(HNNN) - Tết là thời điểm gia đình sum họp, là dịp những người già quây quần bên con cháu, nhưng vì hoàn cảnh, sức khỏe nên nhiều cụ vẫn phải đón Tết tại các trung tâm, viện dưỡng lão.
Hiểu được tâm tư của các cụ, các trung tâm, viện dưỡng lão trên địa bàn thành phố Hà Nội đã tổ chức rất nhiều hoạt động ý nghĩa vào những ngày trước, trong và sau Tết để các cụ vơi bớt nỗi nhớ nhà. Cũng gói bánh chưng, cũng trang trí cành đào, cây quất, lễ Phật đầu năm rồi thăm hỏi, lì xì..., các hoạt động này đã phần nào khỏa lấp nỗi mong ngóng con cháu và cảm giác trống vắng của các cụ khi Tết đến, xuân về.
“Ở đâu cũng được, miễn là vui”
Vào Trung tâm Chăm sóc người cao tuổi Orihome tính đến nay đã được 1 năm, bà Hoàng Kim Khánh (79 tuổi) cho biết, bà có duy nhất một con trai nhưng hiện đang công tác tại nước ngoài. Con trai bà cũng lập gia đình ở nước ngoài nên không thể ở bên chăm sóc mẹ thường xuyên. Năm nay là năm đầu tiên bà Khánh đón Tết tại trung tâm, thế nhưng khi được hỏi: “Tết bà thích ở đây hay về nhà với con cháu?”, bà chia sẻ: “Tết mà, ai chả muốn được gần con, gần cháu. Nhưng vì hoàn cảnh con cháu ở xa, thôi thì vào đây cho con cháu yên tâm. Mà Tết trong này cũng vui lắm, chẳng thiếu thứ gì, vì thế tôi thấy Tết ở đâu cũng được, miễn là vui”.
Còn cụ Nguyễn Văn Trinh (phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm) lại vào Trung tâm Chăm sóc người cao tuổi Orihome với một lý do khác. Cụ bị tai biến, liệt hai chân, không đi lại được. Con cháu thì bận bịu cả ngày, không có thời gian chăm sóc cụ chu đáo, thuê người giúp việc cũng không yên tâm. Ban đầu gia đình chỉ định gửi cụ vào trung tâm một thời gian xem sao, dần dà do cụ được các nhân viên ở đây chăm sóc chu đáo, hướng dẫn cụ tập đi, ăn ngủ theo giờ nên cụ khỏe hơn, giờ có thể tự mình vịn bước đi được nên cụ vui lắm và không muốn về nhà. Cụ bảo: “Ở đây vui hơn. Các y tá chăm sóc rất chu đáo. Ở nhà mang tiếng là ở với con nhưng thực ra chủ yếu là ở với người giúp việc, vì các con cháu bận rộn, đi tối ngày. Người giúp việc thì cũng khó tìm. Nhiều khi họ xin nghỉ, lại khốn khổ tìm người khác. Tết đầu tiên các con đến đón tôi về nhưng hai cái Tết gần đây tôi ở lại đây luôn”.
Đặc biệt, tuy mới đến Trung tâm Dưỡng lão Diên Hồng chưa được 1 năm nhưng Tết này cụ Nguyễn Thị Biển (88 tuổi) đã quyết định ở lại trung tâm. Vừa qua trung tâm có tổ chức chợ Tết, cụ mua hạt dưa, hạt bí để Tết đón con cháu vào chơi. Cụ bảo: “Tết ai cũng muốn về nhà với con, với cháu. Nhưng suy cho cùng, mình mà về thì chúng nó lại phải chăm, như thế thì phiền lắm”. Nghĩ thế nên cụ Biển đã quyết định ăn Tết tại trung tâm. Cụ còn chia sẻ thêm: “Ở nhà con cái đi chúc Tết hết, lại cũng chỉ có một mình mình ở nhà, còn ở đây, người ra, người vào tấp nập nên thấy vui. Mà mình ở đây có khi họ hàng vào thăm đông thành ra Tết ở trong này vui hơn ở nhà”... Nói rồi cụ cười, nụ cười thỏa nguyện, ánh mắt nheo nheo lấp lánh trong nắng sớm.
