Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tập trung khắc phục hậu quả bão số 3

Kim Văn| 21/08/2016 06:49

(HNM) - Các địa phương tập trung khắc phục hậu quả thiên tai, không chủ quan trong ứng phó với mưa lũ sau bão số 3, là yêu cầu của Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai tại cuộc họp diễn ra sáng 20-8 tại Hà Nội.


Lực lượng vũ trang huyện Ba Chẽ (tỉnh Quảng Ninh) giúp nhân dân khắc phục hậu quả sau bão. Ảnh: Đỗ Phương


Hoàn lưu bão tiếp tục gây thiệt hại nặng

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, tại các tỉnh miền núi phía Bắc có mưa to, mực nước các sông, suối đều dâng cao, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Theo báo cáo nhanh của các địa phương, đã có 6 người chết do lũ cuốn trôi; 13 nhà ở bị đổ sập, cuốn trôi; 297 nhà bị tốc mái, hư hại; 117 nhà bị ngập nước; 5.844ha lúa và hoa màu bị ngập úng; 595ha cây trồng lâu năm bị thiệt hại; nhiều vị trí tại các quốc lộ, tỉnh lộ bị sạt lở, ngập nước hoặc bị đất đá vùi lấp gây ách tắc giao thông…

Trong đó, tại tỉnh Yên Bái, mưa lũ đã làm 2 người chết do sạt lở đất, 496ha lúa, 30ha ngô bị ngập úng… Ước thiệt hại do mưa lũ tại tỉnh Yên Bái đến thời điểm này là trên 8 tỷ đồng. Tại Lào Cai, mưa lũ đã khiến 2 người chết và mất tích; hơn 270 gia đình phải sơ tán do nước ngập; 320ha lúa, hoa màu hư hại, thiệt hại ước tính hơn 60 tỷ đồng. Mưa lũ cũng khiến giao thông bị ảnh hưởng, trên các tuyến quốc lộ 279, 4, 4D và các tuyến tỉnh lộ 155, 158 xuất hiện nhiều điểm sạt lở, gây cản trở giao thông… Tại tỉnh Sơn La có 1 người chết ở huyện Sốp Cộp do lũ cuốn trôi; gần 200 ngôi nhà bị sập đổ và hư hỏng; 14 công trình cầu treo, đập xây bị hư hỏng. Còn tại Quảng Ninh, bão số 3 không gây thiệt hại về người nhưng đã gây thiệt hại về tài sản, ước tổng thiệt hại khoảng 3,5 tỷ đồng.

Hà Nội cơ bản giải quyết xong ngập úng

Ngày 20-8, trên địa bàn Hà Nội không còn mưa nên cơ bản các điểm úng ngập đã được khắc phục, nhiều tuyến đường phương tiện lưu thông trở lại bình thường. Các chợ, cửa hàng kinh doanh buôn bán mở cửa trở lại, giá cả không biến động nhiều.

Theo thống kê của Văn phòng UBND TP Hà Nội, bão số 3 đã làm 4 người bị thương; 16 ô tô, xe máy bị thiệt hại, 16 cột điện bị gãy đổ, 10 nhà bị tốc mái, gãy đổ 110 cây xanh đô thị. Bão số 3 đã làm ngập gần 3.290ha lúa, hoa màu, trong đó ngập trắng 30ha; sạt trượt 30m bờ đê sông Cầu Ngà, địa bàn phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm… Để khắc phục thiệt hại, thành phố đã huy động tối đa về quân số, phương tiện, công cụ hỗ trợ tổ chức xử lý ngay các sự cố, bảo đảm an toàn giao thông. Các sở, ban, ngành phối hợp với các quận, huyện, thị xã tập trung chỉ đạo kiểm tra, khắc phục hậu quả sau bão, bảo đảm ổn định đời sống, sản xuất và sinh hoạt của nhân dân…

Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết, để khắc phục nhanh úng ngập, đơn vị tiếp tục vận hành trạm bơm Yên Sở và mở dần đập Thanh Liệt để hỗ trợ giảm mực nước trên sông Nhuệ. Các trạm bơm khác cũng đang được vận hành hết công suất để hạ mực nước trên hệ thống về mức quy định, sẵn sàng đối phó với các trận mưa tiếp theo.

Không chủ quan trong ứng phó sau bão

Theo đánh giá của các thành viên Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai, so với hai cơn bão số 1 và số 2, thiệt hại của bão số 3 thấp hơn nhiều. Vấn đề quan trọng nhất là do công tác chỉ đạo, điều hành và ứng phó bão số 3 được thực hiện nghiêm túc, khẩn trương, quyết liệt, kịp thời từ trung ương đến địa phương; công tác tuyên truyền, cảnh báo đã được đẩy mạnh…

Tuy nhiên, Ban Chỉ đạo cho rằng, công tác dự báo bão số 3 mặc dù đã đúng về hướng đi, tốc độ, phạm vi, tuyến ảnh hưởng nhưng vẫn cần rút kinh nghiệm để dự báo chính xác hơn. Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Nam, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng: “Công tác dự báo hiện nay vẫn chưa tương xứng với diễn biến phức tạp của bão. Trên thực tế, chính quyền địa phương thông báo bão nhưng người dân không thấy bão đổ bộ lúc nào, điều này rất khó trong công tác chỉ đạo. Vì vậy, Nhà nước phải đầu tư nhiều hơn cho công tác dự báo. Có dự báo chính xác thì mới điều động lực lượng ứng phó bão hiệu quả”.

Để chủ động ứng phó với mưa lũ sau bão, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trưởng ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường yêu cầu các địa phương căn cứ tình hình thực tế, bám sát diễn biến mưa lũ để chủ động điều chỉnh phương án, kịch bản để ứng phó kịp thời; tiếp tục rà soát và triển khai ngay việc sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, khu vực ven sông suối có nguy cơ xảy ra ngập úng tránh tình trạng chủ quan… Các tỉnh chịu ảnh hưởng của bão số 3 tập trung khắc phục hậu quả mưa bão, huy động nhân dân sửa chữa nhà cửa bị thiệt hại, khẩn trương triển khai công tác vệ sinh môi trường và sinh hoạt của người dân… 

Mực nước sông Hồng tại Hà Nội đạt đỉnh vào ngày 22-8

(HNM) - Ngày 20-8, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương cho biết, do ảnh hưởng của hoàn lưu vùng áp thấp suy yếu từ bão số 3, khu vực Bắc Bộ xảy ra mưa trên diện rộng. Mực nước sông Đà, sông Thao, sông Hoàng Long và hạ lưu sông Hồng lên nhanh. Dự báo, mực nước sông Hồng tại Hà Nội cao nhất có khả năng vào ngày 22-8. Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương cũng đưa ra cảnh báo ngập úng vùng trũng và sạt lở đất ở vùng núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ, cấp độ rủi ro thiên tai cấp 2. Tại khu vực Hà Nội, theo Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Khu vực đồng bằng Bắc Bộ Võ Văn Hòa, từ 20h đến 21h ngày 20-8, 11/20 điểm quan trắc trên địa bàn TP Hà Nội đã có mưa, lớn nhất là khu vực Mễ Trì với lượng mưa là 49,4mm, Đại Mỗ 45mm, Phú Lãm 43,5mm… Dự báo ngày 22-8 không mưa, ngày nắng; ngày 23 và 24-8 có lúc có mưa rào, nhiệt độ từ 24 đến 34 độ C.

Gia Khánh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tập trung khắc phục hậu quả bão số 3

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.