(HNM) - Bình ổn thị trường thuốc không phải vấn đề mới nhưng những động thái gần đây của Bộ Y tế, mới nhất là việc Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu có công văn gửi các cơ sở khám, chữa bệnh yêu cầu triển khai đấu thầu mua thuốc, đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp thông tin về giá bán buôn, giá nhập khẩu… đã cho thấy phần nào nỗ lực của ngành chức năng trước vấn nạn gây không ít bức xúc này. Cũng phải thấy rằng bình ổn giá thuốc không đơn giản nếu chỉ dựa vào các giải pháp hành chính.
Đấu thầu tập trung có thể hạn chế nạn thuốc chạy lòng vòng, qua mỗi lần mua giá lại bị đẩy lên cao hơn do lợi nhuận.
Khi vào đến bệnh viện, cộng với các chi phí trung gian khác, giá thuốc đội lên ngất ngưởng. Thêm nữa, một khi đấu thầu tập trung, các bệnh viện sẽ thống nhất về giá, tránh được tình trạng cùng một loại thuốc nhưng mỗi nơi mỗi giá như hiện nay. Việc yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp thông tin về giá nhập khẩu, giá bán buôn cũng góp phần hạn chế việc nhiều doanh nghiệp "tâng" cao giá thuốc.
Tuy nhiên nếu không lật tẩy được những liên minh ngầm bấy lâu lũng loạn thị trường thuốc thì việc bình ổn giá trên thực tế vẫn là một vấn đề nan giải.
Trước hết là liên minh ngầm giữa trình dược viên của các nhà phân phối, kinh doanh thuốc với bác sỹ, dược sỹ, quản lý… một số bệnh viện đã tìm cách kiềm chế liên minh này bằng cách cấm bác sỹ tiếp xúc với các trình dược viên. Thế nhưng giải pháp này chỉ có thể thực hiện trong khuôn khổ bệnh viện không thể ngăn nổi họ tiếp xúc với nhau tại nhà.
Phức tạp hơn, theo một số nhà quản lý, không ít công ty nước ngoài đã quyết định giá hoặc thỏa thuận với các nhà kinh doanh, phân phối thuốc của Việt Nam ấn định giá bán buôn và giá lẻ trước khi ra thị trường. Có trường hợp giá thuốc được nâng cao hơn giá gốc từ 200 đến 300%.
Rõ ràng nhà kinh doanh đã bất chấp quyền lợi của bệnh nhân và các nhà quản lý dược đã biết khá rõ mánh lới của giới kinh doanh nhưng lật tẩy những liên minh kiểu này vô cùng khó. Thêm nữa, với những quy định của pháp luật hiện nay, việc xử lý những liên minh ấy không dễ. Như vậy có thể thấy những giải pháp của Bộ Y tế đưa ra đã thể hiện quyết tâm của các nhà quản lý với vấn nạn gây nhiều bức xúc xã hội này. Tuy nhiên nếu không có giải pháp triệt để và sự quyết tâm chặt đứt những liên minh "làm giá" thì bình ổn thị trường thuốc vẫn là câu chuyện dài dài.
Bình ổn giá thuốc không chỉ đòi hỏi các giải pháp quyết liệt trong quản lý nguồn cung, quản lý thị trường, các giải pháp đẩy mạnh sản xuất thuốc mà còn rất cần những giải pháp để nâng cao đạo đức nghề y, đạo đức kinh doanh… và đây cũng là vấn đề cực kỳ quan trọng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.