Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tất cả từ niềm đam mê

Thống Nhất| 22/01/2020 08:54

(HNM) - Một trong những cái "tên vàng" Olympic quốc tế được xướng lên nhiều nhất trong các kỳ tuyên dương của ngành Giáo dục năm 2019 là Nguyễn Mạnh Quân, học sinh Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam. Tại kỳ thi Olympic quốc tế thiên văn học và vật lý thiên văn năm vừa qua, Nguyễn Mạnh Quân là thí sinh Việt Nam đầu tiên đạt điểm cao nhất kỳ thi. Để đạt được nhiều thành tích trong học tập, nghiên cứu, bên cạnh giúp đỡ của những người xung quanh, với Nguyễn Mạnh Quân tất cả bắt nguồn từ sự đam mê.

Nguyễn Mạnh Quân, học sinh Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam tại kỳ thi Olympic quốc tế thiên văn học và vật lý thiên văn.

Cậu bé “vàng”

Kỳ thi Olympic quốc tế thiên văn học và vật lý thiên văn năm 2019 diễn ra tại Hungary, từ ngày 2 đến 10-8-2019. Được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội giao nhiệm vụ thành lập đội tuyển tham dự, Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam đã nhanh chóng bắt tay vào cuộc tìm kiếm ứng viên. Học sinh chuyên lý được "nhắm tới" nhưng lần này, Ban Giám hiệu mạnh dạn đặt niềm tin vào cả những học sinh lớp 10 - lứa học sinh vừa vượt qua kỳ thi tuyển sinh vào trường. Qua nhiều vòng thi tuyển, Nguyễn Mạnh Quân vinh dự được chọn vào đội tuyển gồm 8 thành viên.

Trải qua 4 bài thi bằng tiếng Anh, bao gồm phần thực hành với một số yêu cầu khá "hóc" như thi quan sát sao trong nhà chiếu hình, thi bản đồ sao và thi quan sát bầu trời đêm qua kính thiên văn, đội tuyển đã làm nên thành tích xuất sắc với 1 Huy chương vàng, 3 Huy chương bạc, 3 Huy chương đồng và 1 giải Khuyến khích. Đáng chú ý, trong số 254 thí sinh của các quốc gia, vùng lãnh thổ tham dự, Nguyễn Mạnh Quân không chỉ là người góp mặt ở danh sách 17 thí sinh giành Huy chương vàng mà còn đạt điểm cao nhất.

Thiên văn học và vật lý thiên văn còn khá mới mẻ với nhiều học sinh Việt Nam. Quân tâm sự: "Quá trình tham gia Câu lạc bộ Thiên văn của trường, em và các bạn đã được tìm hiểu về nhiều kiến thức liên quan đến vũ trụ, các chòm sao... -  những chủ đề em tò mò từ khi còn nhỏ. Càng tìm hiểu, em càng thấy cuốn hút và mong muốn được khám phá nhiều hơn. Niềm đam mê đó còn được tiếp sức bằng sự hỗ trợ và truyền cảm hứng của thầy giáo Lê Mạnh Cường cùng các thầy giáo, cô giáo trong nhà trường và các anh chị học khóa trước".

Điều đáng nói, thiên văn học và vật lý thiên văn là khoa học liên môn không có trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành. Vậy mà chỉ trong 3 tháng ôn luyện, các thành viên của đội tuyển đều giành thành tích tốt. Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam Lê Thị Oanh cho biết: "Đối với các môn khoa học cơ bản như toán, vật lý, hóa học..., ngoài việc các em đã được học trong chương trình, tài liệu bổ trợ cũng rất nhiều. Còn thiên văn học và vật lý thiên văn là một lĩnh vực mới. Thầy, trò khó tìm tài liệu ở các nhà sách. Tài liệu tiếng Việt trên mạng internet cũng rất ít. Để có thể hướng dẫn, hỗ trợ học sinh ôn luyện, nhà trường đã tự xây dựng chương trình trên cơ sở nghiên cứu các bài thi mô phỏng của thế giới trong khoảng 5 năm trở lại đây. Ngoài ra, thầy, trò nhà trường còn được sự hỗ trợ của một số giảng viên, chuyên gia ở các trường đại học, viện nghiên cứu và những chia sẻ từ học sinh đã tham dự các kỳ thi trước".

