Sau một thời gian thâm nhập các cửa hàng bán dừa ở Hà Nội, PV phát hiện nhiều chủ cửa hàng ngâm dừa trong thùng hóa chất cực độc để tẩy trắng cho “bắt mắt” và “tươi lâu”...
Tại một điểm bán dừa trên đường Nguyễn Phong Sắc (Q.Cầu Giấy, Hà Nội), PV bắt gặp cảnh một phụ nữ cho dừa vào ngâm trong thùng đựng nước có màu đục, ít phút sau mới vớt ra. Điều lạ là người này luôn tránh không để thứ nước đó dính vào người bằng cách đeo găng tay bảo hộ và dùng gáo có cán dài để vớt dừa.
“Tắm trắng” để tươi lâu
Khi PV hỏi tại sao phải ngâm dừa gọt vỏ vào xô nước đó, chị này trả lời: “Ngâm rửa cho sạch, nếu không vỏ sẽ bị đen. Dừa này rửa sạch để cung cấp cho các nhà hàng. Còn khách uống liền như các anh thì không nên uống loại này, mà gọt dừa tươi kia”. Hỏi nước rửa dừa là nước gì thì người này từ chối trả lời.
Các chủ cơ sở bán dừa trên đường Nguyễn Phong Sắc (Q.Cầu Giấy, Hà Nội) ngâm dừa vào thùng nước lạ để giữ màu trắng |
Đặc biệt, trên tuyến đường này, nhiều cửa hàng cũng “tắm trắng” dừa bằng thứ nước lạ như vậy. Có cửa hàng, trong vòng chưa đến một tiếng đồng hồ, cả trăm quả dừa được gọt vỏ sạch sẽ, “tắm táp” chờ phân phối cho các cơ sở bán lẻ, hoặc làm thạch dừa xiêm. Hóa chất được pha chế ở nơi kín đáo, sau đó mới mang tới gọt dừa ngâm tẩm để tránh sự tò mò của khách hàng.
Tiếp tục khảo sát tại một cửa hàng ở chợ Nghĩa Tân (P.Nghĩa Tân, Q.Cầu Giấy), PV cũng bắt gặp cảnh “tắm trắng” dừa tương tự. “Không ngâm thì dừa sẽ bị đen, không để được lâu ngày, khách hàng sẽ chê”, chủ cửa hàng giải thích khi nghe khách thắc mắc sao lại phải ngâm dừa vào thứ nước lạ này.
Trong vai một người nhập dừa về bán lẻ ở chân cầu Thăng Long (H.Đông Anh, Hà Nội), PV được bà N., chủ một cửa hành kinh doanh dừa, tiết lộ chất để “tắm trắng” là bột màu trắng, rất mịn, chỉ cần pha một lượng rất ít vào nước là có thể ngâm hàng trăm quả dừa. “Phải dùng găng tay, hoặc các dụng cụ khác để vớt dừa từ thùng hóa chất, không trực tiếp chạm tay. Nếu để tiếp xúc, bàn tay sẽ bị bong tróc da”, bà N. hướng dẫn.
Dừa trắng nõn sau khi ngâm tẩm hóa chất |
Chất cực độc
Qua thời gian dài nhập vai mua hàng, chúng tôi ngỏ ý muốn xin một ít chất bột về để tự pha chế và ngâm dừa, giữ màu khi cần thiết. Sau một thoáng đắn đo, bà N. cũng đồng ý và lôi từ góc nhà ra một bao tải màu xanh, bên ngoài ghi “Acid Oxalic”, xuất xứ từ Trung Quốc.
Người phụ nữ này nhanh chóng mở bao tải, lấy cho chúng tôi một túi ni lông bột và dặn: “Số bột này về pha dùng được nhiều lần. Khi pha cứ cho một chút bột thôi, không cần quá nhiều, ngâm dừa sẽ trắng ngay”. Theo quan sát của chúng tôi, loại bột mà bà N. cho, có màu trắng, mịn và không có mùi. Chính vì lý do không màu không mùi mà khi dừa được ngâm tẩm, người mua không thể phân biệt và phát hiện được.
Giúp chúng tôi phân tích chất bột này, một cán bộ Viện Hóa học thuộc Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ VN, cho biết đây là axit oxalic, loại chất tẩy trắng cực mạnh dùng trong công nghiệp, có công thức H2C2O4. Còn theo PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội), nếu dùng chất axit oxalic tẩy rửa với liều lượng cao sẽ rất nguy hiểm, nhất là khi hóa chất ngấm vào nước, cùi dừa. Cụ thể, axit oxalic khi đi vào cơ thể là nguy cơ gây nên bệnh sỏi thận.
“Nó có thể tồn dư kết tủa tạo thành can xi oxalate, gây tắc nghẽn đường niệu. Nếu với liều lượng cao, chất axit oxalic có thể gây ngộ độc cấp tính, dẫn đến tử vong”, PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh nói và khuyến cáo người dân nên chọn những loại dừa tươi chưa gọt vỏ, tránh những quả dừa đã gọt nhưng có màu trắng tinh, dễ bị ngâm hóa chất.
Sau khi PV phản ánh tình trạng các cơ sở bán dừa dùng hóa chất để tẩy trắng, ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, khẳng định axit oxalic công nghiệp là hóa chất tẩy trắng cực mạnh, nằm ngoài danh mục được phép dùng trong thực phẩm. Người sản xuất, kinh doanh thực phẩm không được sử dụng axit oxalic trong quá trình sản xuất, chế biến. Ông Tụ cũng đề nghị PV cung cấp địa chỉ các cơ sở bán dừa sử dụng hóa chất tẩy trắng để đoàn kiểm tra liên ngành của chi cục vào cuộc kiểm tra, xử lý.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.