Bão số 6 giảm xuống cấp 9, cấp 10 * 30.000ha lúa đã chín ở miền Bắc bị đổ (HNM) - Trái với các dự báo trước đó, bão số 6 đã di chuyển chậm lại và giảm cường độ xuống cấp 9, cấp 10, giật cấp 11, cấp 12.
Theo chuyên gia khí tượng thủy văn, trong những ngày tới, bão không thể tăng mạnh cấp 12-13 như khi mới vào biển Đông. Tuy nhiên, diễn biến bão lại trở nên phức tạp, hướng đi khó dự đoán. Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương yêu cầu tiếp tục theo dõi diễn biến mưa, lũ ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên và diễn biến của cơn bão số 6; duy trì lực lượng thường trực tìm kiếm cứu nạn để xử lý khi có yêu cầu; phân công cán bộ lãnh đạo, chuyên môn xuống các khu vực để chỉ đạo trực tiếp.
Gặt lúa chạy bão tại huyện Thái Thụy (Thái Bình).Ảnh: TTXVN
Trước khả năng bão số 6 đổ bộ vào các tỉnh miền Trung, chính quyền và người dân các địa phương từ Quảng Bình đến Phú Yên đang khẩn trương triển khai các biện pháp đối phó với bão. Tại tỉnh Quảng Bình đã có 4 người chết và mất tích; hàng trăm ngôi nhà cùng hàng nghìn héc ta lúa, hoa màu bị ngập do mưa lũ dài ngày. Đến ngày 3-10, trời tiếp tục có mưa, mực nước trên các sông xuống chậm, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã huy động 5 tàu, 10 ca nô với 500 cán bộ, chiến sĩ về hỗ trợ nhân dân hai huyện Tuyên Hóa và Minh Hóa khắc phục hậu quả lũ lụt và giúp địa phương chủ động đối phó với bão số 6. Sáng 3-10, UBND tỉnh Quảng Trị đã tổ chức họp khẩn, chỉ đạo các địa phương không chủ quan và triển khai ngay các phương án chống bão để giảm nhẹ thiệt hại; các lực lượng vũ trang tiếp tục triển khai để giúp nông dân gặt chạy lũ, trọng điểm tại huyện Triệu Phong với 1.000ha lúa đang ngập nước. Tỉnh Thừa Thiên Huế dự trữ 100 tấn gạo và 100 tấn mì ăn liền, đồng thời yêu cầu các địa phương chuẩn bị đầy đủ lương thực, xăng dầu, muối tại các địa bàn xung yếu, đủ dùng từ 7 đến 10 ngày. Do ảnh hưởng của bão số 5, đã xảy ra mưa, lốc xoáy tại huyện Ðồng Văn (Hà Giang), làm 2 người bị thương nhẹ, thiệt hại 193 nhà dân, 6 điểm trường, 1 nhà lưu trú học sinh, 1 nhà công vụ và 4 trụ sở thôn. Tại tỉnh Thái Bình, bão số 5 đã làm đổ, ngã hơn 40.000ha lúa mùa. Tại hai huyện Tiền Hải và Thái Thụy, mưa bão đã làm sạt lở một số hệ thống đê, kè, cống, làm gần 2.000ha đầm nuôi ngao, hơn 3.500ha đầm nuôi trồng thủy sản thiệt hại. UBND tỉnh chỉ đạo các huyện tập trung tiêu thoát nước cứu lúa, khẩn trương khắc phục hậu quả. Tại Hà Nội, các địa phương đã thu hoạch được khoảng 20 đến 25% trong tổng diện tích hơn 100.000ha lúa mùa, đồng thời tiến hành ngay việc gieo trồng vụ đông đối với các diện tích đã cắt lúa để bảo đảm thời vụ.
Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), toàn miền Bắc đang có 30.000ha lúa đang thời kỳ chín, đã đến ngày thu hoạch bị đổ rạp, nhiều diện tích rau màu cũng bị hư hỏng, tập trung ở Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình. Cục Trồng trọt khuyến cáo, phần diện tích này nếu không được cắt kịp thời sẽ ảnh hưởng rất lớn đến năng suất, gặt muộn cũng ảnh hưởng đến kế hoạch gieo trồng cây vụ đông và cấy lúa vụ xuân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.