Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tên Người là cả một niềm thơ

Hải Giang| 19/05/2013 06:00

(HNM) - 136 tác phẩm, công trình và các tập thể, cá nhân được vinh danh ở Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật (VHNT), báo chí về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh (giai đoạn 2011-2013) vừa diễn ra tối 16-5 tại Hà Nội.

Chương trình nghệ thuật chào mừng tại lễ trao giải. Ảnh: TTXVN


Sự gặp gỡ của nghệ sĩ và giải thưởng

Chia sẻ của GS Phong Lê, tác giả của công trình đoạt giải A gây ấn tượng với Báo Hànộimới: Tôi đã viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong suốt 30 năm qua. Trong đó có 3 tác phẩm đã xuất bản vào các năm 1986, 2000 và 2012 trên nền cảm hứng trước mỗi sự kiện lớn như 100 năm Ngày sinh của Bác; 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội và 100 năm Người đi tìm đường cứu nước. Giải thưởng hôm nay là sự gặp gỡ giữa người viết với Cuộc vận động lớn của Đảng. Và tôi cảm thấy hạnh phúc vì đã góp một phần nhỏ bé vào đợt sinh hoạt ý nghĩa này.

Có lẽ hàng trăm, hàng nghìn tác giả khác từng gửi tác phẩm, công trình hưởng ứng Giải thưởng này trong hai năm qua (2011-2013) cũng có chung một cảm xúc, suy nghĩ như ông. Đối với người nghệ sĩ, cảm hứng là động lực sáng tạo nằm ngoài mọi sự áp đặt. Và từ lâu nay VHNT luôn có nguồn cảm hứng dồi dào vô tận để sáng tạo mang tên Hồ Chí Minh.

Giải thưởng này tiếp tục minh chứng cho điều ấy. Công trình sưu tầm truyện kể dân gian "Tây Nguyên với Bác Hồ" của Trương Bi đâu phải làm trong ngày một ngày hai. Ngay cả cuốn "Thơ văn Hồ Chí Minh - Những giá trị vĩnh cửu" của GS Phong Lê dù viết trong vài tháng nhưng kỳ thực là sự kết tinh từ mấy chục năm giáo sư nghiên cứu về Người. Thậm chí có những tác phẩm đoạt giải cao mà người sáng tạo nên chúng đã ra đi mãi mãi. Đó là cố GS Trần Văn Giàu với cuốn "Hồ Chí Minh - Chân dung một tâm hồn và một trí tuệ vĩ đại". Đúng như nhận định của Phó Trưởng ban Tuyên giáo TƯ, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo giải Nguyễn Thế Kỷ: "Đây là đóng góp quý báu của cố GS Trần Văn Giàu và gia đình. Giáo sư đã đi xa nhưng tác phẩm viết về Bác Hồ kính yêu của ông vẫn lay gọi, lan tỏa, nhân lên bao niềm tin mãnh liệt lâu bền cho hôm nay và mai sau".

Đặc biệt, giải thưởng lần này là cơ hội để công chúng được tiếp cận thêm nhiều tư liệu quý về Bác, cũng như biết thêm nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao về Người. Trong đó, nhiều tác giả là người nước ngoài, hay người Việt Nam ở nước ngoài. Có thể kể đến bức vẽ "Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh" của một công dân Xrilanca; tác phẩm "Gặp gỡ Chủ tịch Hồ Chí Minh, kỷ niệm không bao giờ quên" của nguyên Tham tán công sứ Hungary tại Việt Nam. Bên cạnh đó còn có bộ sưu tập hơn 160 tư liệu, hiện vật, công trình, tác phẩm báo chí về Bác do Đảng ủy Ngoài nước tập hợp được. Đáng chú ý là trong bộ sưu tập này có nhiều tư liệu lần đầu được công bố vốn được một gia đình tại Mỹ lưu giữ nhiều năm qua.

Không chỉ học mà còn làm theo Bác

Trao đổi với Báo Hànộimới, Phó Trưởng ban Tuyên giáo TƯ Nguyễn Thế Kỷ, người đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội đồng Chung khảo giải nhấn mạnh: Không chỉ lan tỏa các giá trị tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh, nhiều tác phẩm đã bám sát, làm nổi bật đề tài "Làm theo tấm gương đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh" như tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI và Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị đã nêu. Nhiều vấn đề thời sự nóng bỏng, cấp thiết đối với dân tộc như biển đảo, chủ quyền quốc gia cũng thu hút đông đảo văn nghệ sĩ. Có thể kể đến tranh khắc gỗ "Kỷ vật người lính biển", tranh lụa "Làm chủ biển khơi", ảnh nghệ thuật "Biển gọi", tranh sơn dầu "Mắt bão"…

Học Bác, cũng có nghĩa là tham gia vào công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Ở mảng đề tài này, có thể thấy rõ sự góp mặt của một gương mặt trẻ trong danh sách giải A là KTS Võ Trọng Nghĩa với công trình "Trường học Bình Dương". Công trình này từng được giới KTS ghi nhận vì sự thân thiện với môi trường, theo đuổi phong cách kiến trúc xanh phù hợp với lối sống Việt qua giải thưởng kiến trúc quốc gia 2012 vừa qua. Nhìn vào giải thưởng của Võ Trọng Nghĩa còn thấy mừng vì tính kế thừa rõ nét. Bên cạnh những tên tuổi lớn như GS Vũ Khiêu, GS Phong Lê, Giải thưởng đã không bỏ qua, kịp thời vinh danh nhiều người trẻ có đóng góp thiết thực cho Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương của Bác.

Theo kế hoạch, trong nhiệm kỳ khóa XI của Đảng, Ban Chỉ đạo giải thưởng sẽ tiến hành hai đợt xét chọn và trao giải thưởng. Đợt 1 (2011-2013) đã khép lại và đợt 2 (2013-2015) đang tiếp tục chờ đón những tác phẩm, công trình viết tiếp niềm cảm hứng từ tên gọi Hồ Chí Minh và chuyển hóa cảm hứng ấy thành những việc làm cụ thể cho đất nước. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tên Người là cả một niềm thơ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.