Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tập trung vào những vấn đề dư luận quan tâm

Việt Tuấn| 19/04/2016 05:39

(HNM) - Lĩnh vực văn hóa - xã hội (VH-XH) rộng, trong khi đa số thành viên Ban VH-XH, HĐND TP Hà Nội lại hoạt động kiêm nhiệm nên việc chọn vấn đề giám sát, khảo sát cho trúng, sâu và hiệu quả luôn là yêu cầu đặt ra.


Hà Nội là trái tim của cả nước, lĩnh vực y tế, giáo dục liên quan trực tiếp đến cuộc sống người dân nên mỗi khi sự kiện, vấn đề xảy ra thường thu hút sự quan tâm của cả xã hội. Đây cũng hai vấn đề được Ban VH-XH chú trọng, thường xuyên đưa vào kế hoạch giám sát, khảo sát việc chấp hành pháp luật của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Trong số 32 đoàn giám sát, khảo sát từ đầu nhiệm kỳ đến nay, thì có đến 7 đợt giám sát, khảo sát về giáo dục - đào tạo; 8 đợt khảo sát, giám sát về y tế, dân số, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Lĩnh vực y tế luôn được quan tâm, giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP Hà Nội. Ảnh: Bá Hoạt


Ở lĩnh vực giáo dục - đào tạo phải kể đến đợt khảo sát việc xây dựng và công nhận trường mầm non, tiểu học, trung học chất lượng cao trên địa bàn thành phố. Ban VH-XH khảo sát tại 5 trường mầm non, tiểu học, THCS ở các quận Hoàn Kiếm, Nam Từ Liêm, Đống Đa, Long Biên và huyện Gia Lâm; giám sát qua báo cáo của 10 trường đã được công nhận và đang thực hiện thí điểm mô hình trường chất lượng cao, sau đó làm việc với Sở GD-ĐT. Qua khảo sát, Ban VH-XH đã chỉ rõ, nhận thức về Nghị quyết số 15/2013/NQ-HĐND của HĐND thành phố (về cơ chế tài chính áp dụng đối với các cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao trên địa bàn Thủ đô) ngay trong đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục các cấp còn chưa đầy đủ, chưa thống nhất. Chính vì quan điểm đầu tư cơ sở vật chất ban đầu và mức hỗ trợ năm đầu tiên sau khi được công nhận chất lượng cao chưa thống nhất, nên quy trình và các bước triển khai thực hiện còn lúng túng; một số cơ chế chính sách chưa được hiểu đúng gây băn khoăn, lo lắng cho các trường học, có nơi phát sinh đơn thư khiếu kiện. Ngay sau đợt khảo sát, tiếp thu kiến nghị của Ban VH-XH, UBND thành phố đã chỉ đạo Sở GD-ĐT Hà Nội phối hợp với Sở Tài chính tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm về việc thực hiện Nghị quyết số 15, xác định những nội dung bất cập, chưa phù hợp với thực tế (về tiêu chí và cơ chế tài chính đối với trường chất lượng cao) trình cơ quan có thẩm quyền quyết định.

Ở lĩnh vực y tế, Ban VH-XH đã giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế (BHYT) trên địa bàn thành phố. Qua giám sát cho thấy, tỷ lệ người dân tham gia BHYT trên địa bàn thành phố đạt thấp. Tại thời điểm giám sát (tháng 6-2015) mới đạt 71,3% dân số, trong đó nhóm đối tượng hộ gia đình chỉ đạt 23,5%. Ngoài nguyên nhân do chất lượng khám chữa bệnh BHYT chưa đáp ứng được yêu cầu, thủ tục khám, thanh toán phiền hà, thái độ đối xử với người bệnh có thẻ BHYT khác với khám dịch vụ, thì còn có yếu tố thủ tục mua BHYT theo hộ gia đình rườm rà. Đoàn giám sát đã kiến nghị giải pháp nhằm thúc đẩy nhanh tỷ lệ người tham gia BHYT. Trong đó đề xuất cần có cán bộ chuyên trách làm công tác BHXH, BHYT cấp xã, vì hiện tại mới ở mức độ làm đại lý do UBND cấp cơ sở phân công, chưa có cơ chế ràng buộc trách nhiệm. Đối với nhóm BHYT hộ gia đình, ngành BHXH cần giảm nhẹ thủ tục hành chính, giảm bớt phần chủ hộ phải kê khai phụ lục mà chỉ cần kê khai theo mẫu..., tạo thuận lợi cho người dân. Vấn đề này đã được ngành chức năng của thành phố tiếp thu, tham mưu với UBND thành phố có chính sách, biện pháp tạo điều kiện cho người dân trong lĩnh vực khám bệnh, mua thẻ BHYT. Bám sát đến cùng vấn đề, mới đây, tại phiên họp tập thể UBND thành phố thảo luận về dự thảo Chương trình cải cách hành chính TP Hà Nội giai đoạn 2016-2020, Ban VH-XH thêm một lần nữa kiến nghị với UBND thành phố xem xét, đưa thủ tục đăng ký cấp thẻ bảo BHYT vào bộ phận "một cửa".

Trưởng ban VH-XH Nguyễn Thị Thùy cho biết, những kết quả trong hoạt động khảo sát, giám sát của ban nhiệm kỳ 2011-2016 được Thường trực HĐND thành phố ghi nhận, đánh giá cao. Kinh nghiệm giám sát, khảo sát là, lãnh đạo ban phân công các thành viên phù hợp với từng lĩnh vực, chuyên ngành, coi trọng những đại biểu có kinh nghiệm thực tiễn, nắm chắc quy định của pháp luật, nhiệt tình, trách nhiệm trong công việc. Cùng với đó, ban tập trung lựa chọn nội dung, đơn vị giám sát mang tính đại diện cao; có cả tốt, khá, trung bình; cả khu vực thành thị, nông thôn; những vấn đề bức xúc, thiết thực ở cơ sở. Do vậy, trong số hơn 30 đợt giám sát, khảo sát của ban, hầu hết đều đề cập đến những vấn đề được dư luận rất quan tâm. Sau đợt khảo sát, giám sát, các cơ quan báo chí của trung ương và TP Hà Nội vào cuộc phân tích, tìm hiểu sâu thêm để có cái nhìn đa chiều. Qua đó, nhiều mặt công tác trong lĩnh vực giáo dục, y tế có chuyển biến tích cực, các kiến nghị của ban được các cơ quan tiếp thu thực hiện, trong đó có nhiều ý kiến được đưa vào nghị quyết HĐND thành phố như công tác xã hội hóa bệnh viện công lập, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, công tác tuyển sinh và thu chi đầu năm học…

Để hoạt động giám sát hiệu quả, đổi mới hơn nữa, Ban VH-XH mong muốn, HĐND thành phố nhiệm kỳ 2016-2021 quan tâm bố trí tăng cán bộ chuyên trách; lựa chọn những người có trình độ, chuyên môn sâu ở các sở, ngành tăng cường cho các ban của HĐND, trong đó có Ban VH-XH.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tập trung vào những vấn đề dư luận quan tâm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.