(HNM) - Một vòng quay 365 ngày với các bác sĩ, nhân viên y tế là nhiều bữa cơm ăn vội, những đêm trực thức trắng, những ngày lễ, ngày Tết có khi không được quây quần bên gia đình… Từ những câu chuyện "chép" ở bệnh viện đến những chuyển động của ngành Y tế Thủ đô đều cho thấy một mục tiêu thiêng liêng, ấm áp: Tất cả vì người bệnh!
1. Một ngày cuối năm, chúng tôi tình cờ gặp anh Ngô Văn Đức (43 tuổi, ở phường Thượng Thanh, quận Long Biên) - một trong những bệnh nhân đầu tiên được phẫu thuật chỉnh gù vẹo cột sống bằng rô bốt tại Khoa Chấn thương chỉnh hình (Bệnh viện Đa khoa Đức Giang). Nhìn dáng đi nhanh nhẹn, chắc không ai nghĩ rằng cách đây hơn 5 tháng, anh còn bị gù, cột sống cong gần 90 độ, việc đi lại vô cùng khó khăn.
Anh Ngô Văn Đức kể, hơn 2 năm trước, anh phải điều trị lao cột sống. Căn bệnh khiến xương ăn mòn, các đốt sống dính vào nhau, biến dạng. Những tưởng cả quãng đời còn lại, anh phải chịu cảnh lưng còng với những cơn đau hành hạ mỗi khi “trái gió, trở trời”. Thế nhưng, may mắn mỉm cười với anh khi cuối tháng 7-2019, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang đưa vào sử dụng rô bốt trong phẫu thuật chỉnh gù vẹo cột sống. Sau phẫu thuật, anh đã đi lại bình thường, lưng thẳng. Cũng trong thời điểm chán nản, bi quan nhất, anh Đức may mắn gặp được bác sĩ Trần Trung Kiên, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình, người đã chia sẻ, động viên, tiếp thêm cho anh nghị lực...
Kể về việc điều trị cho anh Ngô Văn Đức - ca đầu tiên Bệnh viện Đa khoa Đức Giang triển khai kỹ thuật cao, ứng dụng rô bốt trong phẫu thuật, bác sĩ Trần Trung Kiên cho biết: Trước đây, với những ca khó như vậy, bác sĩ tốn rất nhiều công sức, mất khoảng 9-10 giờ để đưa cột sống về lại vị trí bình thường. Vấn đề ở chỗ nguy cơ xảy ra tai biến rất cao. Nhưng khi có rô bốt hỗ trợ, toàn bộ các vị trí giải phẫu của cột sống được lập trình 3D trên máy tính, ê kíp bác sĩ dễ dàng kiểm tra các thao tác. Đặc biệt, rô bốt giúp định vị chính xác vị trí cần bắt vít. Nhờ đó, thời gian phẫu thuật giảm xuống còn khoảng 4 giờ, thời gian phục hồi của bệnh nhân nhanh hơn, nguy cơ xảy ra tai biến giảm thiểu...
Có mặt tại Bệnh viện Thanh Nhàn vào những ngày giáp Tết, điều chúng tôi dễ nhận thấy nhất ở đây là một cơ ngơi hiện đại, khang trang mà nhiều cơ sở y tế mơ ước. Trang thiết bị khám, điều trị bệnh rất hiện đại, thậm chí nhiều trang thiết bị ngay cả bệnh viện tuyến trung ương chưa có. Bước ra từ phòng mổ Hybrid, bác sĩ Phan Minh Trung, Khoa Chấn thương chỉnh hình, phấn khởi khoe với chúng tôi: Việc đưa phòng mổ hiện đại này vào hoạt động từ tháng 10-2019 đúng như một giấc mơ. Phòng mổ Hybrid có sự góp mặt của 2 rô bốt ưu việt, đó là Artis Pheno của Đức lần đầu tiên đưa vào sử dụng tại Việt Nam, châu Á hiện mới chỉ có 4 chiếc. Rô bốt này có thế mạnh vượt trội về can thiệp tim mạch cũng như phẫu thuật thần kinh cột sống, chấn thương chỉnh hình. Cùng với đó là rô bốt Mazor của Mỹ chuyên về sọ não, cột sống, hiện ở Việt Nam mới có 2 chiếc. Khi chưa có phòng mổ Hybrid, các kỹ thuật can thiệp mạch có độ khó cao, đòi hỏi bác sĩ phải có tay nghề rất giỏi và cực kỳ khéo léo mới có thể phẫu thuật thành công. Với sự trợ giúp của phòng mổ và các công nghệ hiện đại, hình ảnh vị trí thương tổn thể hiện rõ nét, giúp tăng độ chính xác trong phẫu thuật…
Đang trò chuyện với chúng tôi, phía bên ngoài cổng bệnh viện, tiếng còi xe cứu thương hú lên từng hồi. Một thanh niên nằm trên cáng được đẩy nhanh vào phía trong. Tạm gác lại câu chuyện, bác sĩ Phan Minh Trung nói vội: Cứ đến cuối năm, giáp Tết, công việc của những người thầy thuốc vất vả hơn, vì số lượng bệnh nhân nhập viện gia tăng. Nhiều người uống rượu say đánh nhau gây thương tích, uống say gây tai nạn giao thông…
Tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, với việc đầu tư 172 tỷ đồng để lắp đặt hệ thống thiết bị y tế hiện đại trong năm 2019, bệnh viện trở thành đơn vị y tế công lập đầu tiên triển khai thành công kỹ thuật can thiệp bào thai trong buồng tử cung - một kỹ thuật cao trong lĩnh vực sản khoa trên thế giới hiện nay. PGS.TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết: Trước đây, nếu không thực hiện kỹ thuật này, những thai nhi không may gặp phải bất thường bệnh lý có thể tử vong hoặc sinh ra bị dị tật. Còn hiện tại, nếu phát hiện sớm dị tật và bất thường thông qua khám sàng lọc, chúng ta có thể điều trị, giúp tăng cơ hội sống khỏe mạnh cho trẻ ngay từ trong bụng mẹ với tỷ lệ thành công tới 90%.
“Với các bác sĩ sản khoa, vào mỗi thời khắc Giao thừa, được đón những công dân đầu tiên của năm mới, được mang lại niềm vui mẹ tròn, con vuông cho bao gia đình sản phụ là niềm hạnh phúc giúp họ thêm gắn bó hơn với công việc đã chọn” - PGS.TS Nguyễn Duy Ánh tâm sự.
2. Vừa trở về nhà sau đợt điều trị u xơ thần kinh cẳng tay tại Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, bà Nguyễn Thị Sen (67 tuổi, ở phường Yên Phụ, quận Tây Hồ) hồ hởi kể với những người hàng xóm, bệnh viện mà sạch sẽ, xanh mát như công viên. Từ những góc nhỏ ở cầu thang, hành lang, khu vực chờ khám, các khoa, phòng điều trị… đều được trang trí cây xanh vô cùng ấn tượng. Bà còn đặc biệt cảm động với sự tiếp đón chu đáo, ân cần của đội ngũ cán bộ, y bác sĩ...
Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê cho rằng, cơ sở vật chất khang trang, sạch sẽ, nhân viên y tế niềm nở, thủ tục rút gọn, chất lượng khám, chữa bệnh được nâng lên... là những đổi thay mạnh mẽ của ngành Y tế Thủ đô thời gian qua. Thậm chí, nhiều bệnh viện của Hà Nội đã triển khai các kỹ thuật cao không thua kém tuyến trung ương. Các bác sĩ tuyến thành phố đã chuyển giao nhiều kỹ thuật cho tuyến dưới, từ đó giúp người bệnh không phải chuyển lên tuyến trên, góp phần giảm quá tải bệnh viện.
Với phương châm “Lấy người bệnh làm trung tâm phục vụ”, nhiều bệnh viện trên địa bàn thành phố Hà Nội đã thành lập bộ phận chăm sóc khách hàng, đón tiếp, chỉ dẫn, hướng dẫn, hỗ trợ người bệnh, gia đình người bệnh khi đến bệnh viện. Các bệnh viện cũng đã tăng cường công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, cải cách thủ tục hành chính từ 9 bước xuống còn 4-5 bước. Một số đơn vị như Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Đức Giang, Phụ sản Hà Nội… đã áp dụng dịch vụ đặt lịch khám bệnh qua điện thoại nhằm giảm thời gian chờ đợi của người bệnh. Theo Tiến sĩ Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, người thầy thuốc không chỉ khám bệnh bằng các thiết bị hiện đại, bằng trình độ, năng lực chuyên môn mà còn cần cả tấm lòng, trách nhiệm đối với người bệnh. Đó là điều quan trọng và rất đỗi thiêng liêng.
Một vòng quay 365 ngày với họ, đội ngũ cán bộ, bác sĩ, y tá, điều dưỡng ngành Y tế Thủ đô, là những bữa cơm trực ăn vội, những đêm thức trắng, những ngày lễ, ngày Tết có khi không được quây quần bên gia đình… Động lực của họ sau những đêm trực dài hay những cái Tết không có thời gian sum vầy với người thân là những ca mổ cấp cứu thành công, là sức khỏe, tính mạng người bệnh được bảo vệ, là cái bắt tay cảm ơn thật chặt của người nhà bệnh nhân…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.