Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tập trung khắc phục hậu quả lũ lụt, giải quyết các vấn đề về môi trường

Hữu Hoài - Chí Đạo tổng hợp| 21/11/2010 06:14

Mưa lũ làm 25 người chết, 8 người mất tích Ngày 20-11, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã về chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả lũ lụt tại tỉnh Bình Định. Phó Thủ tướng đã đi kiểm tra tình hình lũ lụt, thăm hỏi và tặng quà cho các gia đình bị lũ làm sập nhà cửa hoàn toàn tại thôn Chánh Hội, xã Cát Chánh, huyện Phù Cát; thăm gia đình nạn nhân Dương Thị Diễm, 19 tuổi bị lũ cuốn trôi tại thôn Thạnh Danh, xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn.




Nhiều hộ dân ở thôn Lạc Điền, xã Phước Thắng, huyện Tuy Phước (tỉnh Bình Định) vẫn ngập trong nước lũ.


Làm việc với lãnh đạo chủ chốt các ban, ngành, địa phương tỉnh Bình Định, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu lãnh đạo tỉnh Bình Định cần lưu ý xem xét lại công tác quản lý và đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền đến mọi người dân vùng lũ bằng các hình thức khác nhau; tổ chức và phân công lực lượng canh phòng nghiêm ngặt những nơi nguy hiểm thường xảy ra trước khi mưa lũ; không được chủ quan với hiểm họa thiên tai. Từng bước xây dựng ý thức và thói quen hỗ trợ nhau trong điều kiện sống chung với lũ ở từng thôn, xóm và khu vực dân cư. Các cấp chính quyền cần tổ chức theo dõi diễn biến về thời tiết, biến đổi khí hậu để có biện pháp ứng phó kịp thời và hiệu quả.

Về công tác khắc phục hậu quả lũ lụt, trước mắt, địa phương tập trung giải quyết đời sống nhân dân, môi trường và phòng bệnh; không để một người dân nào bị đói, rét và đề phòng bệnh tật xảy ra. Đồng thời, tổ chức vệ sinh đồng ruộng sau lũ, cung ứng đủ giống cây các loại; sửa chữa các hệ thống đê điều, kênh mương, thủy lợi, hồ chứa nước... để phục vụ kịp thời vụ sản xuất đông xuân. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng thống nhất với các kiến nghị của tỉnh, giao các bộ, ngành chức năng giải quyết tạm ứng kinh phí mua 1.000 tấn gạo cứu đói; hỗ trợ kinh phí mua giống lúa và rau mầu sản xuất, 100 cơ số thuốc chữa bệnh cho nhân dân.

Hôm qua (20-11), tình hình mưa lũ ở Phú Yên, Khánh Hòa, Quảng Nam vẫn phức tạp. Tại Phú Yên, mưa lớn nước lũ dâng cao bất ngờ đã nhấn chìm 150 hộ dân ở phường Phú Thạnh (TP Tuy Hòa). Tại Khánh Hòa, tiếp tục có mưa, mực nước các sông đang xuống chậm, nhưng theo dự báo vẫn có khả năng lên lại do các hồ thủy điện trên địa bàn tiếp tục xả lũ. Nhiều địa phương vẫn bị ngập, giao thông gián đoạn. Sáng cùng ngày, Sở Giao thông vận tải Khánh Hòa tiến hành nổ mìn phá khối đá gần 1.500m3 từ núi cao rơi xuống tại Km 42 + 800 đường Khánh Lê đi Lâm Đồng, chặn ngang đường làm ách tắc giao thông. Hiện khu vực này đã lưu thông một bên nhưng đi lại rất khó khăn. Dự kiến khoảng 1 tuần sau mới lưu thông hoàn toàn. Tại Quảng Nam, huyện Nam Trà My vẫn còn 10 xã bị cô lập do sạt lở. Tại trung tâm xã Trà Mai, đất đá sạt lở đã vùi lấp và làm hỏng 16 ngôi nhà của bà con. Sáng 20-11, tại thôn 2 xã Trà Linh xuất hiện tình trạng nứt núi, đe dọa 100 hộ gia đình. Hiện chính quyền Nam Trà My đã chỉ đạo các lực lượng tập trung di dời các hộ này đến nơi an toàn. Tuy nhiên, chiều 20-11, tuyến đường từ trung tâm huyện Nam Trà My về xã Trà Linh bị sạt lở, ách tắc hoàn toàn, phải mất ít nhất 2 ngày nữa, lực lượng ứng cứu mới tiếp cận được người dân. Tại Quảng Ngãi, đến chiều 20-11, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tiếp nhận hơn 5 tỷ đồng. Công tác cứu trợ đang được tỉnh gấp rút triển khai về các địa phương giúp bà con nhanh chóng vượt qua khó khăn.

Thống kê đến tối qua (20-11) của Ban Chỉ đạo PCLB trung ương cho biết, mưa lũ ở miền Trung đã làm 25 người bị chết, trong đó Thừa Thiên Huế và Quảng Ngãi có số người chết nhiều nhất (mỗi tỉnh 7 người); 8 người còn mất tích.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tập trung khắc phục hậu quả lũ lụt, giải quyết các vấn đề về môi trường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.