Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tết ở “làng Trường Sa”

Theo Hoàng Lam/Dân trí| 06/02/2016 17:52

Theo nhẩm tính của ông Trưởng ban Chỉ huy quân sự thì xã Phúc Thọ (Nghi Lộc, Nghệ An) có trên dưới 170 người đã từng hoặc đang công tác tại Trường Sa. Đối với người dân Phúc Thọ, Trường Sa là nỗi nhớ, là niềm tự hào và cả đau đáu nhớ mong.

Nhiều người con Nghệ An, trong có có quê hương Phúc Thọ đã và đang công tác tại quần đảo Trường Sa (ảnh Hoàng Trần).


Phúc Thọ hướng mặt ra Biển Đông. Đứng ở đây có thể quan sát nơi sông Lam đổ ra biển với một vùng phù sa rộng kéo dài sang mãi huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh). Vùng đất có lịch sử hình thành và phát triển gần 900 năm này còn được biết đến là nơi có nhiều người con đã, đang chiến đấu và bảo vệ vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Ông Hoàng Ngọc Luận – Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy Quân sự xã Phúc Thọ nhẩm tính: “Tính từ năm 2000 trở lại đây thì có khoảng 170 nam thanh niên xã Phúc Thọ đã và đang công tác trong lực lượng hải quân, chủ yếu là ở quần đảo Trường Sa”.

Trời trở lạnh, ông Trần Nguyên Ty (SN 1950, trú tại xóm 2, xã Phúc Thọ, thương binh 1/4) lấy chiếc áo khoác của con trai Trần Nguyên Hồng tặng. Tấm áo này ông đã mặc 3 năm nay nhưng ông nâng niu như báu vật, bảo khoác chiếc áo vào như có con trai bên cạnh. Anh Hồng công tác ở Trường Sa 18 năm nay. Những lần anh về ăn Tết cùng gia đình chỉ đếm được trên đầu 1 bàn tay.

Vợ chồng ông Trần Nguyên Ty và bà Doãn Thị Oanh mong ngóng con trai về quê ăn Tết.


“3 năm rồi chưa thấy nó về ăn Tết, hôm rồi gọi điện, nó bảo nếu biển đảo bình yên thì con sẽ đưa cả gia đình về quê ăn Tết với bố mẹ. Thương con, nhớ con đứt ruột nhưng cũng không dám gọi hỏi Tết có về không, ông nhà tôi ốm cũng không cho gọi điện báo cho thằng Hồng, sợ nó lo nghĩ mà ảnh hưởng đến công việc”, bà Doãn Thị Oanh, vợ ông Ty tâm sự. Không biết anh Hồng có về ăn Tết hay không như năm nay bà Oanh cũng chuẩn bị nhiều bánh chưng, thịt đông, bánh mứt hơn Tết năm ngoái.

Căn nhà khá khang trang nơi xóm 3, xã Phúc Thọ, bà Trần Thị Phương tất bật chuẩn bị đón Tết. Nụ cười trên khuôn mặt phúc hậu dường như chẳng bao giờ tắt. “Năm nay thằng Chiến bảo sẽ về ăn Tết”, bà khoe. Nhưng rồi khóe mắt người mẹ lại đong đầy nước khi kể về đứa con trai của mình.

Năm 2000, anh Cao Đình Chiến – con trai bà Phương được điều ra công tác tại đảo Trường Sa lớn. 5 năm sau, anh Chiến nên duyên với chị Nguyễn Thị Thành, công tác tại Trường Mầm non Trường Sa (Cam Ranh, Khánh Hòa). Năm 2007, bà Phương đón đứa cháu nội Cao Xuân Tiến ra đời.

Bà Trần Thị Phương chỉ mong năm mới con trai sẽ hạnh phúc, yên vui...


Niềm vui vừa nhen lên thì chị Thành được kết luận mắc bệnh ung thư. Anh Chiến được đơn vị tạo điều kiện nghỉ phép để đưa vợ đi chạy chữa nhưng bệnh đã vào giai đoạn di căn, chị Thành qua đời sau đó ít lâu.

