Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tết đặc biệt trong trại tù binh

Lê Đoàn| 20/02/2015 15:24

(HNM) - Tết đến, xuân về trong mỗi người thường sống lại những kỷ niệm về một thời đã qua. Năm nay, tôi đón Tết Ất Mùi 2015 trong ăm ắp hồi ức với những kỷ niệm buồn vui về một cái Tết đặc biệt cách đây 40 năm - Tết Ất Mão - 1975: Đón Tết trong nhà tù của địch- Trại giam Tù binh Cộng sản Cần Thơ.


Trại giam tù binh cộng sản Cần Thơ nằm ở phía Tây Nam thành phố Cần Thơ, gần sân bay quân sự Trà Nóc. Chỉ huy trưởng trại giam là thiếu tá Hoàng Đình Hoạt, một cai ngục khét tiếng đàn áp tù binh cộng sản tại trại tù Phú Quốc. Trại giam có diện tích trên 20.000m2, 19 phòng giam. Mỗi phòng chứa từ 60 đến 80 tù binh. Bao quanh trại giam là hệ thống 8 hàng rào dây kẽm gai. Vọng gác cứ 2 giờ thay phiên một lần, liên tục 24h/24h. Ban đêm, địch tăng cường lực lượng quân cảnh và chó nghiệp vụ tuần tra, đồng thời bổ sung thêm một số vọng gác lưu động. Trên vọng gác một bóng đèn 500W chiếu sáng liên tục từ 18h chiều đến 6h sáng cùng với khẩu đại liên luôn sẵn sàng nhả đạn. Không những thế, trại giam còn đựợc xây dựng kết nối liên hoàn với phi trường 31, kho quân tiếp vụ, khu gia binh và các căn cứ quân sự quan trọng khác để hỗ trợ khi cần thiết.

Anh em tù binh Trại giam Cần Thơ đều đã trải qua nhiều trại giam khác nhau, như: Phú Quốc, Biên Hòa, Plâycu... Hầu hết các anh, các chị bị địch bắt khi bị thương rất nặng tại các vùng chiến thuật trên khắp miền Nam và bị đánh đập, tra tấn phủ đầu tàn bạo cùng với chế độ lao tù hà khắc, ốm đau, bệnh tật liên miên, nên sức khỏe rất yếu. Tháng 8- 1974, anh em trong trại vừa trải qua cuộc đấu tranh tuyệt thực dài ngày nên nhiều người, nhất là thương binh nặng chưa bình phục, nhưng thắng lợi của cuộc đấu tranh tuyệt thực đã buộc địch phải chấp nhận bàn giao khẩu phần gạo, thực phẩm hàng ngày để tổ nhà bếp do tù binh tự nấu. Việc tù binh được học văn hóa, tổ chức mít tinh kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc, tự do ca hát sinh hoạt văn nghệ tập trung... đã tiếp thêm sức chiến đấu, cổ vũ tinh thần lạc quan, tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng của dân tộc.

Ngay từ những tháng cuối năm 1974, Đảng ủy trại giam đã xây dựng kế hoạch kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, mừng Xuân Ất Mão 1975 và kỷ niệm 45 năm Ngày thành lập Đảng (3/2/1930 - 3/2/1975). Các phòng giam lập bàn thờ Tổ quốc, chuẩn bị chương trình văn nghệ, các trò chơi. Đảng ủy quy định mọi người phải ngồi với nhau từ ba người trở lên, không ngồi một mình nhất là trong đêm Giao thừa và phải chú ý giúp đỡ, quan tâm đến anh chị em đón Tết lần đầu trong tù. Các tổ hậu cần phải lo cho anh em được thêm bát cơm trong bữa ăn ngày Tết. Đây là việc khó, bởi địch giao số lượng gạo từng ngày. Để thực hiện được chủ trương này, từ tháng 10- 1974 nhà bếp sau khi nhận gạo, bớt lại một phần, gửi về các phòng, cất giữ, dành để nấu trong hai ngày mồng một và mồng hai Tết. Mọi công việc đều thực hiện bí mật, theo một kế hoạch cụ thể (ai làm gì, nguyên liệu lấy từ đâu) thời gian thực hiện tập trung vào giữa hai lần điểm danh trong ngày (từ 9h đến 15h), sau đó cất giấu không để địch phát hiện.

Để có đủ màu trang trí, anh, em thay phiên nhau kêu đau ốm đòi đi khám bệnh. Sau khi khám, chúng thường bắt uống thuốc ngay, nhưng anh em phản đối vì đói, uống thuốc vào say không chịu được nên chúng đành phải cho mang về. Số thuốc đó đã nhanh chóng được tách ra lấy màu vẽ. Các phòng đều có họa sĩ nhận nhiệm vụ trang trí bàn thờ Tổ quốc theo truyền thống từng vùng miền. Phòng 19 của chúng tôi có anh Bình, họa sĩ quê Thái Bình chịu trách nhiệm vẽ ảnh Bác Hồ, cờ Tổ quốc, cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam nửa đỏ, nửa xanh, ngôi sao vàng ở giữa. Anh Phạm Uyên chịu trách nhiệm cắt chữ. Màu vàng được lấy từ thuốc sốt rét; màu đỏ lấy từ vỏ viên thuốc bọc đường; màu xanh từ thuốc chống ghẻ, hắc lào, lá cây... Giấy vẽ được can, dán từ giấy cát tông, giấy bọc thực phẩm bóc ra. Bàn thờ được kê, dựng từ giường nằm; phông là chăn chiên; đình màn màu trắng làm cánh gà, vải màn tuyn màn xanh làm rèm... Ảnh Bác Hồ được mọi người quan tâm nhiều nhất. Anh Bình mỗi ngày vẽ một ít. Khi bọn quân cảnh vào điểm danh lại phải giấu đi. Mặc dù vẽ theo tưởng tượng, nhưng khi xem ảnh, mọi người đều trầm trồ khen đẹp. Sáng 9-2-1975 (tức 29 tháng Chạp), tên Hoàng Đình Hoạt, Chỉ huy trưởng trại giam vào kiểm tra, hứa mồng hai Tết sẽ vào tham gia thi đấu cờ tướng tại phòng giam 19. Tên này ham chơi cờ, nhưng chơi với bác Hoa, bác Liên (thương binh nặng) thì 10 trận thua 8; có trận thua dài dài hắn kêu lên: "Sao thua hoài zậy?". Bác Hoa cười nói: "Thiếu tá chỉ mải nghĩ cách đánh Việt cộng, còn thời gian đâu nghĩ đến cờ, vậy sao chẳng thua?". Tên Hoạt ấm ức mãi, lần này hắn quyết chí phục thù.

