(HNM) - Với chủ đề "Từ ổn định tới phục hồi kinh tế", Diễn đàn Doanh nghiệp (DN) Việt Nam với sự tham gia của đại diện một số bộ, ngành, tổ chức quốc tế và hiệp hội DN đã được tổ chức ngày 29-5, tại Hà Nội. Diễn đàn là dịp để cộng đồng DN trong, ngoài nước nêu thực trạng hoạt động, đề xuất kiến nghị với Chính phủ và các cơ quan quản lý…
Doanh nghiệp đang "hụt hơi"
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Bùi Quang Vinh cho biết, diễn đàn là dịp để các DN đối thoại thẳng thắn với Chính phủ. Nền kinh tế tiếp tục đối mặt với hàng loạt thách thức tiếp diễn từ năm 2011 đến nay, DN gặp khó khăn do tồn đọng sản phẩm, chi phí tăng cao nhưng lại thiếu vốn duy trì SXKD. Kết quả thống kê cho thấy những số liệu rất đáng lo ngại, như Hà Nội hiện có khoảng 1.200 DN giải thể và tạm ngừng hoạt động, TP Hồ Chí Minh cũng có 900 DN giải thể và gần 800 DN tạm ngừng hoạt động. Đương nhiên, đây chỉ là những con số được báo cáo và xác nhận chính thức trong khi tình trạng u ám này cũng đang diễn ra ở nhiều địa phương, con số chính xác rất có thể cao hơn. Trong khi đó, số DN đăng ký thành lập mới trong 5 tháng đầu năm và tổng vốn đăng ký cũng giảm so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Ảnh: Bá Hoạt |
Dưới ảnh hưởng tiêu cực, với nguyên nhân khách quan từ môi trường quốc tế và các yếu kém chủ quan xuất phát từ nội tại, nhiều DN đang "hụt hơi" do chi phí tăng cao, trong đó có việc nhập khẩu nguyên, nhiên liệu từ thị trường thế giới với giá cao, lại bị tồn đọng sản phẩm đầu ra. Đặc biệt, DN vừa và nhỏ đang phải đối mặt với sự đình đốn, nên chủ yếu chỉ cố gắng duy trì hoạt động cầm chừng. Không chỉ khó tiếp cận nguồn vốn kể cả khi vay được, không ít DN thiếu khả năng hấp thụ vốn vì "sức khỏe" đã giảm sút nhiều. Nhiều DN quy mô lớn cũng phải đánh vật với khó khăn, nhất là đơn vị thuộc lĩnh vực bất động sản, xây lắp, sản xuất vật liệu xây dựng… DN có vốn nước ngoài nêu thực trạng cải cách hành chính, mức độ minh bạch, công khai về thông tin, sự phù hợp trong các quy định pháp lý vẫn chưa đáp ứng nhu cầu, gây ảnh hưởng đến hiệu quả SXKD hoặc cản trở quá trình ra quyết định của chủ đầu tư.
Những bất cập, yếu kém của hệ thống hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực, quản trị DN cũng tác động xấu đến cộng đồng DN và bộc lộ ở mức độ sâu sắc hơn.
Đa dạng các giải pháp hỗ trợ
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho biết, nhìn chung cộng đồng DN đã gồng mình vượt khó, với tinh thần chủ động kết hợp với việc tự giác tái cơ cấu mô hình hoạt động, xác định lại xu hướng đầu tư - kinh doanh trong tương lai gần. DN ủng hộ chủ trương, sự điều hành của Chính phủ, phát huy tối đa nội lực và sẵn sàng đón nhận sự hỗ trợ từ Nhà nước và các ngành chức năng. Đặc biệt, Chính phủ đang khẩn trương triển khai gói tài chính hỗ trợ DN với những biện pháp đồng bộ, kết hợp giãn thuế giá trị gia tăng để tạo điều kiện giảm giá thành sản phẩm, từ đó có thể gia tăng tốc độ tiêu thụ sản phẩm. Nhiều ngành, hiệp hội cũng đồng thuận với việc sớm thành lập Quỹ Phát triển DN nhỏ và vừa; lùi lộ trình tăng giá của các loại nhiên liệu, năng lượng đầu vào, như than, điện; không áp dụng các loại phí mới…
Theo Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh, thời gian tới, Bộ KH-ĐT sẽ phối hợp với các địa phương rà soát tiến độ triển khai các dự án đầu tư nước ngoài (ĐTNN), hỗ trợ DN tối đa trong việc giải ngân, khắc phục tình trạng suy giảm vốn ĐTNN đăng ký mới. Bộ KH-ĐT sẽ tăng cường theo dõi, khống chế và loại trừ tình trạng dự án quy mô lớn nhưng chậm triển khai - mà thực chất là "ảo" để làm lành mạnh môi trường đầu tư; đồng thời tập trung thanh lọc và nâng cao chất lượng các dự án ĐTNN, nâng cao sức cạnh tranh của từng DN cũng như nền kinh tế.
Đại diện Bộ Công thương xác nhận sẽ quan tâm thỏa đáng đến nhu cầu phát triển đa dạng của DN, đẩy nhanh tiến trình hình thành các ngành công nghiệp phụ trợ để thu hút sự tham gia cũng như phát huy tiềm năng của khối DN nhỏ và vừa. Trong đó, tập trung vào việc tạo điều kiện cho DN nhận hợp đồng sản xuất linh kiện, chi tiết từ các công ty quốc tế lớn, từ đó tiếp nhận và làm chủ công nghệ tiên tiến. Bộ Công thương cũng ủng hộ việc hình thành, vận hành những cơ sở sản xuất điện sạch, năng lượng tái tạo nhằm tiết giảm chi phí điện năng cho DN, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường, tạo đầu vào cho tăng trưởng bền vững.
Tại diễn đàn, đại diện một số phòng thương mại quốc tế đã đánh giá cao sự điều hành của Chính phủ trong thời gian qua, nhất là từ khi triển khai Nghị quyết 11/NQ-CP, trong đó có việc cắt giảm đầu tư công, tăng tốc xóa đói giảm nghèo.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh: Tăng trưởng hợp lý gắn với tái cơ cấu kinh tế Năm tháng qua, nền kinh tế đã từng bước hồi phục, lạm phát được khống chế, xuất khẩu đạt mức tăng trưởng cao. Tuy vậy, nền kinh tế chưa lấy lại được phong độ, tốc độ tăng trưởng thấp, thiếu bền vững, nên Chính phủ đang, sẽ tập trung hỗ trợ DN. Thời gian tới, Việt Nam vẫn kiên trì mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng hợp lý gắn với tái cơ cấu kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội. Để thực hiện mục tiêu đó rất cần sự hợp tác, chia sẻ của các tổ chức quốc tế, nhất là cộng đồng DN thông qua từng dự án cụ thể… |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.