Cục Quản lý Lao động ngoài nước vừa thông báo về việc thay đổi địa điểm cập cảng của chiếc tàu chở hơn 1.100 lao động Việt Nam tại Libya về nước.
Tàu chở hơn 1.000 lao động Libya về nước sẽ cập cảng Cái Lân (Quảng Ninh) vào ngày 4/4. (Ảnh chỉ có tính minh họa. Nguồn: internet) |
Cục Quản lý Lao động ngoài nước vừa thông báo về việc thay đổi địa điểm cập cảng của chiếc tàu chở hơn 1.100 lao động Việt Nam tại Libya về nước.
Thay vì cập cảng Hải Phòng, chiếc tàu chở hơn 1.100 lao động Việt Nam về từ Libya dự kiến sẽ cập cảng Cái Lân, Quảng Ninh vào khoảng rạng sáng ngày 4/4.
Như chúng tôi đã đưa tin, tàu Hamanasu (của hãng Koyo - Nhật Bản, do một nhà thầu Brazil thuê chở các lao động Việt Nam tại Libya về nước) xuất phát sáng 3/3 từ cảng Benghazi ở Libya.
Trước đó, tàu này dự kiến sẽ về đến Hải Phòng ngày 21/3, nhưng dời lại ngày 24/3 và dự kiến cập cảng Hải Phòng vào trưa 27/3.
Lý giải cho việc tàu về trễ, Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, tàu về trễ là do thay đổi hành trình, trên đường phải ghé qua nhiều cảng khác nhau để nạp nhiên liệu và lấy thực phẩm cung cấp cho người lao động.
Được biết, hai doanh nghiệp đưa người đi xuất khẩu lao động là Công ty Vinaconexmec và VTC corp đã bố trí 30 ôtô chờ sẵn để chở lao động về địa phương.
Ông Nguyễn Vạn Xuân, Giám đốc công ty VTC Corp cho biết: “Chúng tôi đã thuê 8 xe 50 chỗ để sẳn sàng đưa lao động của công ty về địa phương. Trong số lao động của chúng tôi chủ yếu là lao động ở hai tỉnh miền trung Nghệ An và Hà Tỉnh và một số lao động ở các tỉnh miền Bắc.”
Về sức khỏe của người lao động, ông Xuân cho hay: “Đây là tàu du lịch 5 sao và chi phí thuê tàu đã bao gồm tiền ăn của người lao động với mức 30-50 USD/ngày. Tất cả lao động đều được đảm bảo an toàn về sức khỏe khi về nước.”
Theo chỉ đạo của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, chậm nhất sau 2 tuần các doanh nghiệp sẽ tiến hành thanh lý hợp đồng cho người lao động. Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, phương án thanh lý hợp đồng vẫn chưa “chốt” được. Trong khi đó đã có rất nhiều lao động sau khi phải rời Libya về nước sớm trước hạn đã tập trung đến trụ sở của các doanh nghiệp đề nghị được thanh lý hợp đồng.
Như vây, chiến dịch giải cứu hơn 10.300 lao động Việt Nam thoát khỏi vùng chiến sự Libya đã cơ bản hoàn tất. Chiến dịch được bắt đầu từ ngày 24/2 đến nay. Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo giải quyết tình hình công dân Việt Nam tại Trung Đông và Bắc Phi, cử 5 đoàn công tác tới các quốc gia láng giềng của Libya, đồng thời kêu gọi các tổ chức quốc tế hỗ trợ đưa lao động hồi hương.
Đây là chiến dịch giải cứu lao động làm việc tại nước ngoài quy mô lớn thứ hai từ trước đến nay./.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.