(HNM) - Tháng Chạp Kỷ Hợi sắp chạm ngày cuối. Năm Canh Tý đã đứng chờ. Không khí Tết đến, Xuân về đã bừng lên ở từng góc phố, mỗi con đường, nơi mỗi làng quê. Mỗi người, mỗi nhà lo Tết, sắm Tết theo cách riêng của mình, tùy điều kiện, hoàn cảnh.
Đã thành truyền thống, Đảng, Nhà nước luôn dành sự quan tâm, chăm lo đặc biệt để mọi người, mọi nhà nói chung, gia đình chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn nói riêng, đều có cái Tết cổ truyền đầm ấm, vui tươi, phấn khởi. Rồi với tinh thần “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, các chương trình chăm lo Tết cho người nghèo và đối tượng đặc biệt khó khăn lại tiếp tục nối dài, nhân lên, lan tỏa khắp cả nước.
Ngay từ ngày 10-12-2019, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 40-CT/TƯ về việc tổ chức Tết năm 2020, trong đó nêu rõ yêu cầu: Chủ động, có kế hoạch cụ thể chăm lo thật tốt đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trong dịp Tết, trước hết là các gia đình chính sách, hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đồng bào vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng biên giới, hải đảo... Tiếp đó, ngày 19-12-2019, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị số 33/CT-TTg về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Canh Tý vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, nhấn mạnh việc thực hiện đầy đủ chính sách với người có công và các đối tượng chính sách, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, người dân ở các vùng bị ảnh hưởng của thiên tai, bão, lũ... Dịp này, Chủ tịch nước cũng dành những phần quà động viên, thăm hỏi, chúc Tết đối tượng chính sách.
Với Hà Nội, việc lo Tết, quan tâm cái Tết của người dân nói chung, đối tượng chính sách, người nghèo nói riêng luôn được chú trọng, tổ chức chu đáo. Thành phố đã ban hành Kế hoạch số 244/KH-UBND tặng quà người hưởng chính sách thuộc lĩnh vực người có công; gia đình diện hộ nghèo; người cao tuổi; người lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; người đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng... Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trên địa bàn thành phố, cùng các địa phương, tổ chức, đơn vị đã tích cực triển khai các hoạt động “Tết vì người nghèo”, để mọi người, mọi nhà đều có Tết.
Tết với mỗi nhà, mỗi gia đình chính sách, hộ khó khăn luôn ấm áp. Cái ấm áp đến từ sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước thể hiện qua các chủ trương, chính sách cụ thể. Cái ấm áp thêm nhân lên, lan tỏa qua nhiều chương trình, hoạt động thăm hỏi, chúc Tết của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, thành phố trong điều kiện công việc hết sức bộn bề. Cái ấm áp thấm đượm nghĩa tình khi tấp nập các đoàn công tác, thăm hỏi, chúc Tết về đến các vùng quê, về với người có hoàn cảnh đặc biệt nơi vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo xa xôi trên địa bàn cả nước nói chung; ở từng quận, huyện, phường, xã thuộc thành phố Hà Nội nói riêng.
Không ai bị bỏ lại phía sau, không trường hợp có hoàn cảnh khó khăn nào bị lãng quên khi Tết đến, Xuân về - thời khắc thiêng liêng, ấm áp của người Việt!
Ngẫm ra, việc chăm lo cho đối tượng chính sách, người nghèo vốn là một truyền thống tốt đẹp, thể hiện sự tri ân, nghĩa cử “lá lành đùm lá rách” của dân tộc; không chỉ từ sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước, mà còn nhận được sự chia sẻ của cả cộng đồng. Nét đẹp ấy càng thêm lấp lánh bởi không phải ai góp phần mình, góp tấm lòng mình vào đó cũng đều dư dả, cũng đều sẵn điều kiện.
Cùng với sự phát triển của đất nước, của Thủ đô, hoạt động chăm lo đời sống đối tượng chính sách, người nghèo đã trở thành hoạt động xuyên suốt, mỗi cấp, ngành, doanh nghiệp, mỗi người dân cùng chung tay tham gia. Đó là các chương trình hỗ trợ dạy nghề, vay vốn ưu đãi tạo việc làm cho người lao động; là chương trình xây dựng "mái ấm công đoàn"; khám, chữa bệnh cho người nghèo và nhiều chương trình an sinh xã hội khác... Đó còn là công đoàn các cấp quan tâm đến việc bảo đảm điều kiện làm việc, đời sống vật chất, tinh thần của người lao động (nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, các thiết chế công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất)... Tỷ lệ hộ nghèo cả nước năm 2019 còn dưới 4% (giảm 1,3% so với năm 2018); hay tại Hà Nội, năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,42% là minh chứng cụ thể cho hiệu quả của các chương trình đó.
Song, để có sự quan tâm ngày càng đủ đầy, để không còn hộ nghèo, vẫn còn nhiều việc phải làm, trong đó đòi hỏi phải bổ sung những nguồn lực mới. Mặt trận Tổ quốc cũng như công đoàn các cấp vẫn đang chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền giải pháp; vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm ủng hộ Quỹ Vì người nghèo và các chương trình an sinh xã hội. Qua mỗi chương trình cụ thể, các cấp, ngành, doanh nghiệp thêm ý thức, chăm lo cho người nghèo là việc chung của toàn xã hội. Khi cộng đồng trách nhiệm, sức mạnh sẽ được nhân lên từ sự đoàn kết, gắn bó, thương yêu...
Bên cạnh đó, việc sử dụng các nguồn lực phải đổi mới theo hướng có trọng tâm, trọng điểm để giải quyết căn cơ những vấn đề cấp thiết cho người nghèo như: Nhà ở, nguồn vốn, việc làm và nhất là phải tập trung đầu tư cho giáo dục. Đây chính là động lực giúp người nghèo quyết tâm thoát nghèo... Để từ đó, những hoạt động nghĩa tình lại được tiếp nối, nhân lên!
Ngày Tết cận kề, nhà nhà đã tất bật sắm sửa. Tết ấm áp với mọi nhà! Dù rằng mỗi người hoàn cảnh một khác nhưng từ sự chung tay, với tinh thần mọi người, mọi nhà đều có Tết, muôn nhà đều chung niềm vui khi Canh Tý đã cận kề.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.