(HNM)- Tết đến gần, hơi thở mùa xuân đã rộn ràng khắp phố. Tết đến gần, người ở xa tất bật lo về nhà sớm. Tết đến gần, nhà nhà, người người đi sắm Tết, ai cũng muốn có một cái Tết thật đầy đủ và ấm áp bên gia đình, bạn bè.
Nhưng Tết đến gần, cũng có nhiều người còn mải tất bật với cuộc sống cơm áo hằng ngày. Với họ, Tết có khi không phải là Tết. Họ là những số phận kém may mắn hơn trong xã hội, chưa có đủ điều kiện để được hưởng những cái Tết đầy đủ, đầm ấm.
Tết đến gần cũng là dịp để người Việt dành chút lắng lòng, quan tâm, săn sóc đến những con người còn trong hoàn cảnh khó khăn, éo le. Dù chỉ là một chút sẻ chia, một món quà gửi đến những người còn đang chật vật lo Tết cho cả gia đình, nhưng lớn hơn tất cả, đó là tình cảm yêu thương, mang đến niềm hy vọng, ấm hơi thở mùa xuân.
Thống kê theo chuẩn nghèo mới, hiện cả nước còn trên 3,3 triệu hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 9,4%. Chăm lo cho tất cả các đối tượng thuộc diện nghèo chắc chắn không phải là điều có thể nói là làm được ngay. Nhưng đáng quý là bên cạnh những phần quà của Nhà nước giúp hộ nghèo ăn Tết, thì địa phương cũng đều có chính sách lo Tết cho người nghèo, nhiều doanh nghiệp và nhà hảo tâm, các tổ chức từ thiện và cá nhân cũng chung tay góp sức, cố gắng "không để cho một gia đình nghèo nào không có Tết".
Riêng tại Thủ đô Hà Nội, theo mức chuẩn nghèo mới, thành phố có 148.148 hộ nghèo, chiếm 9,6% tổng số hộ; có 61.465 hộ cận nghèo, chiếm 3,98% tổng số hộ dân. Để nhà nhà có Tết, TP Hà Nội đã quyết định chi từ nguồn ngân sách 195,45 tỷ đồng tặng quà Tết tới các đối tượng hưởng chính sách xã hội, người cao tuổi và hỗ trợ gia đình thuộc diện nghèo. Trong đó, gia đình thuộc diện nghèo được nhận 300 nghìn đồng/người. Khoản tiền không lớn nhưng là sự động viên quan trọng với người nghèo và là sự khích lệ cần thiết với xã hội để cùng góp tay chia sẻ. Ngoài quà tặng từ nguồn ngân sách TP, các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn bằng các nguồn kinh phí vận động khác đều có kế hoạch thăm hỏi, tặng quà, trợ cấp khó khăn các đối tượng chính sách xã hội tại địa phương để "mọi nhà đều có Tết".
Mỗi món quà từ thành phố, các doanh nghiệp, tổ chức hay cá nhân được chuyển đến tay người nghèo, đó là trách nhiệm, tình cảm đậm nét truyền thống quý báu của dân tộc. Đó là những niềm vui, thắp lên trong chúng ta ngọn nến của lòng nhân ái để nâng niu và trân trọng. Để người người đều được đón Tết, nhà nhà đều có Tết, Tết không chỉ ở manh áo mới, tấm bánh chưng, hộp mứt… mà còn là niềm vui trong lòng những người còn nghèo khi nhận được sự chăm lo của Đảng, Nhà nước, sự cảm thông, chia sẻ của cộng đồng trong nghĩa đồng bào.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.