Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố (khóa XIV) tổ chức Hội nghị lần thứ 19 trong hai ngày (7 và 8-4-2010), để thảo luận, quyết định những vấn đề hết sức quan trọng: Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch chung xây dựng thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; phân bổ đại biểu dự Đại hội đại biểu lần thứ XV Đảng bộ thành phố; kiện toàn, bổ sung Thành ủy viên và bầu Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy. Đồng thời, Thành ủy cũng góp ý kiến trực tiếp vào dự thảo Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội Thủ đô 3 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 9 tháng cuối năm 2010.
Hội nghị đã thảo luận sôi nổi, đóng góp nhiều ý kiến, bổ sung nhiều nội dung, giải pháp sâu sắc, cụ thể, thiết thực. Ban Thường vụ Thành ủy sẽ tiếp thu, tiếp tục hoàn thiện các văn bản để trình các cấp có thẩm quyền và chỉ đạo tổ chức thực hiện. Sau đây, tôi xin nhấn mạnh một số nội dung:
1. Về tình hình kinh tế - xã hội 3 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 9 tháng cuối năm 2010 của thành phố
Vừa qua, tại Hội nghị giao ban Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND thành phố với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã và các sở, ngành thành phố, chúng ta đã thảo luận, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội của Hà Nội trong quý I- 2010 và định hướng các nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm. Đây cũng là một nội dung quan trọng trong cuộc làm việc của Thường trực Chính phủ với thành phố trong tháng 3 vừa qua. Chúng ta vui mừng nhận thấy, có sự thống nhất cao trong đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Những kết quả đạt được của thành phố thời gian qua đã được Thủ tướng Chính phủ ghi nhận và biểu dương (trong Thông báo số 88/TB-VPCP, ngày 25-3-2010 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại buổi làm việc với lãnh đạo thành phố Hà Nội): “… Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân thành phố Hà Nội trong năm 2009 và quý I-2010 đã nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, thách thức, đạt kết quả khá toàn diện. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) năm 2009 đạt 6,7%, (quý I-2010 đạt 8,7%) cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Sau hơn một năm hợp nhất mở rộng, Hà Nội vẫn tiếp tục phát triển mạnh mẽ, quản lý đô thị có nhiều chuyển biến tốt, nhiều công trình hạ tầng lớn được hoàn thành phục vụ nhân dân; an sinh xã hội được bảo đảm; chính trị xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững.
Tuy vậy, còn một số mặt cần lưu ý, đó là: gắn với tăng trưởng phải kiềm chế lạm phát; phấn đấu tỷ lệ tăng trưởng cao hơn nữa (trên 10%); phải tiếp tục cải cách hành chính; tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành quy định về an toàn giao thông”.
Trên cơ sở những kết quả đạt được trong quý I, các cấp, các ngành cần phấn đấu quyết liệt hơn nữa để hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội 9 tháng còn lại, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội cả năm 2010 của thành phố, thiết thực chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
2. Về 3 đề án: Chiến lược, Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội
2.1. Về yêu cầu chung đối với 3 đề án:
Việc thực hiện chủ trương mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội theo Kết luận của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) và Nghị quyết 15 của Quốc hội khóa XII bảo đảm không gian cho thành phố phát triển toàn diện, bền vững trong giai đoạn trước mắt cũng như lâu dài, xứng đáng với vị thế Thủ đô của đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế.
Thời gian qua, được sự quan tâm chỉ đạo của Trung ương, các cơ quan của thành phố đã có nhiều cố gắng, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương khẩn trương nghiên cứu, xây dựng 3 đề án lớn: “Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”; “Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”; “Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”; tổ chức lấy ý kiến rộng rãi các cấp, các ngành, các địa phương, các nhà khoa học và nhân dân để bổ sung hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.
Ba dự thảo đề án nói trên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô; đều có chức năng kế hoạch, quy hoạch tương lai phát triển Thủ đô Hà Nội. Ba đề án này có mối liên hệ mật thiết, thống nhất hữu cơ về mục tiêu chung: Xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại, phát triển bền vững, trong điều kiện Thủ đô đã được mở rộng địa giới hành chính.