Như một gia đình thứ hai
Chị Hoàng Thị Thu Ngân, Phó Giám đốc Trung tâm Dưỡng lão Diên Hồng cho biết: “Người già thường sợ cô đơn nên mỗi độ Tết đến xuân về, trung tâm thường tổ chức các hoạt động vui đón xuân để các cụ vơi đi nỗi nhớ nhà. Từ 23 tháng Chạp, các nhân viên ở đây đã sắm sửa những cành đào thật đẹp, tổ chức trang trí nhà cửa, phòng ốc, làm hoa đào, hoa mai bằng giấy, viết câu đối, gói bánh chưng, tổ chức chương trình chợ Tết để các cụ được mua sắm, hòa mình vào không gian chợ Tết...
Anh Nguyễn Văn Thuần, quản lý Trung tâm Chăm sóc người cao tuổi Orihome tâm sự: “Viện dưỡng lão Orihome trung bình mỗi năm có khoảng 30 - 35 cụ ở lại ăn Tết. Các cụ ở lại chủ yếu là người bị bệnh nặng, tai biến, vận động khó khăn hoặc nằm liệt, cần có người chăm sóc liên tục. Chính vì đa số các cụ đều đi lại khó khăn nên trung tâm chỉ tổ chức trang trí không gian Tết ngay tại phòng, lối đi, đại sảnh. Mùng 1 Tết, đại diện trung tâm sẽ đến từng phòng các cụ để tặng quà, bếp ăn của trung tâm mấy ngày Tết cũng nấu các món ăn đặc trưng của Tết cổ truyền để mang đến cho các cụ một không khí Tết đầm ấm thực sự”.
Trong khi đó, tại Trung tâm Chăm sóc người cao tuổi Bách niên Thiên Đức, hoạt động gói bánh chưng ngày Tết được duy trì nhiều năm qua. Chị Nguyễn Thị Như Quỳnh, phụ trách bộ phận hành chính của Trung tâm Chăm sóc người cao tuổi Bách niên Thiên Đức (cơ sở 2, xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) cho biết, hằng năm tại đây có khoảng 50 - 60 cụ ở lại ăn Tết. Để động viên tinh thần của các cụ, trung tâm đã tổ chức nhiều hoạt động đón xuân như thi thổi xôi, gói bánh chưng, cắm hoa đào..., trong đó phần thi gói bánh chưng được các cụ hưởng ứng nhiệt tình nhất. Trung tâm có khu Phật đường dành cho sinh hoạt tâm linh những ngày lễ, Tết. Đêm giao thừa, tại ban thờ Phật, các cụ cùng nhau thắp hương, cầu nguyện cho bản thân và gia đình một năm mới tốt lành, may mắn. Sau đó các cụ sẽ trở về những căn phòng chung ấm cúng trò chuyện với nhau. Kỷ niệm vui xen lẫn kỷ niệm buồn nhưng ai nấy đều cảm thấy ấm áp bên những người bạn cùng hoàn cảnh.
Trong xã hội hiện đại đang chuyển mình theo xu hướng từ mô hình gia đình truyền thống sang gia đình hạt nhân, việc ở chung giữa các thế hệ sẽ nảy sinh nhiều khó khăn. Ở một khía cạnh nào đó, việc đưa ông bà, cha mẹ vào các trung tâm chăm sóc người cao tuổi, viện dưỡng lão đang là xu hướng được nhiều người ủng hộ bởi nó mang đến môi trường sống phù hợp và an toàn cho người già.
Chị Nguyễn Thị Như Quỳnh khẳng định: “Có rất nhiều ý kiến cho rằng việc đưa cha mẹ vào các trung tâm, viện dưỡng lão là việc làm đi ngược với truyền thống và làm thay đổi hoàn toàn quan niệm về giá trị gia đình. Với những trường hợp gửi cha mẹ vào viện dưỡng lão rồi bỏ mặc, chúng ta tất nhiên sẽ lên án. Đáng trách hơn là những người con vì quá mải mưu sinh, kiếm tiền mà phó mặc việc chăm sóc bố mẹ già cho người giúp việc, thậm chí “giam” các cụ trong 4 bức tường. Nếu vậy, trung tâm, viện dưỡng lão vẫn là giải pháp tốt hơn cho người cao tuổi, nhất là các cụ neo đơn. Ở đâu các cụ thấy thoải mái, vui vẻ, khỏe mạnh hơn thì đó là môi trường sống phù hợp”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.