Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tập trung khôi phục, phát triển sản xuất, kinh doanh

Nhóm phóng viên| 15/09/2021 06:15

(HNM) - Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 9-9-2021 về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19. Dư luận cho rằng, những giải pháp cụ thể được nêu trong Nghị quyết đã thể hiện sự tiếp tục đồng hành của Chính phủ với các thành phần của nền kinh tế trong việc giải quyết khó khăn, vướng mắc để tập trung nguồn lực khôi phục, phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần bảo đảm an sinh, việc làm cho người lao động.

Thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp Thọ Lộc (huyện Phúc Thọ) đóng gói rau an toàn đưa ra thị trường.

Kiến trúc sư Phạm Văn Chương, Giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn kiến trúc AC:
"Đòn bẩy" khôi phục, phát triển sản xuất, kinh doanh

Đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã khiến các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh ảnh hưởng nặng nề và ngày càng khó khăn. Do vậy, tôi rất đồng tình và kỳ vọng Nghị quyết số 105/NQ-CP đi vào cuộc sống sẽ là "đòn bẩy" khôi phục, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Trong đó có mục tiêu rất đáng chú ý là đến hết năm 2021, phấn đấu lũy kế ít nhất khoảng 1 triệu lượt doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được hưởng chính sách tín dụng hỗ trợ ứng phó dịch bệnh. Từ chính sách hỗ trợ ý nghĩa và kịp thời này, tôi tin tưởng tới đây sẽ giảm tối đa doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh phải tạm ngừng hoạt động, giải thể, phá sản.

Phó Giám đốc Công ty TNHH Giao thông Hồng Hà Đỗ Diệu Linh:
Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh là trung tâm phục vụ

Trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động tiêu cực nhưng cộng đồng doanh nghiệp vẫn phát huy tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, quyết tâm, nỗ lực thích ứng với hoàn cảnh khó khăn để duy trì sản xuất, kinh doanh, việc làm cho người lao động. Để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh, phục hồi và tạo đà phát triển là hết sức cần thiết. Tôi thực sự yên tâm và tin tưởng vào mục tiêu chỉ đạo “Chống dịch để sản xuất và sản xuất để chống dịch”, “An toàn mới sản xuất, sản xuất thì phải an toàn” của Chính phủ; chú trọng hiệu quả, không phô trương hình thức, nói đi đôi với làm, lấy người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh là trung tâm phục vụ, là chủ thể tham gia phòng, chống dịch.

Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Thọ Lộc (xã Thọ Lộc, huyện Phúc Thọ) Chu Đức Biên:
Cần thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ

Nghị quyết số 105/NQ-CP với nhiều chính sách hỗ trợ, có lộ trình, kế hoạch cụ thể để doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh hoạt động trở lại, không để xảy ra khủng hoảng kinh tế - xã hội, sớm đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường mới. Đây chính là "chỗ dựa" vô cùng quan trọng mà doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đang mong chờ. Tôi rất mong chính sách gia hạn nộp thuế; miễn, giảm thuế, phí, tiền thuê đất; hỗ trợ giảm tiền điện, tiền nước, cước viễn thông, chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động... được thực hiện đầy đủ, kịp thời để doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh sớm vượt qua giai đoạn khó khăn do dịch bệnh.

Chủ cơ sở Hoa đất Hương Thủy (phố Đỗ Quang, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy) Nguyễn Hương Thủy:
Bất kỳ sự hỗ trợ nào trong lúc này đều vô cùng đáng quý

Dịch Covid-19 kéo dài đã khiến nguồn cung ứng nguyên liệu đầu vào của sản phẩm hoa đất nhiều lần đứt gãy; giá cả tăng cao trong khi đầu ra ngày càng thu hẹp do người tiêu dùng phải “thắt lưng buộc bụng” trước bối cảnh kinh tế khó khăn, thu nhập giảm. Do không kinh doanh, sản xuất mặt hàng thiết yếu nên trong tất cả những đợt dịch bùng phát, cơ sở của chúng tôi thường xuyên phải ngừng mọi hoạt động, thu nhập "đóng băng" khiến đời sống người lao động gặp rất nhiều khó khăn. Với chúng tôi lúc này, bất kỳ sự hỗ trợ nào từ Nhà nước, chính quyền địa phương đều vô cùng đáng quý. Rất mong các ngành chức năng sẽ sớm có hướng dẫn cụ thể, thúc đẩy việc thực hiện Nghị quyết số 105/NQ-CP đến từng doanh nghiệp, hợp tác xã và chủ cơ sở kinh doanh để chúng tôi sớm được thụ hưởng chính sách ý nghĩa này.

Chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ thêu vi tính (đường Vũ Xuân Thiều, phường Sài Đồng, quận Long Biên) Nguyễn Thanh Thủy:
Góp phần bảo đảm an sinh và việc làm cho người lao động

Nếu tiếp tục dừng hoạt động như thời gian qua, chúng tôi phải đối mặt với nguy cơ giải thể do cả đầu vào và đầu ra đều đứt gãy. Do vậy, chúng tôi đang tính đến việc chuyển đổi từng bước mô hình hoạt động để vừa duy trì sản xuất, vừa tìm kiếm hướng đi mới. Quyết nghị của Chính phủ tại Nghị quyết số 105/NQ-CP đã giao nhiệm vụ rất chi tiết, cụ thể đến từng bộ, ngành, địa phương nhằm tạo điều kiện tối đa giúp các thành phần kinh tế phục hồi sản xuất, kinh doanh; chuyển đổi mô hình sản xuất, kinh doanh phù hợp nhằm hạn chế tối đa tình trạng giải thể. Tôi rất mong các bộ, ban, ngành chức năng sớm hiện thực hóa Nghị quyết số 105/NQ-CP để hỗ trợ các thành phần kinh tế sớm phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh, qua đó góp phần bảo đảm an sinh và việc làm cho người lao động.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tập trung khôi phục, phát triển sản xuất, kinh doanh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.