Theo dõi Báo Hànộimới trên

Techmart: Hướng đi đúng để mở rộng thị trường

Ánh Tuyết| 24/07/2015 06:51

(HNM) - Sự khởi sắc đáng chú ý của thị trường KH&CN nước ta thời gian qua chính là sự hình thành và phát triển của các Chợ công nghệ và thiết bị - Techmart Vietnam. Chúng tôi có cuộc trao đổi với bà Lê Thị Khánh Vân - Phó Cục trưởng Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ (KH&CN) quốc gia về những

Khách tham quan hội chợ công nghệ và thiết bị quốc tế Việt Nam 2015.



- Có mặt tại Việt Nam từ năm 2003, đến nay, Techmart được tổ chức ngày một nhiều hơn và nhanh chóng trở thành nơi gặp gỡ của các nhà quản lý, nhà khoa học và các nhà sản xuất, kinh doanh. Bà đánh giá như thế nào về thị trường này?

- Techmart chính là hoạt động giới thiệu các hàng hóa công nghệ là thành quả KH&CN, do các tổ chức nghiên cứu KH&CN Việt Nam tạo ra và thúc đẩy lưu thông hàng hóa chất xám này trên thị trường công nghệ. Thông qua Techmart, nhiều nhà khoa học đã tìm được thị trường mới cho công nghệ của mình và thu thập được nhiều ý kiến đóng góp của khách hàng để điều chỉnh công tác nghiên cứu cho sát với nhu cầu của thị trường. Techmart giúp các nhà quản lý thấy rõ thêm về một số điểm yếu cần được khắc phục trong việc tổ chức và quản lý thị trường KH&CN ở Việt Nam để đưa ra các chính sách phù hợp.

Techmart đã giúp tăng trưởng giao dịch công nghệ và đạt hiệu quả trong việc xúc tiến phát triển thị trường KH&CN. Điều này thể hiện qua kết quả điều tra năm 2014 mà theo đó, các hợp đồng đã ký kết tại các kỳ Techmart và hậu Techmart cho thấy 30-50% các hợp đồng, biên bản ghi nhớ ký kết tại Techmart đã được triển khai. Nhiều đơn vị đã tăng doanh thu lên 10-60% tùy từng lĩnh vực.

- Có nhiều ý kiến cho rằng trong thị trường KH&CN hiện nay, yếu tố định chế trung gian còn yếu khiến các nhà khoa học không thể tiếp cận với doanh nghiệp, các kết quả nghiên cứu không được áp dụng trong sản xuất và kinh doanh? Xin bà cho biết ý kiến về điều này.

- Các dịch vụ trung gian trên thị trường KH&CN phát triển chuyên nghiệp sẽ góp phần thúc đẩy phát triển thị trường KH&CN bền vững, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Yếu tố cốt lõi của dịch vụ trung gian là con người, nên cần phải có ngay một đội ngũ nhân lực có khả năng, thông thạo lĩnh vực này nếu muốn thị trường KH&CN phát triển. Đội ngũ hoạt động trong lĩnh vực này đòi hỏi phải có hiểu biết chuyên môn tương đối cao về lĩnh vực KH&CN, do vậy, việc phát triển các hoạt động kiểu này không thể thiếu khâu đào tạo chuyên nghiệp.

Ở các tổ chức tư vấn của chúng ta có các chuyên gia về KH&CN, tuy nhiên, số lượng rất ít và không tập trung. Với yêu cầu trước mắt, giải pháp tốt nhất cho Việt Nam hiện nay là chuyển hướng hoạt động của một số nhân lực thuộc các tổ chức nghiên cứu, các chuyên gia tại các trường sang tham gia hoạt động dịch vụ trung gian hỗ trợ phát triển thị trường KH&CN. Cách này sẽ tạo ra một đội ngũ chuyên nghiệp và có năng lực cao.

Sự ngăn cách về thông tin trên thị trường KH&CN sẽ khiến cho các đối tượng tham gia thị trường không được cung cấp đầy đủ thông tin về cung và cầu công nghệ. Thời đại của công nghệ thông tin ngày nay đã đem đến một công cụ lý tưởng cho việc phổ biến thông tin về các hàng hóa công nghệ. Do vậy, việc thành lập các sàn giao dịch công nghệ thường xuyên, đồng thời phổ biến thông tin các kết quả nghiên cứu KH&CN và thông tin về nhu cầu công nghệ trên mạng internet là hoạt động rất cần thiết để phát triển các tổ chức trung gian, góp phần phát triển thị trường KH&CN.

Ngoài ra, phạm vi hoạt động của các nhà tư vấn, môi giới công nghệ chắc chắn sẽ ngày càng được mở rộng. Họ không còn chỉ là người tìm kiếm những công trình hay những khách hàng thích hợp, kết nối cung và cầu công nghệ, mà trở thành đối tác của các ngân hàng, các quỹ đầu tư, tạo điều kiện tìm kiếm những khoản tín dụng, nhận giữ tiền đặt cọc, tiền trả trước… Vì vậy, tại nhiều nước trên thế giới, để có thể hành nghề tư vấn, môi giới, các nhà tư vấn, môi giới công nghệ buộc phải lập tài khoản với mức tài chính thích hợp để bảo hành cho công việc của mình. Chứng chỉ cho nhà tư vấn, môi giới sẽ là bước đi đầu tiên trên con đường chuyên nghiệp hóa nghề nghiệp.

- Chợ công nghệ và thiết bị quốc tế Việt Nam 2015 (International Techmart Vietnam 2015) được tổ chức vào đầu tháng 10-2015 có quy mô lớn nhất từ trước tới nay. Bà có thể cho biết về điểm khác biệt của Techmart 2015 so với những năm trước?

- Techmart lần này được tổ chức vào năm cuối của giai đoạn 5 năm (2010-2015), nhiều kết quả nghiên cứu đã được nghiệm thu và đưa vào ứng dụng thực tiễn. Do vậy, Techmart 2015 sẽ là nơi giới thiệu các kết quả nghiên cứu của các chương trình trọng điểm cấp nhà nước, chương trình quốc gia, các kết quả nghiên cứu của các tổ chức KH&CN... Đặc biệt, Ban tổ chức sẽ dành không gian cho các doanh nghiệp Việt Nam đạt mức tăng trưởng lớn và có thương hiệu trên thị trường giới thiệu sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, đồng thời trao đổi chia sẻ kinh nghiệm với các doanh nghiệp khác về bài học thành công của mình. Ngoài ra, Ban tổ chức còn thiết lập không gian để các doanh nghiệp nêu những khó khăn trong sản xuất và nhu cầu đổi mới, đầu tư công nghệ. Ban tổ chức sẽ lựa chọn và sắp xếp các nhà khoa học trong lĩnh vực phù hợp để gặp gỡ trao đổi trực tiếp với doanh nghiệp.

Techmart quốc tế Việt Nam lần này sẽ lấy đối tượng doanh nghiệp làm trọng tâm để hướng tới, làm thế nào để các kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học có thể hỗ trợ, đáp ứng được nhu cầu thực tiễn, cùng với doanh nghiệp giải quyết các bài toán khó khăn để cùng nhau phát triển bền vững.

- Cảm ơn bà về nội dung trao đổi!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Techmart: Hướng đi đúng để mở rộng thị trường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.