Còn một điều nữa không phải ai cũng biết, đó là trước khi đạt kết quả đáng tự hào tại Olympic quốc tế thiên văn học và vật lý thiên văn, Nguyễn Mạnh Quân đã khiến nhiều bạn bè nể phục với thành tích: Huy chương vàng châu Á - Thái Bình Dương môn toán năm 2015; Huy chương vàng kỳ thi toán học trẻ quốc tế năm 2016, Huy chương vàng tại kỳ thi khoa học trẻ quốc tế năm 2018...

Khi được hỏi bí quyết nào để có thể học tốt nhiều môn đến vậy, Nguyễn Mạnh Quân chia sẻ: "Việc học các môn khoa học cơ bản không chỉ giúp em hiểu được thế giới xung quanh mà còn tạo thêm những thử thách đòi hỏi phải vượt qua. Với em, việc học tập, nghiên cứu bắt nguồn từ sự đam mê".

Thắp lên niềm hy vọng 

Năm 2019 là năm thứ tư, học sinh Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam vinh dự đại diện cho học sinh Việt Nam tham dự Olympic quốc tế thiên văn học và vật lý thiên văn. Tuy nhiên, ngôi vị quán quân của Nguyễn Mạnh Quân với thành tích kép (vừa giành Huy chương vàng, vừa có điểm cao nhất kỳ thi) là vinh dự lần đầu đạt được.

Nhắc đến Quân, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam Lê Thị Oanh tự hào: “Những kết quả mà các thành viên đội tuyển gặt hái được, trong đó có sự góp sức của Nguyễn Mạnh Quân, cho thấy các em không chỉ khẳng định được mình mà còn thắp lên niềm hy vọng về những thành tích mới của học sinh Việt Nam ở phạm vi rộng hơn trong tương lai không xa”.

Còn em Hồ Phi Dũng - thành viên cùng đội tuyển với Nguyễn Mạnh Quân, người đã hai lần giành Huy chương bạc tại kỳ thi Olympic quốc tế thiên văn học và vật lý thiên văn (năm 2018, 2019) chia sẻ: “Quân thực sự rất đáng ngưỡng mộ. Em ấy đã giành thành tích xuất sắc ngay ở năm đầu tiên. Sự miệt mài, đam mê nghiên cứu của em đã truyền cảm hứng tới các thành viên đội tuyển, khiến ai nấy đều cảm thấy mình cần cố gắng hơn nữa, trách nhiệm hơn nữa để khẳng định với bạn bè quốc tế rằng, dù còn nhiều khó khăn, thiệt thòi trong việc tiếp cận môn học này song học sinh Việt Nam vẫn có thể chiến thắng”.

Thành công của Nguyễn Mạnh Quân cũng như của cả đội tuyển có sự góp sức của nhiều phụ huynh, những người đã đồng hành với các em trong quá trình luyện các bài tập thực hành tại Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (Hà Nội), Đài Thiên văn Nha Trang (Khánh Hòa), đảo Hòn Dấu (Hải Phòng)... Đó còn là thành quả từ sự miệt mài của thầy giáo dẫn đội tuyển Lê Mạnh Cường trong việc thu thập và dịch tài liệu hỗ trợ học trò. “Cái khó nhất với cả thầy và trò là có nhiều bài thực hành bắt buộc phải thực hiện vào ban đêm, trong điều kiện thời tiết thuận lợi. Đơn cử, để thực hành bài quan sát bầu trời đêm qua kính thiên văn, trong 3 tháng ôn luyện, ngày nào thầy, trò cũng nhắc nhau theo dõi thông tin dự báo thời tiết, vừa học, vừa sẵn sàng tư thế lên đường. Có khi đang học, thấy thời tiết ổn, thầy và trò lại dẫn nhau tìm đến những địa điểm cao nhất, thoáng nhất, đem theo đủ thứ lỉnh kỉnh như ống nhòm, bút laser, bản đồ sao, các mô hình... để thực hành”, thầy Lê Mạnh Cường chia sẻ thêm.

Sau thành công ở kỳ thi Olympic quốc tế thiên văn học và vật lý thiên văn, Nguyễn Mạnh Quân bắt đầu một trọng trách mới: Xây dựng kế hoạch vận hành Câu lạc bộ Thiên văn học và vật lý thiên văn của trường. Nhiệm vụ của Quân là khơi nguồn cảm hứng, lan tỏa đam mê tìm hiểu, nghiên cứu lĩnh vực thiên văn học và vật lý thiên văn tới nhiều học sinh hơn...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tất cả từ niềm đam mê

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.