Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tập trung kiểm soát vấn đề độc quyền doanh nghiệp

Hồng Sơn| 14/04/2012 04:27

(HNM) - Những thay đổi trong cách nhìn nhận, đánh giá về nền kinh tế, nhất là sự chuyển đổi của nền kinh tế theo hướng thị trường đã được đề cập khá rõ tại hội thảo: "Thay đổi cảm nhận về Nhà nước và thị trường của người Việt Nam năm 2011", do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 13-4, tại Hà Nội…

Qua khảo sát hơn 1.000 doanh nghiệp (DN), một số cơ quan đảng, chính quyền địa phương và nhà báo, có 87% số người được hỏi ủng hộ kinh tế thị trường. Các chuyên gia đánh giá, phản ứng này như một biểu hiện đáng mừng, là chuyển biến quan trọng trong nhận thức xã hội. Đặc biệt, khi nền kinh tế chuyển đổi đã tạo cơ hội giải phóng nhiều nguồn lực trong dân, nhất là về vốn và chất xám để huy động, phát triển kinh tế. Thực chất, điều này là bước ngoặt lớn, tạo ra làn sóng đăng ký thành lập DN tư nhân mới, với tốc độ gia tăng ngày càng nhanh theo thời gian. Đến nay, cộng đồng DN Việt Nam có hơn 400.000 DN đang hoạt động, trở thành nguồn cung việc làm, thu nhập và đóng góp trực tiếp cho ngân sách quốc gia. Nhưng, trong một khía cạnh khác, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong lại cảnh báo một "nghịch lý" là, trong khi dân chúng vừa ủng hộ việc cải cách và chuyển đổi mạnh sang cơ chế thị trường nhưng vừa muốn Nhà nước can thiệp tốt hơn vào thị trường để ổn định giá, nhất là đối với hàng thiết yếu. Một số nhà nghiên cứu cho rằng, chính thực tế này là biểu hiện khá rõ của đặc tính "có sự điều tiết của Nhà nước" đối với nền kinh tế trong giai đoạn hiện tại. Cũng qua đó, Nhà nước chủ động điều hành những vấn đề quan trọng, có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nhân dân, quốc kế dân sinh và từng bước dung hòa các quyền lợi giữa người dân, DN và Nhà nước; trong đó luôn lấy lợi ích của dân làm gốc nhằm mục tiêu ổn định vĩ mô, hướng tới sự cân bằng tổng quát về KT-XH. Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, việc có 69% số người trả lời cho rằng, sở hữu tư nhân là ưu việt so với 13% trả lời là sở hữu nhà nước là ưu việt cho thấy đã có sự thay đổi khá lớn trong cảm nhận, cách đánh giá của người dân. Dường như vấn đề này cũng thể hiện xu hướng xã hội hóa, cho phép thu hút dòng vốn tư nhân tham gia vào những vấn đề, chương trình/dự án kinh tế đồng thời với việc DN nhà nước từng bước chia sẻ cơ hội kinh doanh cho khu vực tư nhân.

Dư luận mong muốn Chính phủ nghiêm khắc hơn với các DN nhà nước, nhất là về cơ chế, cấp vốn, thị trường; tăng cường năng lực giám sát, kiểm tra quản lý kết hợp khắc phục những khiếm khuyết trong quản lý kinh tế của khối DN nhà nước. Những vấn đề, tồn tại trong quản lý, nhất là về tài chính, sử dụng vốn, lĩnh vực đầu tư xảy ra ở nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước đang và sẽ là bài học đắt giá với yêu cầu bức thiết là làm sao ngăn chặn tình trạng này tái diễn. Bên cạnh đó, cần tăng tốc độ cổ phần hóa DN nhà nước để qua đó Nhà nước có thể thu hồi vốn, dành vốn đó cho mục tiêu khác như một bước phát triển kinh tế thị trường thực sự. Các chuyên gia cũng nhất trí rằng, Nhà nước cần tập trung kiểm soát vấn đề độc quyền của DN cũng như giảm bớt sự can thiệp hành chính đối với hoạt động kinh doanh, tăng tốc độ cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh. Tất cả nhằm hình thành một thị trường lành mạnh, bình đẳng cho cộng đồng DN trong quá trình hoạt động.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tập trung kiểm soát vấn đề độc quyền doanh nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.