Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tây Ban Nha giải tán Quốc hội: Khó xoay chuyển tình thế

Quỳnh Chi| 30/09/2011 07:00

(HNM) - Ngày 26-9, Thủ tướng Tây Ban Nha Jose Luis Rodrigues Zapatero tuyên bố giải tán Quốc hội và kêu gọi bầu cử vào ngày 20-11 tới, sớm hơn 4 tháng so với kế hoạch.

Nhà lãnh đạo 51 tuổi cho biết, động thái này nhằm mở đường cho Chính phủ mới có thể hoàn thành việc chuyển giao quyền lực trước ngày 1-1-2012 và chịu trách nhiệm đầy đủ cho năm tài chính 2012. Thế nhưng, trên thực tế, đây là một bước đi giúp cho uy tín của đảng Công nhân xã hội (PSOE) cầm quyền tránh lâm vào tình trạng suy giảm sâu hơn nếu bầu cử diễn ra đúng thời hạn.

Thủ tướng Tây Ban Nha Jose Luis Rodrigues Zapatero. Ảnh: Internet

Tuy nhiên, giới bình luận quốc tế cho rằng, quyết định của Thủ tướng J.Zapatero không giúp gì nhiều cho PSOE trên đường đua sớm. Dù ông J.Zapatero khẳng định sẽ không tiếp tục tranh cử nhiệm kỳ thứ 3, song cơ hội giành chiến thắng cũng khó có thể đến được với người đại diện kế tiếp của đảng này - ông Alfredo Pérez Rubalcaba.

Nguyên nhân là do, kể từ năm 2010, PSOE liên tục thảm bại trong cuộc bầu cử cơ quan lập pháp địa phương. Tương tự những gì đã xảy ra trong các cuộc bầu cử địa phương ở Pháp, Đức thời gian qua, sự thất bại của đảng cầm quyền Tây Ban Nha cho thấy đa số cử tri đã quá mệt mỏi với cơn "trọng bệnh" đang khiến các nền kinh tế ở khu vực vốn được coi là phồn thịnh của thế giới trở nên rệu rã.

Dù rằng Thủ tướng Tây Ban Nha J.Zapatero khẳng định nước này có kế hoạch bảo đảm để không phải cứu trợ từ bên ngoài và tỉ lệ nợ của Tây Ban Nha hiện nay - vào khoảng 65% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) - vẫn thấp hơn mức trung bình của Liên minh châu Âu (85%), nhưng các nhà phân tích cho rằng, "vòng xoáy khắc nghiệt" sẽ thắt vào Tây Ban Nha trong năm sau và xứ sở Bò tót khó có thể tự "cầm cự" đến hết năm 2012.

Do vậy, cuộc bầu cử vào tháng 11 tới được xem như một bước chuyển giao quyền lực sớm cho đảng Nhân dân (PP) - lực lượng đang nắm chắc phần thắng lợi và sẽ kế nhiệm PSOE sau 8 năm đảm nhận vai trò chủ đạo trên sân khấu chính trị ở xứ sở bò tót. Hiện tại, những động thái từ Mariano Rajoy - người đại diện cho PP ra tranh cử cũng cho thấy ông đã sẵn sàng tiếp quản chiếc ghế "nóng" của Thủ tướng J.Zapatero. Điều mà người dân Tây Ban Nha nóng lòng muốn biết nhất là chính trị gia 56 tuổi này sẽ triển khai "các biện pháp khắc khổ không gây đau đớn" như thế nào. Vì đây là một trong những cam kết ghi điểm nhất của ứng cử viên đảng PP so với các đối thủ khác. Thế nhưng, trong bối cảnh nợ công và thâm hụt ngân sách liên tục phi mã như hiện nay, lựa chọn cho cựu Bộ trưởng An ninh Tây Ban Nha không nhiều. Một số nhà phân tích lo ngại, ông Mariano Rajoy sẽ rơi vào thế "tiến thoái lưỡng nan" khi áp dụng những chính sách nhẹ tay để thu hút sự ủng hộ trong nước, song lại "khó ăn, khó nói" với các thành viên Eurozone nếu biện pháp ôn hòa không mang lại hiệu quả đối với căn bệnh nợ công đang lăm le đẩy nước này nối gót Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tây Ban Nha giải tán Quốc hội: Khó xoay chuyển tình thế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.