Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tệ nạn đáng báo động

Lâm Vũ| 04/01/2014 07:19

(HNM) - Việt Nam có một nền văn hóa ẩm thực truyền thống lâu đời gắn liền với hội hè, đình đám, những sinh hoạt trong cộng đồng, chia sẻ buồn vui. Và trong mỗi dịp như vậy không thể thiếu rượu. Thế nhưng, việc uống rượu ngày nay không còn mang ý nghĩa truyền thống nữa mà đã trở thành một tệ nạn đáng báo động.

(HNM) - Việt Nam có một nền văn hóa ẩm thực truyền thống lâu đời gắn liền với hội hè, đình đám, những sinh hoạt trong cộng đồng, chia sẻ buồn vui. Và trong mỗi dịp như vậy không thể thiếu rượu. Thế nhưng, việc uống rượu ngày nay không còn mang ý nghĩa truyền thống nữa mà đã trở thành một tệ nạn đáng báo động. Phóng viên Báo Hànộimới có cuộc trò chuyện với PGS - TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Điều tra dư luận xã hội (Viện Xã hội học) về vấn đề trên.

- Ở Việt Nam đang tồn tại một thứ “văn hóa” uống bia, rượu. Tình trạng này diễn ra triền miên, từ nông thôn đến thành phố, thậm chí là ở các cơ quan Nhà nước khi chưa hết giờ làm việc đã thấy nhiều người rủ nhau đi nhậu. Ông đánh giá thế nào về vấn đề này?

- Đúng là hiện nay việc uống rượu, bia đang tràn lan ở tất cả các vùng miền, từ nông thôn đến thành thị; từ công chức, viên chức đến người lao động giản đơn. Có lẽ chỉ trừ khu vực lao động công nghiệp, nơi đòi hỏi sự nghiêm cẩn về mặt giờ giấc và độ chính xác của các thao tác sản xuất thì ở đó người ta mới ít uống rượu, bia. Thậm chí, cuộc sống càng khó khăn, kinh tế càng khó khăn, người ta càng uống. Điều này rất đáng phê phán. Tác hại của việc uống triền miên lớn hơn nhiều so với những lợi ích nó mang lại.

Lạm dụng bia, rượu là nguyên nhân dẫn đến “vòng đời ngắn lại”. Ảnh: Nguyễn Thạnh



- Một trong những đặc điểm của “văn hóa” nhậu là đã ngồi vào bàn là phải uống, phải hết mình, ai không theo được thì bị coi là không nhiệt tình, thậm chí không phải đàn ông. Quan niệm của ông thế nào?

- Đặc điểm này gây ra rất nhiều phiền toái. Trên thực tế, ngay cả những người không coi việc uống bia, rượu là tuyệt vời, là đàn ông thì vẫn cả nể. Đã ngồi vào bàn nhậu thì thường là bị ép, chỉ trừ những người nào bị bệnh tật ở mức độ nặng nhất kiên quyết tẩy trừ thì mới không uống nhiều. Tôi biết có người bị tiểu đường nặng nhưng tiêm thuốc vào để uống, uống xong rồi xử lý sau. Như vậy tức là chuyện nể nhau, uống để thể hiện hào khí, khẳng định năng lực đàn ông. Dường như là đàn ông thì không thoát được chuyện uống.

- Theo kết quả của Tổ chức nghiên cứu thị trường Eurowatch, năm 2012, Việt Nam đã tiêu thụ 3 tỷ lít bia. Bình quân, mỗi người Việt tiêu thụ 32 lít/năm, là “quán quân uống bia” ở khu vực ASEAN và thứ ba Châu Á, chỉ sau Trung Quốc và Nhật Bản. Nguyên nhân của tình trạng sử dụng nhiều rượu, bia như vậy là gì?

- Đó là do sự xuống cấp về văn hóa giao tiếp, văn hóa ẩm thực. Người ta uống đa số vì nể nang nhau, vì tự phụ, nghĩ rằng mình đủ tỉnh táo, đủ vững mạnh để vượt qua được. Say rượu, say bia là chuyện tầm thường. Uống vì nhau, uống để thể hiện hào khí, không uống thì đúng là hình như không đàn ông lắm chăng? Tại các công sở, những thanh niên đến cơ quan ăn cơm bếp tập thể, uống nước lọc bị coi là không văn minh, không chịu chơi.

- Chúng ta kêu gọi tiết kiệm lên án tai nạn giao thông do uống rượu, bia không làm chủ tốc độ nhưng tỉnh nào cũng có nhà máy bia. Điều này có phải là nghịch lý?

- Công thức phát triển của các địa phương chúng ta một thời là mỗi tỉnh phải có một nhà máy thuốc lá, một nhà máy đường, một nhà máy bia, như thế mới là “bộ ba tăng trưởng”. Người ta đẩy tới việc tiêu thụ quá nhiều đồ uống có cồn rõ ràng là nghịch lý với câu chuyện tiết kiệm. Nhưng dường như chúng ta chỉ đặt vấn đề chống uống rượu, bia ở khu vực công sở, hàm nghĩa để làm việc chứ chưa gắn với việc tiết kiệm vì dường như trong việc ăn uống, chúng ta vẫn kiêng dè. Người ta coi việc ăn uống là sự thỏa mãn nhu cầu cá nhân nên mọi người chưa đụng chạm đến việc ăn uống lãng phí.

- Hệ lụy của việc lạm dụng bia, rượu quá đà, tùy tiện như hiện nay là gì?

- Hậu quả lớn nhất là tai nạn giao thông. Bên cạnh đó, nó dẫn đến một điều đáng buồn nữa là các cơ quan khi lựa chọn cán bộ để làm hành chính, hầu như đều lựa đàn ông để uống rượu và nếu lựa chọn phụ nữ thì chắc chắn người ấy phải uống được rượu. Nếu không biết uống thì sẽ rất phiền, tiếp khách kém, không nhiệt tình. Và điều quan trọng là phải tham gia vào những cuộc nhậu thì mới ra vấn đề, mới làm được việc.

- Làm thế nào để hạn chế được chuyện này, thưa ông?

- Tôi nhớ từ thời Bộ trưởng Bộ Công an là đồng chí Phạm Hùng đã đưa khẩu hiệu: “Cấm uống rượu. Uống rượu là có hại”. Nhưng mọi người phản ứng, uống rượu thuốc, uống có mức độ thì có lợi chứ sao lại có hại. Tức là người ta luôn luôn tìm cách để bẻ và cuộc vận động tẩy trừ rượu, bia trong lực lượng công an đã thất bại. Hiện nay, mặc dù đã có 19 điều đảng viên không được làm, trong đó có “Uống rượu bia đến mức bê tha” nhưng vẫn chưa có một công cuộc vận động phòng, chống rượu, bia với tư cách bảo vệ sức khỏe nòi giống, lành mạnh không khí xã hội, để tiết kiệm trong thời kỳ kinh tế khó khăn. Chính vì vậy, tôi nghĩ cần thiết phải có cuộc vận động từ trong Đảng ra ngoài, đặc biệt là khu vực cơ quan công quyền, Nhà nước phải làm gương. Một vấn đề khác là hiện giờ việc kinh doanh rượu rất thoải mái, ai cũng bán được, ai cũng mua được. Có lẽ đã đến lúc rượu, bia phải trở thành một thứ hàng hóa kinh doanh có điều kiện.

- Xin chân thành cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tệ nạn đáng báo động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.