2.2. Về nội dung cụ thể của từng đề án:
a) Đối với “Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”: Đây là đề án có ý nghĩa hết sức quan trọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội về định hướng phát triển của Thủ đô trong những thập niên tới. Dự thảo Chiến lược đã phân tích rõ tiềm năng, lợi thế cũng như những hạn chế, yếu kém trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, định hướng phát triển trong những thập kỷ tới. Chiến lược cũng đưa ra những phân tích, dự báo tình hình quốc tế, trong nước và những cơ hội, thách thức đặt ra cho cả nước nói chung, cho Hà Nội nói riêng, làm cơ sở cho việc hoạch định chiến lược phát triển Thủ đô. Trong dự thảo Báo cáo, phần mục tiêu tổng quát, những mục tiêu cụ thể và định hướng chiến lược phát triển từng ngành, từng lĩnh vực, cũng như những biện pháp và cách thức tổ chức thực hiện chiến lược đã được nêu khá đầy đủ và rõ nét.
Tuy nhiên, để chiến lược thực sự có tính khả thi, làm căn cứ cho việc xây dựng quy hoạch và hệ thống các cơ chế, chính sách phát triển Thủ đô trong 20 năm tới và xa hơn, cần chú ý thêm một số vấn đề sau:
- Chiến lược phát triển của Thủ đô phải đặt trong mối liên hệ với chiến lược phát triển quốc gia và Vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng Bắc bộ, trong bối cảnh khu vực và quốc tế, gắn yêu cầu giải quyết vấn đề phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô với cả nước.
- Cần xác định rõ hơn thực lực và tiềm năng, triển vọng để nhận dạng một cách chính xác trình độ phát triển của Hà Nội hiện nay, trên cơ sở đó mới có thể đề ra chiến lược phát triển hợp lý trong giai đoạn tới.
- Tập trung nghiên cứu sâu thêm về những giải pháp mang tính đột phá, có tác động thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
- Tiếp tục thảo luận, đề ra những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để thực hiện các đề án bảo đảm có chất lượng và hiệu quả. Phải phân tích, đánh giá kỹ các yếu tố về nguồn lực cần thiết, bao gồm cả cơ chế, chính sách, nguồn nhân lực, nguồn tài chính… để phục vụ quá trình phát triển Thủ đô trong cả giai đoạn 20 năm tới và xa hơn.
b) Đối với “Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”: Xây dựng quy hoạch tổng thể là cụ thể hóa chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thành phố. Mục đích của quy hoạch là nghiên cứu, đề xuất phương án và nhiệm vụ phát triển, tổ chức lãnh thổ kinh tế - xã hội thành phố một cách có căn cứ khoa học, nhằm phát huy lợi thế so sánh của Thủ đô, xây dựng Thủ đô theo mục tiêu tổng quát đã được xác định trong chiến lược phát triển.
Với ý nghĩa như vậy, tôi đề nghị trong quá trình hoàn thiện dự thảo quy hoạch, cần lưu ý một số nội dung sau:
- Cần nhận thức đầy đủ và sâu sắc hơn vị trí, vai trò, chức năng của Thủ đô đối với vùng lãnh thổ và cả nước. Trong đó, cần xác định những chức năng căn bản, chủ yếu cần được ưu tiên. Giải quyết tốt mối quan hệ Hà Nội là một đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương và thành phố Hà Nội là Thủ đô của cả nước.
- Phải đưa ra được những dự báo khoa học trên cơ sở phân tích tình hình thực tiễn Thủ đô những năm qua, tình hình trong nước và thế giới; để chỉ ra xu hướng vận động, phát triển trong những năm tới. Từ đó tìm ra những quy luật, những bài học quan trọng có giá trị cho sự phát triển lâu dài và bền vững của Thủ đô trong những năm tới.
- Trong xây dựng quy hoạch phát triển, cần quán triệt quan điểm phát triển toàn diện, bền vững, hài hòa giữa các mục tiêu, nhiệm vụ của thành phố và hài hòa giữa các lĩnh vực. Đồng thời, làm nổi bật những vấn đề trọng tâm, trọng điểm và thứ tự ưu tiên trong phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Những giải pháp cụ thể về cơ chế, chính sách, về thu hút nguồn lực cho đầu tư phát triển.
c) Đối với “Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”: Đây là đề án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển Thủ đô và cả nước, thực hiện mục tiêu xây dựng Thủ đô Hà Nội văn minh, hiện đại, phát triển bền vững, phù hợp với quy mô, tầm vóc Thủ đô của một đất nước có trên 100 triệu dân trong tương lai, đang trong quá trình thực hiện CNH, HĐH và hội nhập quốc tế.