Để kịp đón Giao thừa, ngay sau khi bọn quân cảnh điểm danh cuối ngày Ba mươi, mọi người tất bật kê, dựng bàn thờ Tổ quốc, tập lại các tiết mục văn nghệ, lo quần áo tươm tất để mặc hôm mồng một. Có người kỹ tính còn trải quần áo xuống dưới chiếu, nằm lên để hôm sau ngủ dậy có quần áo phẳng để mặc... Sân khấu lên hoan đón Giao thừa của trại cũng được nhanh chóng dựng lên tại phòng giam bỏ trống cạnh nhà bếp. Chương trình mừng Đảng, mừng Xuân rất phong phú, ngâm thơ, chèo, vọng cổ, hài rất vui. Năm trước, lúc đang tổ chức mừng Xuân thì bị bọn chúng cắt điện, anh em đã xông ra đấu tranh, dùng đá ném vỡ các bóng đèn bảo vệ. Lần này, có lẽ sợ anh em phản đối, hơn nữa chúng sợ đêm tối, anh em tù lợi dụng trốn trại, nên không dám cắt điện nữa.

Đi chúc Tết, thăm các phòng giam, không khí đón xuân về thật vui vẻ, có phòng còn treo cả câu đối, bày lọ hoa, cặp bánh chưng xanh... Tất cả đều giả thôi, nhưng ai cũng cảm thấy ấm áp, khuây khỏa nỗi nhớ hương vị Tết quê nhà. Bữa cơm trưa mồng một Tết thật vui. Nét mặt ai nấy đều tươi tắn, ăn mặc gọn gàng và dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp. Bữa cơm Tết, mỗi người chỉ hơn một bát cơm so với hằng ngày, nhưng những câu chuyện quanh ngày Tết thì đầy đặn vô cùng. Dường như ai cũng quên mình đang sống trong lao tù đế quốc. Sau bữa ăn, anh Thức, phụ trách hậu cần của phòng, còn lì xì cho anh em điếu thuốc rê. Cái thứ mà nhiều anh em nghiện ngập quý hơn cả cơm, gạo. Hỏi ra mới biết, để có thuốc lì xì, anh đã quyên góp từ nguồn tài trợ, ủng hộ của các anh, chị người miền Nam có nguồn thăm nuôi của gia đình. Nguồn thứ hai là từ những anh bị ốm phải đi viện, đã nhịn ăn để đổi lấy thuốc mang về làm quà li xì ngày Tết. Để có đủ hương vị Tết, có phòng còn hướng dẫn anh em làm "cái rượu": Trước Tết 3 ngày, khi ăn cơm, anh em bớt một phần cơm của mình cho vào bát. Mỗi lượt cơm, rắc một lượt thuốc B1 tán nhỏ. Bát cái rượu được ủ trong lớp chăn chiên. Trưa mồng một Tết mở ra đã dậy mùi thơm, cay nồng vị rượu, mỗi người một miếng nhỏ, thấy hương vị ngày xuân quý giá biết bao!

Sáng mồng hai Tết, các phòng giam sôi nổi hội thi kể chuyện, đấu cờ, chơi đàn... Khoảng gần trưa, tên Hoàng Đình Hoạt cùng hai sĩ quan xuất hiện trước cửa phòng giam số 19. Hắn chủ động bước vào, nhưng vừa bước tới cửa, ngước nhìn thấy bàn thờ Tổ quốc và tấm ảnh Bác uy nghi. Hắn giật mình lùi lại, gượng gạo, lúng túng nói với anh Hài Trưởng phòng giam:

- Trong năm tôi có hứa, mồng hai sẽ vào chúc Tết và chơi cờ với các ông, nhưng do có công vụ gấp nên xin để dịp khác.

Không kịp nhận lời chúc mừng năm mới của đại diện phòng giam, hắn và đồng bọn rút lui. Thấy vậy, bác Hoa, người thách đấu cờ với tên Hoạt cười nói:

- Đầu xuân mình "hên" rồi, chưa đánh địch đã thua. Điềm báo năm nay ta thắng to đây!

Đúng như vậy, chỉ sau hơn 4 tháng, trưa ngày 30-4, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước hoàn toàn thống nhất. Tôi đã được chứng kiến một mùa xuân trọn vẹn, một cái Tết có một không hai trong cuộc đời.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tết đặc biệt trong trại tù binh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.