Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tập trung lấp “lỗ hổng” cơ chế

Quốc Bình| 08/02/2011 07:49

(HNM) - 238 đầu việc quan trọng đã được UBND TP Hà Nội sắp xếp trong chương trình công tác năm 2011. Nhiều vấn đề xã hội bức xúc sẽ được tập trung giải quyết bằng hàng loạt quy chế, chương trình, đề án mới. Không ít


Giải quyết bức xúc trong quản lý và quy hoạch đô thị


Cải tạo môi trường sông hồ là một trong những nhiệm vụ cấp bách được thành phố tập trung giải quyết trong năm nay. Ảnh: Phương An


Ngay trong quý I, Hà Nội dự định thực hiện hàng loạt quy hoạch chuyên ngành như y tế, giáo dục - đào tạo, làng nghề, thủy lợi, vùng trồng lúa chất lượng cao, xây dựng, giao thông vận tải, cấp thoát nước… Đây là những bản quy hoạch được chờ đợi từ lâu, vì không ít bất cập đang tồn tại trong các lĩnh vực này là do thiếu quy hoạch. Chẳng hạn, nhu cầu xây trường học mới ở ngoại thành, mở rộng trường học cũ ở nội thành ngày càng tăng lên. Nhưng mở rộng, xây dựng mới các trường học ở quy mô nào thì còn thiếu cơ sở, nên mỗi nơi làm một kiểu, thành ra huyện này làm trường quá nhỏ, huyện kia làm trường lớn đến mức không cần thiết. Trong khi đó, nội thành gần như "bó tay" trước nhu cầu mở rộng, xây mới trường học. Tất cả những lĩnh vực thiếu quy hoạch đều gặp những rắc rối tương tự, nên nhu cầu làm quy hoạch hiện nay là rất cấp bách và nếu chậm một ngày, vấn đề sẽ trở nên rắc rối hơn.

Để hoàn thành hệ thống quy hoạch trên cơ sở Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, Hà Nội cần lập hàng trăm quy hoạch nhỏ. Khối lượng công việc lớn, đòi hỏi chất lượng cao, nên việc chia sẻ trách nhiệm với nhiều ngành, nhiều cấp là rất cần thiết. Vì lẽ đó, UBND TP Hà Nội sẽ giải quyết bằng cơ chế mở: phân cấp lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ, đồ án quy hoạch cho các sở, ngành, địa phương. Các quy định về cấp phép quy hoạch theo Luật Quy hoạch đô thị cũng sẽ được cụ thể hóa trên địa bàn thành phố. Mặt khác, thực hiện Luật Quy hoạch đô thị, đồng thời khắc phục tình trạng nhà "siêu mỏng, siêu méo" phức tạp bấy lâu nay, TP Hà Nội dự định ban hành quy định quản lý kiến trúc hai bên tuyến đường mới mở trong quý II-2011. Đây sẽ là cơ sở cần thiết để hiện thực hóa một việc khó suốt những năm vừa qua. Hà Nội cũng sẽ ban hành các quy định nhằm tăng cường quản lý quy hoạch, kiến trúc như: quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị; quy định quản lý quy hoạch, kiến trúc các khu vực đặc trưng…

Liên quan đến quản lý đô thị, trong các cuộc tiếp xúc năm 2010, người dân nhiều khu chung cư "kêu trời" vì không lập được ban quản trị. Trong khi đó, tranh chấp giữa người dân và đơn vị quản lý các tòa nhà chung cư liên tục nảy sinh. Năm nay, Hà Nội dự định khắc phục bằng quy chế quản lý các khu chung cư. TP Hà Nội cũng sẽ ban hành nhiều cơ chế quan trọng khác như: quy định khuyến khích xây dựng nhà ở xã hội và nhà ở thu nhập thấp, quy định quản lý hệ thống chiếu sáng đô thị, chương trình phát triển chăn nuôi xa khu dân cư, giải pháp đẩy mạnh đầu tư xây dựng đường sắt đô thị, đề án phát triển hạ tầng giao thông vận tải 2011-2015, phương án hầm đường bộ qua sông Hồng…

Xử lý ô nhiễm môi trường

Ô nhiễm môi trường là vấn đề rất phức tạp đối với một đô thị lớn đang đô thị hóa nhanh chóng như Hà Nội. Năm 2011, thành phố tiếp tục thực hiện đề án giải quyết ô nhiễm môi trường gây bức xúc như bụi, ô nhiễm sông hồ…

Cũng trong năm 2011, Hà Nội sẽ thực hiện dự án lấy nước từ sông Hồng bổ sung cho sông Tô Lịch để "pha loãng" nồng độ ô nhiễm nước sông này. Quy hoạch chi tiết các tuyến sông Tô Lịch dự kiến cũng sẽ được làm song song để làm căn cứ thực hiện cải tạo, nâng cấp. Giữa năm nay, thành phố sẽ rà soát, đánh giá kết quả xử lý ô nhiễm nước một số hồ trên địa bàn để lên kế hoạch xử lý các hồ tiếp theo. Vì đến nay, số hồ được xử lý nước ô nhiễm mới chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trong khi đó, lãnh đạo thành phố cũng đã thừa nhận rằng "Những hồ khó xử lý nhất vẫn chưa được làm. Hầu hết các hồ được nhận cải tạo, xử lý, nước chỉ bị ô nhiễm nhẹ, thực hiện không quá khó khăn". TP Hà Nội sẽ lấp "lỗ hổng" cơ chế xã hội hóa xử lý ô nhiễm môi trường bằng quy định cụ thể về ưu đãi, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia xử lý nước thải và dịch vụ môi trường.

Lần đầu tiên, TP Hà Nội sẽ xây dựng hệ thống quản trị dữ liệu tài nguyên khoáng sản, cơ sở dữ liệu đồng bộ về môi trường thuộc đề án xử lý ô nhiễm môi trường bức xúc và triển khai dự án xây dựng kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu. Thành phố còn có riêng đề án điều tra thực trạng khai thác sản xuất gạch ngói trên địa bàn làm cơ sở để xây dựng chính sách quản lý hoạt động vốn gây nhiều bức xúc gay gắt trong dân cư vài năm trở lại đây. Quy hoạch bảo vệ môi trường thành phố đến năm 2030, tầm nhìn 2050; quy hoạch vệ sinh môi trường thành phố đến năm 2030, tầm nhìn 2050; quy hoạch nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; quy hoạch mạng lưới quan trắc chất lượng không khí cố định cũng được xem xét trong năm nay.

Năm 2011 là năm bản lề thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp, Kế hoạch 5 năm 2011-2015, Chiến lược phát triển 10 năm 2011-2020, nên có ý nghĩa hết sức quan trọng. Càng quan trọng hơn khi Hà Nội còn đó cả "núi việc" mà chỉ điểm qua đã thấy rất khó khăn. Tất cả đòi hỏi những nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền và người dân Hà Nội để tận dụng cơ hội phát triển bứt phá.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tập trung lấp “lỗ hổng” cơ chế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.