(HNM) - Vượt qua năm Tân Sửu nhiều thử thách, càng gần Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, các cơ quan chức năng và cộng đồng càng dành nhiều sự quan tâm, động viên đến đối tượng chính sách và người dân gặp khó khăn trên địa bàn Thủ đô. Điều đó góp phần mang không khí Tết ấm áp, yêu thương đến mọi người, mọi nhà.
An vui đón Tết
Năm nào cũng vậy, những ngày cuối cùng của tháng Chạp thường là thời điểm người người rộn ràng, hối hả đón Tết với nhiều cung bậc cảm xúc. Trong nếp nhà cấp 4 khang trang tại thôn Bùng, xã Minh Đức (huyện Ứng Hòa), bà Lương Thị Nào phấn khởi chuẩn bị đón Tết. Vừa trang hoàng nhà cửa, bà Nào vừa kể: “Quý IV-2021, tôi được xét duyệt hỗ trợ xây dựng nhà ở. Sau thời gian thi công, ngôi nhà khánh thành vào ngày 14 tháng Chạp năm Tân Sửu (ngày 16-1-2022), kịp cho gia đình tôi đón xuân mới”.
Cũng được các tổ chức, cá nhân hỗ trợ xây dựng nhà ở, các thành viên trong gia đình bà Nguyễn Thị Sợi, thôn Đông Mỹ, xã An Tiến (huyện Mỹ Đức) háo hức đón Tết. Gia đình bà Sợi có hoàn cảnh đặc biệt khi chồng bà mất sớm, bản thân bà mắc bệnh tim... Giữa thời điểm khốn khó nhất, gia đình bà Sợi vừa được hỗ trợ lương thực, thực phẩm cùng khoản tiền nhỏ để chi tiêu, vừa được trợ giúp lâu dài là xây dựng nhà ở để an cư.
Đối với người lao động có hoàn cảnh khó khăn, dịp này cũng nhận được sự chăm lo, trợ giúp từ nhiều phía, nhất là những trường hợp không thể về quê đón Tết. Chị Lê Thị Nga, công nhân phân xưởng Nhựa (Công ty cổ phần Nhựa cao cấp Hàng Không), quê ở huyện Hoằng Hóa (tỉnh Thanh Hóa), hiện đang thuê trọ tại xã Yên Viên (huyện Gia Lâm) xúc động chia sẻ: “Năm nay, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tôi quyết định ở lại Thủ đô đón Tết. Thấu hiểu hoàn cảnh, các cấp Công đoàn, cơ quan chức năng đã trao tặng gia đình tôi những phần quà ý nghĩa”.
Đặc biệt, giữ gìn truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, thành phố Hà Nội cùng các đơn vị, địa phương vẫn duy trì thăm hỏi, tặng quà tri ân 100% gia đình người có công trên địa bàn. Thương binh Nguyễn Tường Vĩnh, ở ngõ 29 phố Nguyễn Chí Thanh (quận Ba Đình) bộc bạch: “Gia đình tôi nhận được phần quà Tết dành cho người có công từ khoảng giữa tháng Chạp. Nhờ đó, không khí đón Tết thêm ấm áp, nghĩa tình”.
Chung tay chăm lo
Đã trở thành nét đẹp truyền thống, dịp Tết Nguyên đán, 30/30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố đã chung tay chăm lo, dành nguồn kinh phí để tặng quà, thăm hỏi, động viên các đối tượng chính sách. Tại quận Hà Đông, theo Phó Chủ tịch UBND quận Phạm Thị Hòa, toàn quận đã dành 21 tỷ đồng tặng quà Tết cho các đối tượng chính sách. Đối với 241 hộ cận nghèo, quận Hà Đông chỉ đạo các phường huy động nguồn xã hội hóa, bảo đảm mỗi hộ nhận được tiền mặt và phần quà trị giá tối thiểu 2,5 triệu đồng... Ở cấp cơ sở, các xã, phường, thị trấn đã trao những phần quà ý nghĩa đến các đối tượng thụ hưởng. Phó Chủ tịch UBND phường Phố Huế (quận Hai Bà Trưng) Đỗ Minh Thu thông tin, phường đã trao hơn 500 suất quà đến các hộ gia đình.
Điều đáng vui là các phong trào chăm lo Tết cho người có hoàn cảnh khó khăn được cộng đồng hưởng ứng tích cực. Điển hình là phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” do các cấp Hội Chữ thập đỏ phát động. Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội Đào Ngọc Triệu cho hay, tính đến ngày 29-1-2022 (tức 27 tháng Chạp năm Tân Sửu), phong trào này đã vận động được gần 90.000 suất quà, trị giá hơn 40 tỷ đồng.
Ngoài ra, thông qua tổ chức Công đoàn, các đơn vị, doanh nghiệp ở Thủ đô đã tặng hơn 625.000 suất quà cho công nhân lao động gặp khó khăn với số tiền hơn 196 tỷ đồng.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Bạch Liên Hương cho biết, đến thời điểm này, toàn thành phố trích ngân sách và huy động nguồn lực xã hội để trao tặng gần 1,88 triệu suất quà Tết đến các đối tượng chính sách, với trị giá gần 703 tỷ đồng. Số lượng phần quà đạt gần 178% so với kế hoạch và tăng 14% so với dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.
Trong những ngày nghỉ Tết, các đối tượng đang được chữa trị hoặc nuôi dưỡng tập trung tại các đơn vị thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, tại Bệnh viện 09 thuộc Sở Y tế Hà Nội được hỗ trợ thêm 100.000 đồng/người. Cán bộ, nhân viên phục vụ được bồi dưỡng thêm 200.000 đồng/người. Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội III Hà Nội Trần Thị Hải bày tỏ: “Sự quan tâm ân cần, chu đáo đến từ các cơ quan chức năng và cộng đồng giúp chúng tôi thấy ấm lòng, các đối tượng yếu thế được đón Tết trong không khí ấm áp tình cảm”.
Đến thời điểm này có thể khẳng định, mọi người dân trên địa bàn Thủ đô đều được đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần trong tình yêu thương, sẻ chia từ các cơ quan chức năng và cộng đồng xã hội. Sự quan tâm ấy góp phần lan tỏa những giá trị nhân văn sâu sắc, nhân lên truyền thống văn hóa tốt đẹp của người Hà Nội.
Để bảo đảm chăm sóc kịp thời F0 điều trị tại nhà dịp Tết, thành phố đã lập 4 nhóm Zalo, gồm: Lãnh đạo Sở Y tế cùng lãnh đạo các bệnh viện, tầng 2, tầng 3 và cùng Giám đốc Trung tâm Y tế, hằng ngày báo cáo số liệu 3 lần/ngày. Trong số liệu đó có số liệu bệnh nhân được điều trị tại nhà và khi bệnh nhân cần phải chuyển tầng điều trị cao hơn sẽ được giải quyết ngay. Đối với bệnh nhân khi có chỉ định sử dụng thuốc điều trị Covid-19 đều được cấp phát miễn phí.
Thu Trang
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.