Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tế Tiêu, làng cổ bên sông Đáy

Trần Văn Mỹ| 10/01/2010 07:33

(HNM) - Làng Tế Tiêu trước đây thuộc huyện Hoài An, phủ Ứng Thiên, trấn Sơn Nam, từ năm 1954 thuộc xã Đại Nghĩa, huyện Mỹ Đức. Năm 1988, Tế Tiêu được tách khỏi xã Đại Nghĩa để thành lập thị trấn Tế Tiêu, huyện lỵ của Mỹ Đức, tỉnh Hà Tây, nay thuộc Hà Nội.

Người dân làng Tế Tiêu với nghề múa rối cạn.
Ảnh: Bá Hoạt


Nằm bên đường 22, có sông Đáy chảy qua nên ngay từ thuở xưa, xóm dân ở vùng đất phên giậu có giao thông thủy bộ thuận lợi này đã khá trù phú. Bản thần tích vị thần làng Tế Tiêu cho biết, thần có tên gọi Hiển Công, vốn quê ở huyện Thạch Hà, vùng Châu Hoan. Năm 22 tuổi, cha mẹ đều mất, Hiển Công từ biệt quê hương đi chu du thiên hạ. Một ngày kia, đến trấn Sơn Nam, phủ Ứng Thiên, thấy Tế Tiêu có ruộng đồng xanh tốt, người người no đủ, chàng ở lại cùng dân sở tại làm ăn. Vốn tinh thông học vấn, võ nghệ cao cường, những lúc nhàn rỗi, chàng thường bày trò chạy nhảy, đánh vật. Khí lực chàng rất khỏe, trai tráng trong vùng không ai sánh kịp. Năm Mậu Ngọ (1318), vua Trần Minh Tông (1314-1329) ban chiếu tuyển người tài giỏi giúp Phạm Ngũ Lão đi giữ yên biên giới phía Nam. Hiển Công được lĩnh quân tiên phong cùng Phạm Ngũ Lão, theo sông Đáy tiến ra biển. Một đêm đến cửa Lải, trời nổi gió lớn sóng to, ông cho neo thuyền nghỉ lại. Đêm ấy, trong giấc ngủ mơ màng, ông thấy có thần nhân xuất hiện và nói: "Ta vâng lệnh trời làm thần biển coi cửa Lải, gặp được tướng quân qua đây, ta sẽ âm phù, bọn giặc thế nào cũng tan"; đoạn làm lễ tế cáo trời đất, bỗng nhiên biển lặng sóng yên. Hiển Công cùng Phạm tướng công khua chiêng thúc trống đánh tập hậu khiến giặc phải thua chạy. Ngày khải hoàn, vua đặt yến tiệc khao thưởng. Phạm Ngũ Lão được phong Quan nội hầu, Hiển Công được phong Đông Hải đô nguyên soái và 50 quan tiền cổ.

Đất nước yên bình, ngày ngày ở chốn đô hội nhưng lòng Hiển Công vẫn luyến nhớ đất cũ. Ông bèn dâng biểu xin vua được về Tế Tiêu vui cảnh điền viên. Tại đây, ông cùng dân vui cày cấy, dạy bảo dân sống có lễ nghĩa. Nhớ ơn thần biển đã phù trợ, ông cùng dân lập đền và rước bài vị thần cửa Lải về thờ ở Tế Tiêu. Ngày 12 tháng Một âm lịch, trời bỗng nổi giông gió. Khi mây tạnh, dân làng thấy ông đã hóa. Dân làng làm biểu dâng lên, vua Trần Minh Tông gia phong mỹ tự, sai dân dựng đền thờ Hiển Công làm phúc thần.

Bản thần tích còn cho biết, từ đó mỗi khi đại hạn, dân làm lễ cầu đảo tại đền đều linh ứng. Các triều Lê, Nguyễn đều có sắc phong thần. Đọc bản thần tích làng Tế Tiêu, ta hiểu được cách chép sử của người xưa. Và khi đã gạt sang bên những mông lung huyền thoại, chúng ta tìm được ở đó nhiều điều lý thú về địa lý, phong tục và sự tôn vinh của dân với người có công dựng làng.

