(HNM) - Hoạt động xuất khẩu vẫn tiếp tục đối diện với nhiệm vụ khá nặng nề, bởi bối cảnh, tình hình thị trường thế giới chưa có dấu hiệu sáng sủa hơn.
Nông sản là một trong những mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam. Trong ảnh: Chế biến dứa xuất khẩu.Ảnh: Sơn Hà |
Xác định rõ mục tiêu
Có thể nói hoạt động xuất khẩu bước vào năm mới với hành trang “xôi đỗ” với những hạn chế xen lẫn yếu tố tích cực. Dù rất cố gắng nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu đã không đạt tốc độ tăng trưởng 10% như kế hoạch đề ra (chỉ tăng 8,6%). Tuy nhiên, mức xuất siêu 2,68 tỷ USD đã tạo ra giá trị thiết thực và đóng góp không nhỏ cho nền kinh tế, cũng như cán cân thanh toán quốc gia. Các chuyên gia nhận định, năm 2017 vẫn sẽ tiếp diễn những tồn tại, sự giảm sút về sức mua tại hầu hết thị trường nhập khẩu. Nhiều quốc gia - đối tác lớn, giàu tiềm năng của Việt Nam như Mỹ, EU, Nhật Bản… đều đang đối diện với không ít khó khăn, thách thức, khả năng phục hồi chậm. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng xác nhận, hàng Việt Nam còn gặp bất lợi về giá trên thị trường quốc tế, nhất là đối với sản phẩm dầu thô. Trong bối cảnh trên, Việt Nam đặt mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng xuất khẩu năm 2017 là 6-7% và khống chế mức nhập siêu thấp hơn 3,5% tổng kim ngạch xuất khẩu cho thấy mục tiêu phần nào được giảm nhẹ, “mềm” hóa hơn so với năm 2016.
Bình luận về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, việc điều chỉnh theo hướng hạ thấp tốc độ tăng trưởng xuất khẩu là phù hợp, bởi hoạt động và nhu cầu đầu tư thế giới nhìn chung vẫn trầm lắng, khả năng hồi phục chậm. Hơn nữa, tác động tích cực cho xuất khẩu của Việt Nam khi tham gia các hiệp định thương mại tự do cũng chưa có dấu hiệu khả quan...
Về phía DN, mỗi đơn vị đều nghiên cứu, xác định hướng đi riêng của mình, dù hoàn cảnh khác nhau. Ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, ngành này phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu và chọn cách tập trung duy trì thị trường truyền thống, kết hợp mở rộng tìm thị trường mới. Song, quan trọng nhất vẫn là tăng cường đầu tư chiều sâu, sáng tạo để tăng giá trị gia tăng của sản phẩm xuất khẩu.
Nhiều biện pháp đồng bộ
Về cơ cấu hàng xuất khẩu, Việt Nam sẽ chú trọng mở rộng thị trường gắn liền với gia tăng kim ngạch xuất khẩu một số loại nông sản, tập trung vào các loại quả có thế mạnh như vải, nhãn, xoài, dưa hấu, thanh long, mít… Theo Bộ Công Thương, đây là nhân tố mới, góp phần gia tăng đáng kể vào tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, có nhiều tiềm năng để phát huy. Đặc biệt, diễn biến này cũng phù hợp với chủ trương thúc đẩy sự phát triển, theo hướng tập trung để nâng cao về quy mô, nâng tầm và giá trị xuất khẩu nông sản thông qua thực hành sản xuất nông nghiệp sạch - bền vững của Chính phủ… Mặt khác, đây còn là hướng đi khai thác được thế mạnh cũng như truyền thống làm nông nghiệp - gắn bó với đời sống của khoảng 70% dân số toàn quốc. Rõ ràng, yếu tố này sẽ kích thích hoạt động sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyên môn hóa cao, hướng tới giá trị gia tăng cao đồng thời phù hợp với yêu cầu khi hội nhập quốc tế của nông sản Việt. Kết quả cuối cùng sẽ là sự ổn định, từng bước cải thiện thu nhập cho bà con nông dân và giới chủ trang trại trên diện rộng.
Tiếp theo, cần phát huy kết quả xuất khẩu đầy ấn tượng của nhóm hàng của Ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo. Năm 2016, nhóm hàng này đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất - với mức tăng 10,5%, chiếm hơn 80% tổng kim ngạch xuất khẩu. Và chính nhóm hàng gồm điện thoại và linh kiện, máy tính, sản phẩm điện tử… này, sẽ là tác nhân quyết định sự thành công hay không của hoạt động xuất khẩu.
Phát biểu tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2017 của Ngành Công Thương mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ghi nhận kết quả xuất khẩu ấn tượng của nhóm hàng chế biến, chế tạo và khẳng định đó là minh chứng cho sự trưởng thành của sản xuất công nghiệp Việt Nam nói chung. Thủ tướng nhấn mạnh, cần tập trung nguồn lực, hỗ trợ DN để nhân lên kết quả nói trên trong năm nay. Đặc biệt, Bộ Công Thương cần rà soát, yêu cầu đội ngũ cán bộ, tham tán thương mại tập trung vào nhiệm vụ cụ thể của mình là tìm kiếm, khai thông các thị trường cho hàng Việt Nam xuất khẩu ra nước ngoài. Hy vọng, danh mục hàng hóa đạt kim ngạch hơn 1 tỷ USD sẽ tiếp tục tăng lên, vượt con số 25 mặt hàng như năm qua.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, Bộ sẽ phối hợp với các địa phương trong việc hỗ trợ DN sản xuất và xuất khẩu; trong đó tập trung cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả phục vụ là sự thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của một cơ quan của Chính phủ kiến tạo. Bộ sẽ tiếp tục tái cơ cấu bộ máy theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu quả hoạt động, triển khai Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của môi trường đầu tư - kinh doanh. Các DN cũng được khuyến cáo, hỗ trợ trong việc xây dựng thương hiệu, quảng bá hình ảnh với các thị trường, đối tác nhập khẩu.
Bộ cũng tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN khắc phục hàng rào kỹ thuật của nước ngoài. Cụ thể, phối hợp với các ngành liên quan trong phân tích nguy cơ dịch hại và quy định kiểm dịch thực vật đối với nông sản, thủy sản của ta, nhằm thúc đẩy xuất khẩu vào các thị trường sức mua cao như Australia, Mỹ, Nhật Bản; bên cạnh đó là đẩy nhanh tốc độ hoàn tất thủ tục pháp lý với Trung Quốc, đề nghị nước bạn mở cửa hơn nữa đối với nông sản Việt Nam.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.