Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tập trung ứng phó mưa to và xả lũ trên sông Hồng

Kim Nhuệ| 20/08/2020 13:52

(HNMO) - Sáng và trưa nay (20-8), các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Bắc Bộ giảm mưa. Tuy nhiên, dự báo những ngày tới sẽ xảy ra đợt mưa lớn, đặc biệt là hồ thủy điện của Trung Quốc sẽ xả lũ vào sông Hồng, Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai ban hành công điện chỉ đạo ứng phó…

Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai họp bàn phương án ứng phó mưa to và xả lũ trên sông Hồng.

Do ảnh hưởng của mưa lớn những ngày trước đó nên hôm nay, Hà Nội vẫn còn nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp bị úng ngập. Giám đốc Xí nghiệp Thủy lợi Ba Vì Phan Văn Tân cho biết, tính đến 12h30 ngày 20-8, huyện Ba Vì vẫn còn 897ha sản xuất nông nghiệp của các xã: Cổ Đô, Phú Cường, Vật Lại, Phú Châu, Phú Phương và thị trấn Tây Đằng bị úng ngập; trong đó có 512ha ngập sâu và 384ha ngập trắng. 

Còn tại huyện Thạch Thất, do mực nước sông Tích dâng cao, vượt báo động lũ cấp I nên 128ha sản xuất nông nghiệp của các xã: Phùng Xá, Thạch Xá, Cần Kiệm, Bình Phú... bị úng ngập. Huyện Chương Mỹ có hơn 300ha trồng lúa bị úng ngập, tập trung ở các xã: Hoàng Văn Thụ, Tân Tiến, Đông Sơn...

Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cho biết, tính đến 12h30 hôm nay, thành phố Hà Nội vẫn còn gần 1.400ha lúa, hoa màu bị úng ngập, tập trung ở các huyện: Ba Vì, Chương Mỹ, Thạch Thất, Quốc Oai, Gia Lâm, Sóc Sơn, thị xã Sơn Tây...

Để bảo vệ diện tích sản xuất nông nghiệp, Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi sông Tích tiếp tục vận hành 26 trạm bơm với 72 máy bơm các loại tiêu úng cho diện tích sản xuất nông nghiệp của các huyện: Ba Vì, Sơn Tây, Thạch Thất... Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi Hà Nội vận hành 11 trạm với 67 máy bơm tiêu úng cho các huyện: Sóc Sơn và Gia Lâm. Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi sông Đáy vận hành 5 trạm với 21 máy bơm tiêu úng cho huyện Chương Mỹ...

“Nếu không xảy ra mưa lớn thì ngày mai (21-8), toàn bộ diện tích sản xuất nông nghiệp của thành phố Hà Nội sẽ không còn ngập úng...”, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Nội Đào Quang Khải cho biết.

Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi sông Tích vận hành trạm bơm tiêu úng cho 128ha sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Thạch Thất.

Tuy nhiên, theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của vùng áp thấp suy yếu từ cơn bão số 4 nên từ ngày 20-8 đến 22-8, thành phố Hà Nội xảy ra mưa vừa, mưa to, lượng mưa phổ biến 50-100mm/đợt, có nơi cao hơn 150mm/đợt… Các tỉnh còn lại thuộc khu vực Bắc Bộ tiếp tục xảy ra mưa lớn với lượng mưa 100-120mm. Đặc biệt, ngày 20-8, Trung Quốc đã có thông báo xả lũ hồ chứa Mã Đồ Sơn trên lưu vực sông Hồng...

Trước diễn biến trên, ngày 20-8, Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai đã họp bàn biện pháp ứng phó và có công điện đề nghị các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc nghiêm túc thực hiện việc tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều; kiểm tra, rà soát và triển khai trên thực tế phương án bảo vệ các vị trí đê điều trọng điểm, xung yếu theo phương châm "4 tại chỗ"; kiểm tra, rà soát, triển khai phương án bảo đảm an toàn dân cư, các hoạt động kinh tế - xã hội ở ven sông, bãi sông và các khu vực có nguy cơ bị ngập lụt, sạt lở.

Các tỉnh, thành phố rà soát và sẵn sàng di dời, sơ tán dân ở những khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn; tăng cường kiểm tra, sẵn sàng phương án bảo đảm an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu...

“Thực hiện chỉ đạo trên, ngày 20-8, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã yêu cầu các doanh nghiệp thủy lợi thành phố vận hành trạm bơm tiêu úng, giảm mực nước nội đồng; kiểm tra và kịp thời xử lý sự cố đê điều, thủy lợi…”, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tập trung ứng phó mưa to và xả lũ trên sông Hồng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.