩy trần những lo toan cơm áo, những bó hương trầm chính hiệu ngõ Hàng Hương, gói ô mai mơ, chanh cốm, sấu bao tử… của những cơ sở gia truyền ở phố Hàng Đường, rồi bánh cốm Hàng Than... Thế mới biết, dù xa xứ, qua bao thăng trầm biến thiên của lịch sử, nhưng ký ức về mảnh đất kinh kỳ văn hiến trong những người con Hà Nội cũng không phai.
Cũng là chuyện chơi Tết, người Hà Nội ở đâu cũng có thú chơi hoa đào. Rong ruổi qua những chợ hoa Tết ở Sài Gòn như Công viên Tao Đàn, chợ Hồ Thị Kỷ, Công viên Gia Định…, dễ thấy bên sắc vàng của hoa mai là màu hồng thắm của hoa đào. Anh Thịnh, một người bán đào tại Công viên Tao Đàn, quê ở quận Hà Đông, cho biết, năm nay anh dành 200 gốc đào thế cho thị trường Sài Gòn. Đặc biệt, những cây có thế "Long giáng" tượng trưng cho năm Nhâm Thìn rất được khách gốc Bắc ưa thích, vì vậy giá cả có khi tới vài chục triệu đồng/gốc nhưng vẫn có không ít người tìm mua.
Hà Nội và Sài Gòn giờ đang ăm ắp không khí Tết. Đào, mai thi nhau khoe sắc, đẹp đến nao lòng. Nhưng Tết Sài Gòn thường nắng chứa chan trong khi Hà Nội rét mướt, thêm chút mưa xuân lắc rắc. Nhưng với tất cả những người Hà Nội xa xứ, chính sự rét mướt mỗi độ Tết đến xuân về mới làm nỗi nhớ Hà Nội thêm da diết…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.