Theo dõi Báo Hànộimới trên

Taxi mong được coi là phương tiện công cộng

Lê Minh| 23/05/2012 10:44

Sau thời gian dài “im hơi lặng tiếng”, Hiệp hội taxi Hà Nội vừa chính thức có văn bản kiến nghị tới UBND TP Hà Nội và Sở GTVT xung quanh dự thảo “Đề án quản lý hoạt động vận tải hành khách bằng taxi trên địa bàn thành phố Hà Nội”.

Hiệp hội taxi Hà Nội cho rằng phân vùng hoạt động và thống nhất màu sơn là không khả thi. Ảnh: Nam Sương


Sau thời gian dài “im hơi lặng tiếng”, Hiệp hội taxi Hà Nội vừa chính thức có văn bản kiến nghị tới UBND TP Hà Nội và Sở GTVT xung quanh dự thảo “Đề án quản lý hoạt động vận tải hành khách bằng taxi trên địa bàn thành phố Hà Nội”.

“Không nên”, “không khả thi” và “vi phạm”

Đây là những cụm từ được Hiệp hội taxi Hà Nội dùng trong hầu hết các kiến nghị liên quan đến các nội dung chính mà dự thảo đề án nêu ra. Cụ thể, Hiệp hội cho rằng không nên phân vùng hoạt động taxi do đặc thù taxi là loại hình vận tải hành khách công cộng có lịch trình và hành trình theo yêu cầu của hành khách. Việc phân vùng hoạt động theo vành đai 3 gây sự mất bình đẳng trong kinh doanh, tạo cơ chế độc quyền cho một số đơn vị và gây khó khăn cho đơn vị khác (vi phạm Luật Doanh nghiệp và Luật Cạnh tranh). Không nên thống nhất màu sơn cho toàn bộ taxi của các hãng khi các đơn vị cạnh tranh bằng thương hiệu của từng doanh nghiệp qua: biểu trưng (logo), số điện thoại. Hơn thế, nếu chung màu sơn khách hành sẽ gặp khó khăn trong việc nhớ tên hãng trong trường hợp có phát sinh khiếu nại.

Theo Hiệp hội taxi Hà Nội, việc quy định đồng hồ tự in hóa đơn là không khả thi và khó thực hiện vì hầu hết khách hàng đều không có nhu cầu lấy hóa đơn khi đi một quãng đường ngắn mà hóa đơn lại in quá nhiều chi tiết như mã số, mã vạch đồng hồ, số tiền phụ thu, phí phát triển. Thực tế trước đây đã có một số hãng taxi sử dụng loại đồng hồ có đơn in giá cước nhưng sau đó phải bỏ vì khách hàng đi đoạn đường ngắn thì không lấy, đi đường dài thì lại cần hóa đơn VAT để thanh toán. Hiệp hội cũng cho rằng, quy định yêu cầu các doanh nghiệp taxi có xe cho người khuyết tật là không khả thi do đa số các hãng taxi là công ty cổ phần, phương tiện taxi đa số là phương tiện nhỏ, mức đầu tư không lớn (khoảng 500 triệu đồng).

Việc quy định dùng nhiên liệu sạch như LPG, Hiệp hội taxi cho rằng đây là mong muốn của các hãng nhưng hiện trong nước chưa lắp ráp chủng loại xe có thể sử dụng nhiên liệu trên. Ngoài ra, hầu hết các trạm xăng hiện nay không có trạm nạp nhiên liệu này cho taxi. Cũng theo Hiệp hội taxi, việc tạm dừng thành lập mới các đơn vị taxi trong giai đoạn hiện nay là một chủ trương đúng, tuy nhiên điều này có thể vi phạm Luật Doanh nghiệp.

Nên coi taxi là phương tiện công cộng

Ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội cho rằng, với 114 doanh nghiệp taxi (khoảng 17.000 xe), taxi Hà Nội đã vận chuyển được khoảng 100 triệu lượt hành khách công cộng, đóng góp cho thành phố hàng trăm tỷ đồng tiền thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT, giải quyết công ăn việc làm cho hơn 30 nghìn lao động… trong khi các doanh nghiệp taxi không được hưởng bất kỳ một ưu đãi nào từ chính sách ưu đãi đầu tư trong nước. Ngược lại xe buýt tại Hà Nội năm 2011 đã được trợ giá 1.084 tỷ đồng.

Ông Bình phân tích, nếu chỉ dùng xe cá nhân để chuyên chở 100 triệu lượt khách/năm thay thế cho taxi thì số xe ô tô ở Hà Nội phải tăng thêm 150.000 xe, tương ứng tăng thêm 30% số xe ô tô cá nhân và đồng nghĩa với việc tăng khả năng ùn tắc giao thông, tăng ô nhiễm môi trường, quá tải điểm đỗ… Ông Bình cũng chỉ ra rằng từ năm 2006 đến nay, mỗi năm ô tô cá nhân tại Hà Nội tăng thêm 40.000 xe, xe máy tăng thêm 150.000 xe, trong khi đó tổng lượng taxi suốt 17 năm qua “chỉ bằng số lượng ô tô cá nhân đăng ký trong 4 đến 5 tháng”, ông Bình nêu.

Từ phân tích trên, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội nhấn mạnh: “Chính sự phát triển ồ ạt của xe ô tô cá nhân và xe gắn máy không có định hướng kiểm soát là nguyên nhân chính gây nên tình trạng ùn tắc giao thông tại Hà Nội. Không nên coi taxi là thủ phạm chính, định kiến chưa có cơ sở khoa học này sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp taxi”. Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội cũng kiến nghị, taxi là phương tiện chở khách, đóng thuế thường xuyên cho ngân sách thành phố, tạo công ăn việc làm cho người lao động nên không thể so sánh với xe cá nhân. Vì vậy taxi phải được coi là phương tiện công cộng, không phải phương tiện cá nhân.

Không phân vùng hoạt động và quy định màu sơn

Tại buổi làm việc của lãnh đạo UBND TP Hà Nội cùng các sở ban ngành về đề án trên, lãnh đạo thành phố cho rằng cần xây dựng một đề án quản lý taxi. Tuy nhiên, việc quản lý phương tiện theo phân vùng hoạt động và quy định màu sơn xe như dự thảo đề án là không khả thi. Đối với việc cấp phép kinh doanh, lãnh đạo thành phố yêu cầu phải thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Taxi mong được coi là phương tiện công cộng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.