Một vật thể được cho là bộ phận của tên lửa Centaur - được phóng bởi tàu đổ bộ Surveyor 2 của Mỹ lên Mặt trăng từ năm 1966, sau đó bị cuốn vào quỹ đạo Mặt trời - dường như đang quay ngược trở lại Trái đất.
Theo tờ Mirror (Anh), tên lửa có kích thước bằng một chiếc xe buýt của NASA dường như đang quay ngược trở lại Trái đất với tốc độ 1.500 km/h, sau hơn 54 năm được phóng lên vũ trụ.
Hồi năm 1966, một nhóm nhà khoa học tại Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đã cố gắng phóng tên lửa này lên Mặt trăng. Tuy nhiên, sau khi phóng tàu đổ bộ, họ phát hiện tên lửa bị cuốn vào quỹ đạo Mặt trời và bị rơi do động cơ đẩy gặp sự cố.
Một chiếc kính viễn vọng ở Hawaii đang tìm kiếm những “tảng đá ngày tận thế” đã phát hiện ra tên lửa này hồi tháng 9. Ban đầu, vật thể được cho dài gần 8m này đã bị nhầm với một tiểu hành tinh được đặt tên là tiểu hành tinh 2020 SO. Tuy nhiên, các chuyên gia tin rằng vật thể này là phần trên của tên lửa Centaur do tàu đổ bộ Surveyor 2 phóng lên Mặt trăng nhiều năm trước.
Vật thể quay quanh Mặt trời theo quỹ đạo gần tròn cũng như tốc độ di chuyển chậm hơn là điều không bình thường, đặc biệt là đối với một tiểu hành tinh. Vật thể này cũng nằm trong cùng một mặt phẳng với Trái đất, không nghiêng bên trên hoặc bên dưới. Tất cả những bằng chứng này giúp các nhà nghiên cứu chứng minh rằng nó là một tên lửa chứ không phải một vật thể nào khác.
"Tôi khá vui mừng khi tìm lại được một trong số những loại rác tên lửa như vậy. Tôi đã làm điều đó trong nhiều thập kỷ qua”, ông Paul Chodas, Quản lý Văn phòng chương trình quan sát các vật thể gần Trái đất của NASA, cho biết.
Hồi năm 2002, ông Chodas cũng đã phát hiện một vật thể mà ông tin là phần sót lại của tên lửa Saturn V được phóng từ tàu Apollo 12 trong sứ mệnh thứ hai của NASA lên Mặt trăng từ năm 1969.
Khi được hỏi liệu có nguy cơ vật thể có thể đổi hướng và đâm vào Trái đất hay không, ông Chodas khẳng định điều đó khó xảy ra và nói thêm: "Ít nhất, không phải lúc này".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.