(HNM) - Theo Nghị định 52/2012/ NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy (PCCC), kể từ ngày 5-8, hành vi sử dụng điện thoại di động (ĐTDĐ) tại khu vực bị cấm phải chịu hình phạt tiền với mức từ 2 đến 5 triệu đồng. Mấy ngày qua, khi quy định mới được báo chí thông tin rộng rãi, nhiều cửa hàng xăng trên địa bàn Hà Nội nhận xét, rất hiếm thấy người dân nghe, gọi ĐTDĐ tại khu vực đổ xăng.
Anh Nguyễn Xuân Bảo, nhân viên cửa hàng xăng số 4 phố Nguyễn Đình Chiểu, quận Hai Bà Trưng cho biết, từ đầu tuần đến nay chưa thấy trường hợp nào nghe, gọi ĐTDĐ trong khi đổ xăng. Đây là dấu hiệu tích cực, chứng tỏ ý thức người dân đã thay đổi.
Nhiều người vẫn sử dụng điện thoại di động khi chờ mua xăng. Ảnh: Như Ý |
Khi được hỏi về việc cửa hàng tham gia phạt hành chính người vi phạm ra sao, anh Bảo cho rằng, hầu hết những người vô tình làm trái quy định khi được nhân viên cửa hàng nhắc nhở đều tiếp thu. "Chúng tôi đã treo biển yêu cầu không sử dụng ĐTDĐ tại cửa hàng từ trước khi có quy định mới. Nhưng bây giờ có quy định thì nhân viên sẽ tăng cường nhắc nhở khách hàng hơn". Tuy nhiên, nhân viên này cho biết, chưa có hướng dẫn thực hiện việc phạt ra sao, ai sẽ đứng ra xử phạt, vai trò của các cửa hàng xăng dầu ra sao?
Theo ghi nhận của chúng tôi, hầu hết các cửa hàng xăng dầu trên địa bàn Hà Nội đều có treo biển cấm sử dụng ĐTDĐ, nhưng không phải nhân viên cây xăng nào cũng có ý thức nhắc nhở khách hàng thực hiện quy định. Anh Nguyễn Văn Chức, ở thị trấn Sóc Sơn cho biết, khi mua xăng tại một cây xăng trên QL3 đoạn giáp Đông Anh, anh đã nói chuyện điện thoại gần 3 phút nhưng không hề bị nhắc nhở. Trong khi đó, tại cây xăng số 48 đường Hoàng Quốc Việt, khi phóng viên thử đưa máy ĐTDĐ lên nghe, ngay lập tức bị hai nhân viên nhắc nhở, yêu cầu không được sử dụng.
Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Nguyễn Văn Sơn, Trưởng phòng Hướng dẫn nghiệp vụ PCCC - Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội cho biết, Giám đốc Sở đã có văn bản chỉ đạo các phòng nghiệp vụ triển khai thực hiện quy định phạt hành chính hành vi nghe ĐTDĐ ở khu vực cấm, nhất là các cửa hàng xăng dầu. Sở Cảnh sát PCCC cũng đã có văn bản hướng dẫn các cơ sở kinh doanh thực hiện quy định. Quan điểm của Sở là trước mắt tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện đúng quy định. Phòng Hướng dẫn nghiệp vụ PCCC sẽ phối hợp với các cấp chính quyền tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện tại các cơ sở kinh doanh xăng dầu, đặc biệt là tại các tổ dân phố, thôn xóm. Sở Cảnh sát PCCC cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí để tuyên truyền sâu rộng việc thực hiện quy định mới này. Còn việc xử phạt, theo Thượng tá Nguyễn Văn Sơn, đây là biện pháp thứ yếu, chỉ thực hiện đối với những trường hợp cố tình vi phạm.
Khi việc thực hiện quy định xử phạt hành chính hành vi sử dụng ĐTDĐ ở khu vực cấm được triển khai, đã có những thông tin phản hồi cho rằng, chưa có cơ sở khoa học cho thấy ĐTDĐ gây cháy tại cây xăng. Tuy nhiên, cũng chưa có cơ sở khoa học nào chứng minh ĐTDĐ không gây cháy tại khu vực nhạy cảm này. Khi được hỏi có tin ĐTDĐ có thể gây cháy không, nhiều người dân cho rằng, dù chưa có chứng cứ khoa học rõ ràng thì cũng nên thực hiện việc phòng ngừa. Anh Nguyễn Văn Tuân, ở số 69 phố Đội Cấn (quận Ba Đình) cho biết: "Quy định không nghe ĐTDĐ khi mua xăng không khó thực hiện. Việc đưa ra quy định phạt là cần thiết, vì xét cho cùng cũng là giữ an toàn tính mạng và tài sản cho cộng đồng và cho chính chúng ta mà thôi".
- Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: Mang diêm, bật lửa, ĐTDĐ, các thiết bị điện tử hoặc các thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt vào những nơi có quy định cấm… - Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: Sử dụng nguồn lửa, ĐTDĐ, các thiết bị điện tử hoặc các thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt khác ở những nơi có quy định cấm. (Theo Điều 11 của Nghị định 52/2012/NĐ-CP) |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.