(HNMO) - Tập trung người lang thang vào trung tâm bảo trợ xã hội là chính sách nhân văn của thành phố Hà Nội, góp phần trợ giúp, động viên các đối tượng yếu thế vượt qua khó khăn. Trước thềm Tết đến, xuân sang, đối tượng người lang thang nhận được sự quan tâm nhiều hơn từ các cơ quan chức năng và cộng đồng xã hội.
An vui đón Tết
Khác với không khí tấp nập, nhộn nhịp bên ngoài, người già, trẻ em lang thang được chăm sóc thường xuyên tại Trung tâm Bảo trợ xã hội IV Hà Nội (thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì), chuẩn bị đón Tết trong tình yêu thương lắng đọng.
Chị N.H.V, đến từ tỉnh Quảng Trị cho biết, do hoàn cảnh khó khăn, chị dẫn theo 4 con nhỏ ra Hà Nội tìm việc làm, với hy vọng sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, mọi việc không dễ dàng như chị hình dung vì bản thân không có người giúp đỡ, không có nghề nghiệp.
“Ai thuê gì tôi cũng làm, nhưng nguồn thu nhập ít ỏi từ những công việc giản đơn, bấp bênh không đủ để tôi trang trải cho sinh hoạt tối thiểu của 5 mẹ con. Sống trong cảnh thiếu ăn, thiếu mặc, không nhà cửa, chúng tôi lang thang khắp nơi, tiện chỗ nào ngủ chỗ đó. Những lúc túng thiếu, chúng tôi buộc phải xin tiền để duy trì cuộc sống”, chị N.H.V nhớ lại.
Đến đầu năm 2021, mẹ con chị N.H.V được đưa về Trung tâm Bảo trợ xã hội I Hà Nội, rồi tiếp tục chuyển lên Trung tâm Bảo trợ xã hội IV Hà Nội. Những tháng ngày sống dưới mái nhà chung dành cho người lang thang, mẹ con chị N.H.V được chăm sóc đầy đủ từ bữa ăn tới giấc ngủ, đồng thời được tư vấn tâm lý, định hướng nghề nghiệp. Điều này giúp chị nhận ra, để có cuộc sống tốt, bản thân chị cần tham gia lao động thường xuyên, còn các con phải được đến trường.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới trước thềm Tết đến, xuân về, chị N.H.V chia sẻ: “Sau Tết này, tôi sẽ đưa các con trở lại quê hương, tích cực lao động để có nguồn thu nhập trang trải cho gia đình. Còn hiện nay, chúng tôi được tạo mọi điều kiện để an vui, đón Tết”.
Trường hợp khác mới được đón về chăm sóc tại Trung tâm Bảo trợ xã hội IV Hà Nội là một người khuyết tật nặng, mất khả năng nhận thức, không rõ danh tính, địa chỉ. Theo Giám đốc Trung tâm Nguyễn Văn Bằng, từ đầu năm 2021 đến nay, Trung tâm Bảo trợ xã hội IV Hà Nội đón nhận hơn 20 thành viên mới, nâng tổng số người lang thang được chăm sóc thường xuyên tại đây lên 358 trường hợp, trong đó có 49 trẻ em. Dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu, 100% trường hợp đều ở lại đón Tết dưới mái nhà chung, có đội ngũ cán bộ, nhân viên luân phiên chăm sóc, khám sức khỏe 24/24h.
Kịp thời hỗ trợ
Nếu như Trung tâm Bảo trợ xã hội IV Hà Nội là nơi “an cư” của người lang thang, thì Trung tâm Bảo trợ xã hội I Hà Nội (xã Dục Tú, huyện Đông Anh) được ví như ngôi nhà đầu tiên của họ. Bởi, sau khi các đội trật tự xã hội lưu động tập trung người lang thang, đa số trường hợp được đưa về đây để chăm sóc tạm thời trong thời gian không quá 30 ngày. Sau quá trình khai thác thông tin, tư vấn tâm lý, sàng lọc đối tượng, những trường hợp rõ địa chỉ, còn người thân sẽ được đưa về địa phương, còn những trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt sẽ được chuyển đến Trung tâm Bảo trợ xã hội IV Hà Nội và một số đơn vị khác.
Dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu, Đội trật tự xã hội lưu động (Trung tâm Bảo trợ xã hội I Hà Nội) đã đưa gần 80 người lang thang về Trung tâm. Nhằm bảo đảm an toàn trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, những người mới vào được chăm sóc đặc biệt ở khu vực cách ly trong thời gian tối thiểu 14 ngày, đồng thời được lấy mẫu xét nghiệm đề phòng lây nhiễm. Nhờ quy trình phòng, chống dịch nghiêm ngặt, sức khỏe của những người sống tại Trung tâm Bảo trợ xã hội I đều ổn định, chưa phát hiện trường hợp nghi nhiễm Covid-19.
Thực hiện mục tiêu không để ai không có Tết, không để người nào bị bỏ lại phía sau, ngoài các chính sách chung, thành phố Hà Nội tặng thêm 100.000 đồng/người/ngày trong những ngày Tết Nguyên đán Tân Sửu cho các đối tượng đang được nuôi dưỡng tập trung tại các trung tâm bảo trợ xã hội thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, trong đó có người lang thang. Ngoài ra, thành phố yêu cầu lực lượng chức năng liên tục ra quân tập trung người lang thang, nhất là vào thời điểm giao thừa và những ngày đầu xuân mới Tân Sửu.
Trên tinh thần đó, Trung tâm Bảo trợ xã hội I giao Đội trật tự xã hội lưu động, gồm 13 thành viên, chia thành 3 ca trong ngày, đi khảo sát các địa bàn vào tất cả những ngày trước, trong và sau Tết. Phát hiện trường hợp nào lang thang trên đường phố, Đội có trách nhiệm đưa họ về Trung tâm để họ nhận được sự hỗ trợ kịp thời.
Nhận nhiệm vụ này, Đội trưởng Nguyễn Văn Hải, chia sẻ: “Việc tập trung người lang thang vào Trung tâm Bảo trợ xã hội, nhất là trong những ngày Tết, vừa giúp những người có hoàn cảnh đặc biệt được đón Tết êm ấm, an vui, vừa góp phần gìn giữ Thủ đô văn minh. Do đó, chúng tôi luôn sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ bằng tất cả tinh thần, trách nhiệm của người làm công tác xã hội”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.