Ở Tế Tiêu ngày trước, cùng với ngôi chùa thờ Phật, làng còn có ba ngôi đền thờ vua Trần Minh Tông, thần cửa Lải và Đông Hải đô nguyên soái. Nhưng trong kháng chiến chống Pháp, các di tích trên đều bị phá hủy. Trong đau thương người Tế Tiêu một lòng đứng lên kháng chiến. Năm 1948, quân Pháp chia làm nhiều mũi tiến về Hương Sơn, lùng sục hậu cứ, đánh vào cơ quan đầu não của ta. Trước khi rút về thị xã Hà Đông chúng đã hội quân ở Tế Tiêu. Nắm được thời cơ này, du kích Tế Tiêu đặt mìn mai phục ở khắp các ngả đường. Trận đánh kết thúc, một quan hai Pháp và nhiều lính đã bị diệt. Liền sau đó, một bài hát ca ngợi chiến công của quân dân Tế Tiêu đã ra đời, trong đó có câu "Mỹ Đức oai hùng, dân quân giật mìn làm tan xác Pháp" đã khích lệ nhân dân một thời kháng chiến.

Thời chống Mỹ, trên mảnh đất tiền tiêu, nơi còn nhiều lô cốt giặc đã xuất hiện ba trận địa phòng không của dân quân Đại Nghĩa đã dũng cảm đánh trả hàng trăm đợt bắn phá của máy bay Mỹ. Dân quân Đại Nghĩa đã bắn rơi một máy bay F8 của chúng.

Một sự kiện đặc biệt để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng người Tế Tiêu là ngày 7-10-1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã về thăm xã Đại Nghĩa. Tại nhà thờ họ Nguyễn, trong ba giờ, Bác đã nói chuyện về Nghị quyết 5 của Trung ương Đảng về phát triển nông nghiệp. Do có thành tích trong phong trào hợp tác hóa, nơi xuất hiện nhiều trai gái Đại Phong, Bác khen: "Xã Đại Nghĩa thuộc huyện Mỹ Đức, cái tên rất đẹp. Các cô, các chú phải chăm lo phát triển kinh tế, phát triển văn hóa làm sao cho xứng đáng với tên gọi đó".

Mảnh đất Tế Tiêu, mỗi thời đại đều để lại những dấu ấn lịch sử. Ở vùng quê hiền hòa, giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, đời sống người dân vẫn chưa giàu có nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị trấn đã biết chăm lo bảo tồn các di tích văn hóa. Nhà thờ họ Nguyễn, nơi Bác nói chuyện với đồng bào, thường xuyên được chăm sóc sửa sang và trở thành nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tại nền đình Thượng nơi thờ Hiển Công, người có công lớn giữ yên đất nước thời Trần, ngay từ năm 1994, người Tế Tiêu đã đóng góp 500 công lao động và hơn 60 triệu đồng để dựng lại ngôi đình theo dáng xưa.

Góp phần làm đẹp đời sống văn hóa, trước đây ở Tế Tiêu có các trò rối cạn của gia đình cụ Trương Ba (đây là một trong hai nơi của cả nước có rối cạn). Cụ Trương Ba là người tạo các quân rối và soạn các tích trò nói về hiếu nghĩa và lòng trung quân ái quốc. Rối cạn Tế Tiêu chuyên diễn các tích tuồng cổ, kết hợp trò leo dây và các trò ảo thuật nên trong một thời gian dài đã được nhân dân khắp vùng mến mộ. Cùng với phường rối cạn Đồng Minh (Vĩnh Bảo, Hải Phòng) chuyên diễn các tích chèo cổ, rối cạn Tế Tiêu đã để lại trong lịch sử ngành múa rối Việt Nam nét riêng đặc sắc. Sau năm 1954, rối cạn Tế Tiêu được ông Phạm Văn Bể (cháu gọi cụ Trương Ba là cậu ruột) tiếp nối và cũng thu được một số thành tựu.

Giờ đây, cuộc sống mới đang thay đổi từng ngày. Tế Tiêu, một thị trấn xinh đẹp bên sông nước tấp nập cảnh trên bến dưới thuyền, hiện là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của huyện Mỹ Đức. Nơi đây có đường bộ, đường thủy dễ dàng đến với hồ Quan Sơn và thắng cảnh Hương Sơn. Được thiên nhiên ưu đãi, Tế Tiêu đã trở thành đầu mối đón tiếp khách du lịch đến chùa Hương và Quan Sơn và trong tương lai không xa, là trung tâm cung cấp các dịch vụ du lịch, đô thị ở vùng phía nam Hà Nội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tế Tiêu, làng cổ bên sông Đáy

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.