Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tất cả vì tình yêu Hà Nội

Trọng Quang - Tuấn Lương| 23/09/2010 06:35

(HNM) - Để kịp chào mừng thời khắc trọng đại của đất nước và Thủ đô Hà Nội, thời gian qua, các sở, ngành, ban QLDA, chủ đầu tư và các nhà thầu đã nỗ lực tập trung mọi nguồn lực cho các công trình trọng điểm. Tất cả vì một mục đích chung: Để Hà Nội ngày một đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.


Những công trình của các kỷ lục


Công viên Hòa Bình. Ảnh: Đàm Duy

Ngày 22-9, đoàn phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí của trung ương và Hà Nội do Ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức đã đi thăm một loạt công trình trọng điểm của TP đang được gấp rút hoàn thành chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Đó là các công trình: Dự án xây dựng cầu Vĩnh Tuy, Bảo tàng Hà Nội, Công viên Hòa Bình, Tượng đài Thánh Gióng và Đại lộ Thăng Long.

Điểm dừng chân đầu tiên của đoàn là cầu Vĩnh Tuy, cây cầu dài nhất và hiện đại nhất bắc qua sông Hồng. Ông Đặng Vũ Nhật Thăng, Giám đốc Ban QLDA Hạ tầng Tả ngạn (đại diện đơn vị chủ đầu tư) cho biết: Cầu Vĩnh Tuy dài khoảng 5,8km, trong đó cầu vượt sông Hồng dài 3,7km; cầu vượt quốc lộ 5 dài 364m, được thiết kế giao cắt khác mức; tuyến chính hai đầu cầu dài 1.688m. Ngoài ra còn có các tuyến nhánh để kết nối với hệ thống giao thông trong khu vực. Kể từ khi thông xe một phần dự án (ngày 25-9-2009) đến nay, trung bình mỗi ngày, cầu Vĩnh Tuy đón khoảng 34.000 lượt xe qua lại, góp phần giảm tải đáng kể cho cầu Chương Dương và cho giao thông Thủ đô. Quan trọng hơn, đây là công trình giao thông quy mô lớn đầu tiên do Hà Nội tự thực hiện và quản lý thi công.

Công viên Hòa Bình do Sở Xây dựng làm chủ đầu tư với mục tiêu xây dựng một khu công viên văn hóa, tượng đài hoàn chỉnh, đồng bộ về cảnh quan môi trường và hạ tầng. Toàn bộ dự án này được xây dựng trên khu đất rộng hơn 19,87ha, trong đó, tượng đài Hòa Bình bằng đồng cao 7,2m đặt trên đế cao 22,8m là hạt nhân chính của công viên nhằm tôn vinh giá trị hòa bình là biểu tượng của Thủ đô Hà Nội. Tham gia xây dựng dự án này là các nhà thầu có uy tín như Tổng Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị UDIC, Liên danh Công ty CP Lilama 69-1, Công ty CP Đầu tư xây dựng và kỹ thuật Vinaconex E&C, Công ty TNHH nhà nước một thành viên Chiếu sáng và Thiết bị đô thị Hapulico… Đến nay, sau 19 tháng thi công, công trình đã cơ bản hoàn thành kịp chào mừng Đại lễ.

Bảo tàng Hà Nội nằm trên đường Phạm Hùng cũng do Sở Xây dựng làm chủ đầu tư. Công trình có tổng vốn đầu tư trên 2.000 tỷ đồng với 4 tầng nổi và 2 tầng hầm, trên diện tích 53.963m2. Bảo tàng có kết cấu hình kim tự tháp ngược, trong đó tầng 4 có diện tích lớn nhất. Tổng Công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam - Vinaconex là nhà đầu tư BT (xây dựng - chuyển giao).

Tượng đài Thánh Gióng (một trong Tứ bất tử theo tín ngưỡng của người Việt) được dựng trên núi Sóc thuộc thôn Vệ Linh, xã Phù Ninh, huyện Sóc Sơn, có chiều cao 11,7m (riêng phần bệ cao 3,2m), nặng 87,3 tấn. Chất liệu là đồng hợp kim, được đúc từ hơn 16 tấn đồng theo mẫu của nhà điêu khắc Nguyễn Kim Xuân. Công trình được xây dựng theo hình thức xã hội hóa, chủ đầu tư là Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Dự kiến Tượng đài Thánh Gióng sẽ được khánh thành vào ngày 5-10-2010.

Dự án "Mở rộng và hoàn thiện đường Láng - Hòa Lạc (còn gọi là Đại lộ Thăng Long) do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư có tổng mức đầu tư 7.527 tỷ đồng được khởi công xây dựng ngày 20-3-2005 đến nay đã cơ bản hoàn thành; tổng thầu xây lắp là Tổng Công ty Vinaconex. Đại lộ Thăng Long có chiều rộng 140m, gồm 4 luồng đường: phần đường cao tốc có 2 dải đường riêng biệt theo 2 chiều đi - về. Mặt cắt ngang nền đường là 16,25m/mỗi dải; phần đường gom 2 bên có mỗi bên (gồm 1 dải cây xanh, đường xe chạy, vỉa hè) rộng 17m.

Tất cả vì Thủ đô tròn nghìn năm tuổi


Một phần công trình cầu Vĩnh Tuy.    Ảnh: Quang Anh


Cả 5 công trình trọng điểm nói trên đều có khối lượng công việc khổng lồ. Mặc dù trên công trường vẫn còn khá ngổn ngang, nhưng theo kế hoạch, các công trình sẽ đều được khánh thành đúng dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Theo ông Nguyễn Anh Dũng, Giám đốc Ban QLDA công trình 1000 năm Thăng Long tại Công viên Hòa Bình, các nhà thầu đang khẩn trương hoàn thiện những hạng mục cuối cùng của công viên lớn và hiện đại nhất miền Bắc này.

Về sự thay da đổi thịt nhanh chóng của Đại lộ Thăng Long, ông Đặng Thanh Hà, Phó Giám đốc Ban QLDA Vinaconex cho biết: "Khối lượng công việc quá lớn. Có những lúc nhà thầu đã phải tập trung máy móc, thiết bị và huy động tới cả ngàn người để thi công dọn dẹp, làm đẹp con đường hiện đại nhất này của Việt Nam. Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong công tác GPMB, nhưng cho tới nay công việc đã hoàn tất được 96% và điều quan trọng nhất là đã kết nối được với đường 21A. Chúng tôi đã và đang làm tất cả vì tình yêu với Hà Nội...", ông Đặng Thanh Hà khẳng định.

Còn Trưởng ban Ban Tuyên giáo Thành ủy, Trưởng Tiểu ban tuyên truyền giáo dục và quảng bá về Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội Hồ Quang Lợi đã rất tin tưởng vào tiến độ và chất lượng của các công trình dự án trên. Theo ông, Hà Nội đã sẵn sàng chào đón ngày Đại lễ với sự chuẩn bị tốt nhất, chu đáo nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tất cả vì tình yêu Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.