Theo di nguyện của chị Thành, anh Tiến đưa vợ về an táng tại Phúc Thọ, gửi bé Tiến lại cho bà nội rồi lại ra đảo. “Mấy năm rồi thằng Chiến không về ăn Tết. Con dâu mẹ phận bạc qua đời sớm, mẹ giục thằng Chiến đi bước nữa, có tay người phụ nữ chăm sóc cũng hơn nhưng nó cứ cười. Nó bảo con thương thằng Tiến còn nhỏ quá. Tết, mẹ chẳng mong gì hơn, chỉ mong có người phụ nữ nào yêu, hiểu nó và thương thằng Tiến để bầu bạn với nó…”, bà Phương rưng rưng.

Không công tác ở Trường Sa, ông Nguyễn Hữu Thường (SN 1957, hiện là Phó Ban chỉ huy quân sự xã Phúc Thọ) có 11 năm công tác tại đảo Thổ Chu (Kiên Giang) với chức vụ Tham mưu trưởng Tiểu đoàn 561. “Đảo Thổ Chu năm 1980, thời điểm chúng tôi được lệnh ra đóng quân còn hoang vu lắm, chỉ thấy một màu xanh của rừng và biển. Nhiệm vụ của đơn vị là bảo vệ chủ quyền biên giới Tây Nam Tổ quốc”.

Ông Nguyễn Hữu Thường đang đọc lại những dòng tin nhắn thông báo tình hình của con trai là kiểm ngư viên Nguyễn Hữu Trung.


Ngày đó, mọi nhu yếu phẩm như lương thực, nước uống… đều phải phụ thuộc vào đất liền, cứ 6 tháng tàu tiếp phẩm ra một lần, linh đảo ăn toàn đồ hộp. Vậy là bắt đầu công cuộc cải tạo đất, trồng rau, chăn nuôi… để tự đảm bảo một phần lương thực, nhất là có rau xanh, chất tươi. Những vườn rau, vườn chuối, vườn cam… dần hiện lên trên đảo Thổ Chu.

Nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương, gia đình vẫn luôn thường trực trong lòng người lính đảo. Tết năm 1985, ông Thường đón con trai đầu lòng Nguyễn Hữu Trung – khi đó mới 5 tuổi ra đảo ăn Tết. Có thêm đứa trẻ, không khí gia đình hiện hữu nhiều hơn trên đảo tiền tiêu này. Ngoài nhiệm vụ chính, cả đảo có thêm nhiều “bận bịu” rất đỗi đời thường đó là chăm sóc một đứa trẻ, dạy cho Trung học chữ. Tết ở Thổ Chu ngày đó cũng vì thế mà vợi bớt đi nỗi nhớ đất liền…

“Ở đảo được 3 năm thì tôi phải “trả” Đức về cho mẹ nó để còn tiếp tục đi học. Giờ nó là kiểm ngư viên khu vực 2, đóng quân ở Vũng Tàu. Hồi giàn khoan cái vụ giàn khoan Hải Dương 981, tàu của nó phải ra đảo, mất liên lạc đến 3 tháng ròng, lòng tôi như có lửa đốt. Nó vào bờ tiếp nhiên liệu, gọi điện về “Bố yên tâm, con vẫn vững vàng”, tôi như trút được tảng đá trong lòng. Tết có thể không về quê ăn Tết với bố mẹ được nhưng tôi tự hào và hãnh diện khi con trai đã tiếp bước mình canh giữ biển trời quê hương”, ông Nguyễn Hữu Thường tâm sự.

Giáp Tết, biển trở nên hiền hòa, vỗ từng đợt sóng lăn tăn vào bờ. Phúc Thọ đang chuẩn bị đón Tết với nỗi nhớ và niềm tự hào khi ngoài khơi xa, hàng trăm người con của Phúc Thọ đang vững vàng tay súng canh giữ biển trời quê hương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tết ở “làng Trường Sa”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.