Việc xây dựng quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội không chỉ đề cập tới lĩnh vực quy hoạch, xây dựng, mà có liên quan rất chặt chẽ với nhiều lĩnh vực khác của thành phố, như: kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, bảo vệ môi trường… không chỉ đề cập tới các lĩnh vực trọng yếu như công nghiệp, xây dựng, dịch vụ mà phải chú ý đúng mức tầm quan trọng của vấn đề nông nghiệp, nông thôn và nông dân…
Yêu cầu đặt ra đối với công tác xây dựng quy hoạch chung xây dựng Thủ đô là:
- Quy hoạch phải thực sự là mô hình tổng thể, toàn diện về Thủ đô trong tương lai. Quy hoạch chung phải giải quyết đồng thời hàng hoạt vấn đề, trong đó có vấn đề có thể lượng hóa, có thể xác định được tỷ lệ, quy mô (như diện tích, dân số, xác định các tỷ lệ, các chỉ tiêu phát triển…) nhưng cũng có vấn đề không thể lượng hóa, nhưng vẫn cần phải tính đến (như các yếu tố lịch sử, văn hóa, truyền thống, tín ngưỡng…); phải giải quyết hợp lý, tối ưu những quan hệ, những lợi ích trước mắt và lâu dài; phải cụ thể hóa được quy mô, chức năng của từng khu vực, mạng lưới, không gian của Thủ đô, nhất là của đô thị hạt nhân và các đô thị vệ tinh; là cơ sở pháp lý để triển khai các quy hoạch ngành, quy hoạch chi tiết khác; giải quyết hiệu quả tình trạng mất cân đối, quá tải và tình trạng ô nhiễm môi trường đối với khu vực trung tâm thành phố hiện nay, đồng thời, bảo đảm phát triển hài hòa, đồng đều giữa khu vực đô thị và nông thôn… Tất cả những vấn đề này có thể được gọi chung là tầm nhìn, là năng lực hoạch định tương lai của chúng ta; phản ảnh ý chí của lãnh đạo và tập hợp được trí tuệ của toàn xã hội.
- Bên cạnh việc chọn lọc và tiếp thu những kinh nghiệm xây dựng và phát triển các thủ đô trên thế giới, chúng ta cần quan tâm hơn đến việc tạo dựng Thủ đô của nước ta có được bản sắc, thể hiện sự kế thừa và phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa và đặc điểm đô thị truyền thống của Việt Nam.
- Cần đặc biệt quan tâm vấn đề quy hoạch và phát triển mạng lưới giao thông, vừa để tháo gỡ tình trạng quá tải, mất cân đối hiện nay vừa là yếu tố hết sức quan trọng, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, góp phần vào sự phát triển của đất nước.
- Cần quan tâm đúng mức tới vấn đề biến đổi khí hậu, phòng, chống lũ lụt và bảo vệ môi trường của Thủ đô, với việc quy hoạch mạng lưới sông, hồ, vành đai xanh, hành lang xanh…
- Cùng với quá trình thẩm định, phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, cần làm ngay các quy hoạch phân khu chức năng, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết, bảo đảm sau khi quy hoạch chung được phê duyệt, các quy hoạch này cũng được thông qua, làm cơ sở cho việc triển khai thực hiện, thúc đẩy nhanh các dự án trên địa bàn thành phố.
- Quy hoạch chung cũng rất cần chỉ ra định hướng và yêu cầu cao đối với công tác quản lý, tổ chức thực hiện quy hoạch - một trong những nhân tố cực kỳ quan trọng, song đồng thời đây là một nhược điểm, yếu kém của bộ máy quản lý và ý thức chấp hành của các đối tượng quản lý.
3. Về công tác chỉ đạo đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu lần thứ XV Đảng bộ thành phố
Thực hiện Chỉ thị số 37 của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 36 của Thành ủy, các cấp ủy đảng từ thành phố tới cơ sở đã và đang tích cực chuẩn bị cho đại hội đảng bộ các cấp trên cả 3 mặt công tác: xây dựng văn kiện, công tác nhân sự và công tác tuyên truyền, chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ đại hội. Mọi công việc cần thiết chuẩn bị cho đại hội đảng các cấp của thành phố đã được tiến hành khẩn trương, nghiêm túc, bảo đảm yêu cầu về tiến độ và chất lượng. Thực hiện chủ trương của Đảng nhằm phát huy dân chủ, trí tuệ của toàn Đảng bộ trong việc xây dựng nhân sự cấp ủy khóa mới, thành phố đã tích cực thực hiện thí điểm việc đại biểu đại hội trực tiếp bầu ban thường vụ, bí thư, phó bí thư. Qua sơ kết, toàn Thành phố đã có 113/115 tổ chức cơ sở đảng hoàn thành việc tổ chức đại hội thí điểm. Kết quả và kinh nghiệm từ việc thí điểm này sẽ là những bài học tốt để tiếp tục chỉ đạo đại hội ở mỗi cấp và trong toàn Đảng bộ.
