(HNM) - Tin từ Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) cho biết, từ năm 1999 đến 2009, các nhà khoa học của Viện Công nghệ sinh học (thuộc VAST) đã nghiên cứu một số công nghệ nhằm tẩy độc đất nhiễm nặng chất diệt cỏ/dioxin bằng phân hủy sinh học tại Đà Nẵng.
Kết quả cho thấy, ở phòng thí nghiệm đến dự án thử nghiệm hiện trường với quy mô 0,5-100m3, hiệu quả khử độc bằng phân hủy sinh học đạt từ 40-100 pgTEQ/ngày... Tiếp tục thành công này, tháng 5-2009, chuyên gia của Viện Công nghệ sinh học đã triển khai dự án (quy mô nhỏ) hợp tác với Cục Bảo vệ môi trường Hoa Kỳ nhằm tìm ra phương pháp tẩy độc tối ưu cho các điểm nóng về ô nhiễm dioxin ở miền Trung và miền Nam Việt Nam. Sau khi kết thúc dự án, chuyên gia Việt Nam - Hoa Kỳ thống nhất rằng: phương pháp phân hủy sinh học là một "công nghệ xanh" vì có nhu cầu năng lượng rất thấp, tạo ít khí và là một giải pháp tốt nhất cho đất bị ô nhiễm nặng chất độc, sau khi xử lý có thể lập tức tái sử dụng, mang lại lợi ích cho cộng đồng. Phương pháp này cho phép thiết kế các công thức xử lý sinh học phù hợp để giải quyết vấn đề dioxin cũng như ô nhiễm các chất hữu cơ bền vững khác tại Việt Nam và các nơi khác...
Đây được xem như một dấu ấn trong sự hợp tác nghiên cứu giữa các nhà khoa học Việt Nam và Hoa Kỳ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.