Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tập trung vào âm nhạc đỉnh cao

Nguyễn Thị Nam| 26/02/2011 07:30

(HNM) - Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam là cơ sở đào tạo, nghiên cứu và biểu diễn về âm nhạc bậc nhất ở nước ta. Bước sang năm thứ 55, chiến lược của Học viện đặc biệt tập trung phát triển tài năng âm nhạc trẻ hướng tới đỉnh cao.

GS.TS.NSƯT Ngô Văn Thành, Giám đốc Học viện có cuộc trò chuyện cùng Hànộimới quanh vấn đề hội nhập của âm nhạc Việt Nam nói chung, của Học viện nói riêng nhằm vươn tới những tầm cao mới.

- GS có thể cho biết, Học viện đã có những hoạt động gì hướng ra quốc tế?

- Chúng tôi tham gia nhiều hoạt động sinh hoạt âm nhạc quốc tế. Việc đưa học sinh của Học viện tham dự các cuộc thi quốc tế và nhiều em đoạt giải đã thể hiện chất lượng đào tạo của Học viện, tạo nên vị thế mới cho công tác đào tạo âm nhạc của nước nhà. Cũng từ đó, các giáo sư như Trần Thu Hà, Lưu Quang Minh… đã được mời làm giám khảo trong nhiều cuộc thi quốc tế.

Một điều nữa là các dàn nhạc của Học viện, đặc biệt là Dàn nhạc Giao hưởng Hà Nội được coi là mạnh trong khu vực, đã biểu diễn ở Pháp, Đức, Thái Lan… hay diễn cùng với các dàn nhạc quốc tế. Chúng tôi cũng liên tục mời các chỉ huy nước ngoài sang dàn dựng tác phẩm. Việc Học viện đứng ra tổ chức cuộc thi piano quốc tế Hà Nội - 2010 đã đánh dấu bước ngoặt mới cho âm nhạc nước nhà.

- Vậy trong tương lai, Học viện sẽ tập trung phát triển theo hướng nào, thưa GS?

- Chúng tôi tập trung vào đào tạo đỉnh cao, bồi dưỡng tài năng trẻ. Muốn có trò giỏi thì phải có thầy giỏi. Bởi vậy, Học viện sẽ nâng cao trình độ giảng viên để tiếp thu nhanh và sớm những thành tựu, tinh hoa của thế giới. Chúng tôi sẽ thường xuyên mời các nghệ sĩ hàng đầu thế giới đến Học viện để cả giảng viên và học viên có thể học tập; gửi giảng viên và học sinh ra nước ngoài; đồng thời tổ chức các cuộc thi quốc tế, festival âm nhạc… Sắp tới, Học viện sẽ hoàn thành phòng hòa nhạc 780 chỗ, làm trung tâm của hoạt động âm nhạc cổ điển.

- Việc âm nhạc cổ điển chưa có đông khán giả có khiến Học viện gặp khó khăn do thiếu “đầu vào”?

- Chúng tôi đã có trung tâm đào tạo nguồn hoạt động liên tục 15 năm nay. Gần đây có cả những lớp cho trẻ em từ 3 tuổi để bồi dưỡng, phát hiện sớm năng khiếu, đưa vào đào tạo chính quy từ nhỏ. Các lớp dạy thêm của nhiều giảng viên trong trường cũng là cơ sở tạo nguồn. Con em học, bố mẹ theo dõi và điều đó cũng góp phần tạo ra lượng khán giả. Tuy vậy cũng còn một số bộ môn thiếu đầu vào như viola, contrebasse, kèn đồng.

- Với tư cách là Giám đốc Học viện, GS mong mỏi điều gì để phát triển âm nhạc cổ điển nói riêng và âm nhạc nước nhà nói chung?

- Thực ra, âm nhạc chính thống ở nước ta chưa phát triển mạnh bởi công chúng ít tìm đến nhạc cổ điển - thính phòng để giải trí và nâng cao trình độ thưởng thức. Trong khi giá trị văn hóa âm nhạc mang lại có thể giải tỏa, giữ thăng bằng đời sống tinh thần của mỗi người. Hơn nữa, chính sách đãi ngộ cho nghệ sĩ, kinh phí cho nhà trường còn thấp gây khó khăn cho việc tìm đầu vào và phát triển tài năng đỉnh cao. Chúng tôi cũng mong có thêm

nhiều doanh nghiệp tài trợ cho đào tạo giống như Korean Bank, Toyota Kumho, Techcombank…đã làm trong các festival âm nhạc và cuộc thi piano quốc tế vừa qua.

- Kỷ niệm 55 năm thành lập, chắc hẳn sẽ là dịp Học viện giới thiệu tới công chúng yêu nhạc những hoạt động âm nhạc đỉnh cao?

- Sẽ có khoảng 30 buổi biểu diễn với sự tham gia của các chỉ huy từ Tây Ban Nha, Đức… dàn dựng để phục vụ công chúng Thủ đô và cả nước. Học viện sẽ tiếp tục gửi các tài năng trẻ đến những cuộc thi ở Indonesia, Trung Quốc, Hàn Quốc và cả các nước châu Âu để cọ xát và thể hiện tài năng. Đó cũng là các hoạt động trong những năm tới của Học viện để đóng góp cho đời sống âm nhạc nước nhà.

- Xin cảm ơn Giáo sư!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tập trung vào âm nhạc đỉnh cao

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.