Tại kỳ họp này, Ban Chấp hành đã bàn và thống nhất phương án phân bổ đại biểu dự Đại hội đại biểu lần thứ XV Đảng bộ thành phố và kiện toàn, bổ sung cấp ủy và một số chức danh lãnh đạo của Thành ủy. Về nội dung phương hướng chuẩn bị nhân sự Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XV (nhiệm kỳ 2010-2015), Ban Thường vụ đề nghị cần được chuẩn bị kỹ thêm, sẽ trình Ban Chấp hành bàn tại một kỳ họp riêng. Trong quá trình chuẩn bị, cần tiếp thu tinh thần chỉ đạo của Trung ương, thực sự phát huy dân chủ, đặc biệt coi trọng yêu cầu tiêu chuẩn, chất lượng và cơ cấu hợp lý; yêu cầu hạ thấp độ tuổi bình quân và bảo đảm tỷ lệ nữ trong Ban Chấp hành khóa tới. Cần tiếp tục rà soát, thực hiện tốt công tác quy hoạch, chuẩn bị nhân sự đại hội đảng bộ các cấp. Các cấp ủy đảng cần quan tâm phát hiện, giới thiệu những nhân tố mới có đức, có tài, có triển vọng phát triển, cán bộ nữ, cán bộ trẻ...
Đồng thời với việc chuẩn bị tốt công tác nhân sự, các cấp cần tập trung thời gian, trí tuệ cho công tác chuẩn bị văn kiện đại hội, xác định đúng định hướng phát triển và nhiệm vụ cho nhiệm kỳ tới của đảng bộ. Tập trung nắm bắt, định hướng, xử lý kịp thời tình hình, diễn biến tư tưởng trước, trong và sau đại hội, không để xảy ra điểm nóng, phức tạp về tình hình an ninh trật tự. Giải quyết các cơ sở yếu kém, những trường hợp cán bộ cần điều chuyển trước hoặc sau Đại hội. Tổ chức tốt việc lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân về các dự thảo Văn kiện Đại hội XI của Đảng, để những hoạt động này thực sự là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô.
Nhiệm vụ 9 tháng còn lại của năm 2010 và chặng đường của những năm tiếp theo là hết sức nặng nề, đòi hỏi từng cơ quan, đơn vị và mỗi cán bộ, đảng viên, đặc biệt là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu các cấp của thành phố phải thực sự nỗ lực, cố gắng. Hơn lúc nào hết, các đồng chí cán bộ, đảng viên phải thể hiện quyết tâm và tinh thần trách nhiệm để hoàn thành nhiệm vụ với chất lượng và hiệu quả cao nhất; không vì sắp tới đại hội mà làm việc thụ động, đùn đẩy, né tránh, ảnh hưởng không tốt đến việc hoàn thành nhiệm vụ chung. Thời gian từ nay tới đại hội cũng chính là lúc giúp cho các tổ chức đảng có điều kiện nhận xét, đánh giá rõ hơn về bản lĩnh, về năng lực và đạo đức của cán bộ, ai là người luôn vì cái chung và ai là người chỉ lo cho cá nhân.
Nhiệm vụ trọng tâm, then chốt hiện nay là, thành phố phải dốc sức tập trung mọi nỗ lực, cố gắng để gấp rút hoàn thành các công việc cho Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu lần thứ XV Đảng bộ thành phố và Đại hội lần thứ XI của Đảng. Những nhiệm vụ trọng đại đặt ra cho chúng ta đòi hỏi cả hệ thống chính trị, toàn thể cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân Thủ đô phải nỗ lực vượt bậc thì mới có thể hoàn thành được.
Phát huy tinh thần “Đoàn kết, năng động, sáng tạo, kỷ cương, văn minh, thanh lịch”, kết quả và kinh nghiệm đạt được trong thời gian qua, ngay sau Hội nghị Thành ủy, các cấp, các ngành, đoàn thể thành phố, đặc biệt là Ban Cán sự đảng UBND thành phố cần tập trung chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt hơn nữa, cụ thể hóa ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với thành phố Hà Nội để tranh thủ thời cơ, thực hiện tốt các nhiệm vụ nêu trên, hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch của thành phố trong năm 2010, góp phần quyết định hoàn thành toàn diện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIV và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2005-2010), thiết thực chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và Đại hội lần thứ XV Đảng bộ thành phố.
(*) Đầu đề của Hànộimới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.